Cơ hội tăng tốc xuất khẩu sang thị trường tỷ dân
Dư địa xuất khẩu hàng Việt sang Trung Quốc rất lớn và tốc độ tăng trưởng sẽ tỷ lệ thuận với đà nâng cấp chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.
Thị trường gần, nhiều FTA
Tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam năm 2023 đạt gần 2,2 tỷ USD, trong đó, riêng xuất sang Trung Quốc chiếm tới 2,1 tỷ USD, với sản lượng gần 500.000 tấn. Nếu tính chung ngành hàng rau quả, năm qua, thị trường tỷ dân đã nhập từ nước ta gần 3,6 tỷ USD.
Năm 2023 ghi nhận 12 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, 2 nhóm hàng lớn nhất đạt kim ngạch hơn 10 tỷ USD là điện thoại và linh kiện (16,87 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13 tỷ USD).
Những mặt hàng kể trên đóng góp chủ lực vào kết quả xuất khẩu đạt hơn 62 tỷ USD của Việt Nam sang Trung Quốc và gần 172 tỷ USD thương mại song phương giữa 2 nước trong năm 2023.
Quý I/2024, thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc tiếp đà tăng tốc, đạt trên 42 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 12,68 tỷ USD, tăng 5,2%; nhập khẩu từ Trung Quốc 29,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Với kết quả này, tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của nước ta trong quý I và dự kiến cả năm 2024.
Có thể thấy, những năm gần đây, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc liên tục tăng cao. Hai bên tăng cường mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của nhau, nhất là nông sản, nhờ đó, nhóm hàng này có mức tăng trưởng ấn tượng.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba khẳng định, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước luôn duy trì đà phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, trong bối cảnh môi trường bên ngoài phức tạp, nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam gặp nhiều thách thức, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 5%, là thành tích rất đáng ghi nhận.
BẮC GIANG XÚC TIẾN HỢP TÁC TIÊU THỤ NÔNG SẢN VỚI QUẢNG TÂY (TRUNG QUỐC)
Các địa phương có hoạt động xuất khẩu nông sản lớn sang Trung Quốc đã và đang chủ động khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy xuất khẩu.
Mới đây, tại Tọa đàm với Đoàn công tác Bộ Thương mại Trung Quốc do ông Lý Hưng Kiền, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương làm Trưởng đoàn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn đề nghị phía Quảng Tây phối hợp các biện pháp để tiêu thụ nông sản trái cây của Việt Nam, đặc biệt trong cao điểm vụ thu hoạch sắp tới.
“Bắc Giang mong được phía Quảng Tây tạo điều kiện, chia sẻ thông tin về các quy định mới, chính sách xuất nhập khẩu nói chung và nông sản nói riêng (mã vùng trồng, cơ sở đóng gói…) để kịp thời hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa với chất lượng cao nhất, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, phù hợp với nhu cầu thị trường, tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Trung Quốc”, ông Tấn đề xuất.
Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương, như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh tiến độ tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Các FTA này thúc đẩy tăng trưởng thương mại mạnh mẽ giữa Việt Nam - Trung Quốc, nhờ cắt giảm nhiều dòng thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu và thuận lợi hóa thương mại.
Theo thống kê của Bộ Công thương, lượng hàng hóa xuất khẩu theo chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi (mẫu E và RCEP) cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu, với trị giá trên 17 tỷ USD trong năm 2022 và ước tính giá trị thực hiện trong năm 2023 cao hơn con số này.
Thêm vào đó, khoảng cách gần về địa lý, tập quán tiêu dùng của người Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với người Việt cũng tạo lợi thế rất lớn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Hiện Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong tương lai, con số này sẽ lớn hơn khi Trung Quốc mở cửa cho nhiều loại nông sản mới như dừa tươi, rau quả đông lạnh, hoa quả có múi… Ngoài ra, các mặt hàng khác như dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu.
Nâng chất cho hàng xuất khẩu
Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc không ngừng tăng. Điểm đáng chú ý là, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính, mà ngày càng yêu cầu cao về chất lượng hàng nhập khẩu, từ nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cho tới nhóm “nhạy cảm” hơn như nông sản, thủy sản.
Nhưng, một khi nhà nhập khẩu hài lòng về chất lượng, doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều lợi thế, kể cả khi bối cảnh thương mại không mấy thuận lợi.
Sở hữu chuỗi sản xuất rau quả khép kín, quy mô lớn, với hệ thống nhà máy chế biến đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất từ các thị trường khó tính, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc yêu cầu khắt khe không kém EU, Mỹ… Vì vậy, theo Doveco, doanh nghiệp Việt cần chinh phục thị trường Trung Quốc như thị trường khó tính khác.
Theo đó, cần tránh tối đa việc các lô hàng nông sản, thủy sản vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, việc 30 lô hàng sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm đã bị hải quan nước này cảnh báo.
Con số 30 lô trên tổng số 35.000 - 40.000 lô hàng sầu riêng khẩu sang Trung Quốc dẫu chưa ảnh hưởng tới kết quả xuất khẩu nói chung, nhưng là cảnh báo để Việt Nam chủ động rà soát.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã giao Cục Bảo vệ thực vật rà soát lại, xem xét, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để đạt yêu cầu của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.
Trung Quốc đang mở cửa rộng hơn với nhiều loại nông sản nhập chính ngạch từ Việt Nam. Để khai thác hiệu quả thị trường tỷ dân này, ngành sản xuất nông nghiệp trong nước cần chuẩn hóa quy trình, đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-hoi-tang-toc-xuat-khau-sang-thi-truong-ty-dan-d212622.html