Cơ hội thi đấu cho cầu thủ trẻ và sự mở lòng của Hà Nội FC
Hà Nội FC là một trong những đội bóng đang 'khủng hoảng thừa' cầu thủ trẻ ở V.League. Đây là điều khiến nhiều cầu thủ trẻ chất lượng trở về từ đội U19, U23 quốc gia ít có cơ hội thi đấu. Các đội ở V.League và hạng Nhất hoàn toàn có thể tận dụng nguồn tài nguyên này.
Chủ tịch Hà Nội FC Đỗ Vinh Quang đã chia sẻ về thực trạng đào tạo trẻ của đội bóng Thủ đô: “Đào tạo trẻ là thứ tiên quyết của các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Ở Hà Nội, số cầu thủ trẻ được lên đội một cũng rất ít.Chúng tôi luôn tìm kiếm các câu lạc bộ khác có thể cho các cầu thủ này ra sân thường xuyên. Hà Nội sẽ chủ động và cũng rất mong nhận được lời đề nghị từ các đội bóng khác. Chúng tôi sẵn sàng cho mượn các cầu thủ trong 1-2 năm, khi họ trưởng thành, chúng tôi sẽ đưa về thử sức ở đội 1".
Thực tế, Hà Nội FC thời gian qua là câu lạc bộ có đóng góp số lượng lớn các cầu thủ cho các đội U19, U23 và đội tuyển quốc gia.Nhưng nhiều gương mặt ngôi sao của Hà Nội lại đối diện với nghịch lý phải tìm kiếm vị trí khi trở về câu lạc bộ. Mới đây, những ngôi sao U23 Việt Nam trở về từ giải U23 châu Á 2022 như Tiến Long, Văn Trường, Văn Tùng là ví dụ điển hình cho câu chuyện đó. Dù tỏa sáng trong đội hình của thầy Gong Oh-kyun nhưng họ lại không thể cạnh tranh vị trí ở Hà Nội FC. Ngay cả Hai Long cũng chỉ là phương án dự bị.
Chính vì thế, nếu đến với một đội bóng khác, những cầu thủ này sẽ có nhiều cơ hội ra sân hơn. Đây vẫn là điều mà Hà Nội FC từng làm trong quá khứ. Họ luôn giải quyết việc “khủng hoảng thừa” bằng cách cho mượn, thậm chí tặng cả đội hình trẻ cho các địa phương khác.
Quang Hải, Đình Trọng từng có quãng thời gian khoác áo Sài Gòn (trước đó là CLB Hà Nội thăng hạng lên chơi ở V.League 2016 rồi đổi tên thành Sài Gòn, di chuyển vào TP.HCM). Đó cũng được xem là đội 2 của Hà Nội FC (trước đó là Hà Nội T&T).Một trong những câu chuyện từng tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Năm 2019, đội Hà Nội B gồm những cầu thủ trẻ U21 của Hà Nội FC đã được chuyển giao cho Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở giải hạng Nhất dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Phạm Minh Đức. Đội bóng sau đó đã giành quyền lên chơi ở V.League 2022 và có nhiều cầu thủ đã trưởng thành từ câu lạc bộ này.
Nguyên Chủ tịch Hà Nội FC từng chia sẻ câu chuyện bất cập của đội bóng là Hà Nội có tuyến trẻ tốt nên mỗi khi lên hạng có cái khó là phải chuyển giao, vì theo quy chế không cho phép hai đội bóng cùng đá một giải. Ông Nguyễn Quốc Hội lúc đó còn đưa ra quan điểm rằng, nên cân nhắc sửa đổi quy chế để phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, đây chính là sự éo le mà đội bóng đang gặp phải. Năm 2020, Bầu Hiển đã chuyển giao đội bóng U21 Hà Nội cho câu lạc bộ Phú Thọ chơi giải hạng Nhì, hướng đến mục tiêu lên chơi V.League 2022. Tại thời điểm chuyển giao, bầu Hiển nhấn mạnh rằng, Công ty CP Thể thao Hà Nội T&T tặng đội bóng cho Phú Thọ chứ không có sự mua bán. Hiện, Phú Thọ đang chơi ở giải hạng Nhất. Nhiều cầu thủ trẻ cũng đã có sân chơi để khẳng định bản thân.
Trước thực trạng nhiều cầu thủ trẻ trở về từ U19, U23 quốc gia nhưng không có cơ hội thi đấu cho các câu lạc bộ, từng có doanh nghiệp đã nêu ý tưởng thành lập đội U23 để đá V.League.Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Sau đó, VFF cũng đã không thông qua phương án này.
Chủ tịch Hà Nội FC Đỗ Vinh Quang nêu quan điểm: “Đó là ý tưởng khá táo bạo nhưng không phải không có cơ sở. Một số đất nước ở khu vực Đông Nam Á đã thực hiện. Như huấn luyện viên Phan Thanh Hùng nói, các cầu thủ trẻ ở trên đội tuyển có ít thời gian tập cùng câu lạc bộ. Nhưng chính câu lạc bộ mới là nơi nuôi dưỡng và phát triển nên cầu thủ đó. Rất mong các cầu thủ ý thức được việc cống hiến cho câu lạc bộ chủ quản. Đó là cái nôi để họ trưởng thành.
Quan điểm thành lập đội U23 thi đấu chuyên nghiệp sẽ còn gây nhiều tranh cãi, vì có nhiều đề xuất, ý tưởng khác nhau. Tôi chỉ mong các câu lạc bộ sử dụng cầu thủ trẻ nhiều hơn, đó là phương án tốt nhất. Về đào tạo trẻ, nếu không mở ra xu thế thì các đơn vị khác họ cũng chỉ dừng lại ở đội trẻ.Ví dụ các trung tâm như PVF và Nutifood đào tạo trẻ rất tốt nhưng lại không có đội chuyên nghiệp. Đầu ra của các cầu thủ trẻ là sân chơi V.League hay hạng Nhất, nhưng vì không có nên sự chuyển giao, thay đổi môi trường sẽ khiến các cầu thủ thiếu chủ động, gặp nhiều khó khăn, bị thui chột. Đó là điều đáng tiếc". Từ câu chuyện của Hà Nội có thể đi đến một thực tế, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát triển đồng đều ở các câu lạc bộ, đặc biệt là khâu đào tạo trẻ.Sự mở lòng của Hà Nội FC về việc cho mượn cầu thủ cũng là giải pháp mà các đội bóng khác có thể tận dụng nhân sự thời điểm hiện tại.