Cơ hội sẽ mở ra từ áp lực thuế quan
Trong bối cảnh áp lực thuế quan Hoa Kỳ vẫn 'treo lơ lửng' trên đầu, thay vì co cụm hay e ngại, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội nâng cấp, tái cấu trúc và chủ động thích ứng trong cuộc chơi mới của thương mại quốc tế.
“Lô hàng này chúng tôi đã vất vả để chốt với khách hàng bên Mỹ và chuẩn bị giao hàng. Tuy nhiên, đối tác bên Mỹ đang cân nhắc bởi chính sách thuế mới. Cũng chỉ là những sản phẩm mắm với giá trị rất nhỏ. Nhưng đây là nỗ lực miệt mài của chúng tôi để chuẩn bị hồ sơ, khai báo FDA, chốt được với khách hàng. Việc làm hàng xong xuôi mà không xuất đi được, không chỉ thiệt hại về tiền bạc mà còn mất đi cơ hội và sự khẳng định mình trước các đối thủ cạnh tranh”, ông Lê Anh, nhà sáng lập Mắm Lê Gia chia sẻ nỗi lòng vào ngày 3/4, thời điểm mức thuế đối ứng 46% của Hoa Kỳ với hàng hóa Việt Nam được công bố.
Biến áp lực thành động lực

Giai đoạn 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng 46% chỉ như một khoảng lặng ngắn, trong khi những thách thức phía trước với doanh nghiệp xuất khẩu vẫn hiện hữu.
Không riêng gì ông Lê Anh, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đứng trước những khó khăn tương tự – không chỉ là thiệt hại đơn hàng trước mắt mà còn là những rủi ro về hình ảnh thương hiệu, niềm tin của đối tác, và cả sự bền vững trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, sau khi được tiếp nhận những thông điệp mạnh mẽ từ các vị lãnh đạo đất nước với loạt biện pháp ứng phó ngắn hạn - trung hạn - dài hạn, tâm lý của người chủ doanh nghiệp đã nhanh chóng có sự chuyển biến.
Chỉ một ngày sau, ông Lê Anh chia sẻ với tinh thần mới, xem khó khăn và rủi ro như lô hàng vừa rồi là việc thường thấy trong kinh doanh. Cách nhìn vấn đề và giải pháp vượt qua mới quan trọng. “Với hoạt động xuất khẩu, dù còn khiêm tốn và nhỏ bé, nhưng chúng tôi đang nỗ lực để đưa ‘hộ chiếu’ ẩm thực Việt đi xa hơn. Thị trường này khép lại thì cố gắng chinh phục thị trường khác”.
Câu chuyện của Mắm Lê Gia là một lát cắt rõ nét trong bức tranh lớn hơn - nơi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang dần bình tĩnh, đánh giá tình hình và tìm hướng đi phù hợp. Đúng với tinh thần “bàn làm không bàn lùi”, họ đang chọn cách tiến lên thay vì chờ đợi hay co cụm.
Tại buổi họp Thường trực Chính phủ diễn ra đầu tuần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã một lần nữa khẳng định, bên cạnh các thách thức, tình hình thương mại thế giới hiện nay là cơ hội cho Việt Nam tái cấu trúc các động lực xuất khẩu, tái cấu trúc doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đi vào các sản phẩm công nghệ cao, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ... dựa vào khoa học, công nghệ, chuyển đổi số theo xu thế của thế giới.
Không chỉ từ phía Chính phủ, các hiệp hội và chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đều nhìn nhận những áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ chính là chất xúc tác, mở ra cơ hội “nâng tầm” doanh nghiệp Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam.
Tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra cuối tuần qua, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phạm Tấn Công khẳng định “trong nguy luôn có cơ”. Đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tái định vị doanh nghiệp – tái cấu trúc nền kinh tế
Nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm, chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, nhưng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Theo đó, các doanh nghiệp cần phân tích tình hình cụ thể, có chiến lược thích ứng với từng mặt hàng. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh riêng ở nhiều mặt hàng như da giày, thủy sản, nông lâm sản… Nếu được định vị đúng đắn, khai thác tốt lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh thì hàng hóa Việt vẫn có chỗ đứng.
Đồng thời, doanh nghiệp Việt nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa - vốn vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được quan tâm đúng mức.
“Thị trường nội địa Việt Nam là một không gian lớn mà nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ. Trong khi hàng xuất khẩu chất lượng rất cao, thì sản phẩm tiêu thụ nội địa còn tồn tại hàng kém chất lượng, thậm chí hàng giả. Doanh nghiệp cần nhìn nhận lại và đầu tư nghiêm túc cho thị trường trong nước, làm tốt hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, chiếm lĩnh thị phần”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân nói với Vnbusiness.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, gợi ý các doanh nghiệp nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và tín dụng để tối ưu chi phí. Bên cạnh đó là nắm bắt xu hướng chuyển đổi kép - xanh hóa và số hóa nhằm xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các yêu cầu ESG.
“Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, từ công nghệ, nhân lực đến quản trị rủi ro và minh bạch xuất xứ hàng hóa”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Về phía Chính phủ, bên cạnh chuẩn bị tốt các nội dung để đàm phán với Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vừa thúc đẩy phát triển, vừa quản lý và bảo vệ sản xuất, nhất là về xuất xứ hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái…
Cùng với đó, tiếp tục rà soát cơ chế hoàn thuế; cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí, thời gian tuân thủ theo Nghị quyết 66 của Chính phủ; thành lập Cổng đầu tư một cửa quốc gia, Trung tâm xúc tiến và kêu gọi đầu tư quốc gia và cấp tỉnh… Qua đó, kiểm soát và kêu gọi, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao, lâu dài, bền vững, tham gia chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài và toàn cầu.
Những chính sách này không chỉ gỡ khó trước mắt mà còn tạo nền tảng dài hạn để khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương
Những khó khăn từ việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho chúng ta chủ động tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn và để thực hiện được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Giáo sư David Dapice, Đại học Tufts, Mỹ
Việt Nam đang dần trở thành một quốc gia không còn lao động giá rẻ. Giải pháp trọng yếu ở đây là theo đuổi các lợi thế xuất khẩu thay thế: cải thiện kiểm soát chất lượng, quy mô sản xuất và khả năng giao hàng đúng hạn của các công ty Việt Nam đang phục vụ nhà đầu tư nước ngoài. Cách tiếp cận này cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực, đồng thời trở nên linh hoạt hơn và bền bỉ hơn.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam
Chúng ta kỳ vọng doanh nghiệp sẽ nhanh chóng có biện pháp thích nghi với tình hình, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách khác để tiếp tục duy trì mức xuất khẩu vào Hoa Kỳ ở mức độ vừa phải, có thể không như những năm trước nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì. Đồng thời, chúng ta sẽ tìm cách xuất khẩu vào các thị trường khác như EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản hoặc một số nền kinh tế ở châu Mỹ Latinh để duy trì tốc độ xuất khẩu cao hơn, tạo động lực tăng trưởng mạnh từ xuất khẩu.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/co-hoi-se-mo-ra-tu-ap-luc-thue-quan-1106330.html