Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Sau một thời gian hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) ngành điện tử và cơ khí nâng cao năng lực kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) đã chính thức khởi động Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (Dự án LinkSME) với mục đích mở rộng quy mô hỗ trợ cho nhiều ngành khác.

Góc nhìn

Theo đó, hơn 22 triệu USD sẽ được giải ngân từ nay đến năm 2023 nhằm tăng cường khung kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với DN đầu chuỗi, đồng thời nâng cao năng lực của DNNVV Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Sự thiếu liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế FDI là điều rất đáng tiếc trong hơn 30 năm mở cửa thu hút FDI. Cũng chính sự rời rạc này làm cho khu vực FDI gần như trở thành "ốc đảo" trong nền kinh tế Việt Nam, khiến cho nền kinh tế không phát huy được tất cả các nguồn lực để phát triển bền vững. Trong chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, tăng cường sự liên kết giữa khu vực FDI và DN trong nước để tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế, nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI được coi là một trong những mục tiêu quan trọng.

Theo tính toán của Dự án LinkSME, nếu tăng cường chuỗi cung ứng trong tất cả các ngành thì có thể tạo ra 58 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra còn có các lợi ích lớn khác như: kinh nghiệm từ dự án giúp đề xuất cải cách thể chế hóa, đơn giản hóa quy định và thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN; tạo thuận lợi kinh doanh và tăng cường hội nhập quốc tế; tăng hàm lượng nội địa hóa, tạo thêm giá trị cho nền kinh tế; tạo thêm việc làm và thu nhập... Tuy nhiên, lời giải cho bài toán tăng cường chuỗi liên kết cũng là một thách thức đối với Việt Nam. Bởi khi xác định đầu tư vào Việt Nam, các DN FDI đã tạo dựng sẵn một hệ sinh thái và ngày càng có xu hướng tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài. Do đó, cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của DN trong nước là rất ít và chỉ thành công khi bản thân DN trong nước đáp ứng đủ tiêu chuẩn của DN đầu chuỗi.

"Tôi hỏi DN FDI vì sao không hợp tác được với DN trong nước, họ bảo chất lượng sản phẩm của DN trong nước không đủ tiêu chuẩn để tham gia chuỗi giá trị. Ngược lại, tôi hỏi DN trong nước tại sao không nâng cao năng lực để kết nối được với chuỗi giá trị, họ nói muốn đầu tư cũng không biết cách nào để kết nối được, mà đầu tư xong không tham gia được thì phá sản. Câu chuyện này không khác gì triết lý con gà, quả trứng", Bộ trưởng KH và ÐT Nguyễn Chí Dũng nói trong lễ khởi động Dự án LinkSME.

Dự án này không thể giải quyết hết các vấn đề đặt ra nhưng ít nhất cũng là những bước đi cụ thể nhằm kết nối DN trong nước với DN FDI. Qua đó, DNNVV kết nối được với các DN đầu chuỗi quan tâm tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước và tăng hàm lượng nội địa hóa sản phẩm; tiếp cận với quy trình, thủ tục đấu thầu mua sắm của DN đầu chuỗi; được hỗ trợ nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của các DN đầu chuỗi. Về phía DN FDI cũng tiếp cận được nhà cung cấp là các DNNVV Việt Nam đã được đánh giá về năng lực cũng như các thông tin chi tiết về dòng sản phẩm với chi phí kết nối thấp.

BÍCH NGÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41808402-co-hoi-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau.html