Cơ hội thị trường cho sản phẩm tái chế

Cơ chế thị trường tạo ra lợi nhuận sẽ giúp kinh tế tuần hoàn được ứng dụng và phát triển một cách tự nhiên.

Tái chế lại là chìa khóa để ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn, giải quyết triệt để rác thải. Ảnh: VTV.

Tái chế lại là chìa khóa để ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn, giải quyết triệt để rác thải. Ảnh: VTV.

Nguyên tắc 3R trong quản lý chất thải rắn được khuyến khích thực hiện theo thứ tự tiết giảm, tái sử dụng, sau đó mới đến tài chế. Tuy nhiên, tái chế lại là chìa khóa để ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn, giải quyết triệt để rác thải.

Luật Bảo vệ môi trường 2019 đã đưa ra hướng tiếp cận mới, coi rác thải là tài nguyên đầu vào cho quá trình sản xuất kinh doanh, từ đó thiết lập rộng rãi nền kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình tuyến tính lỗi thời và kém bền vững.

Theo các chuyên gia của Viện Khoa học môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường, hướng tiếp cận này giúp tạo ra lợi nhuận cho hoạt động tái chế, trở thành động lực quan trọng để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường kinh doanh tái chế cũng như chất thải ở Việt Nam vẫn chưa phát triển để đáp ứng kịp tốc độ gia tăng chất thải.

Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh Việt Nam, thị trường tái chế ở Việt Nam chưa được quản lý sát sao, dẫn đến sự hoạt động vô tội vạ của các tổ chức, doanh nghiệp yếu kém về trình độ, tạo ra sản phẩm không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đồ nhựa tái chế.

Cụ thể, một số cơ sở tái chế đồ nhựa thường không có đủ công nghệ để phân loại và rửa sạch rác thải, chỉ được xử lý qua loa trước khi tiến hành nghiền nhỏ, nấu chảy và đúc khuôn tạo sản phẩm mới.

Các sản phẩm nhựa “giáng chế” này có độ bền thấp, dễ hư hại trước các tác nhân như ánh sáng, nhiệt độ, thậm chí còn có chứa nhiều hóa chất độc hại, nhưng lại được ứng dụng làm hộp xốp, cốc nhựa dùng một lần, gây ra những hệ quả khó lường cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Cùng với đó, thị trường tái chế cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm nguyên sinh khi chi phí sản xuất các nguyên vật liệu như nhựa, giấy ngày càng rẻ.

Giải pháp, sáng kiến phát triển thị trường tái chế

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường, Việt Nam đang ở trong giai đoạn hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là lợi thế quan trọng giúp tạo ra những nền móng xây dựng thị trường tái chế cũng như kinh tế tuần hoàn bền vững.

Việc cần làm lúc này là tạo ra những khung pháp lý chặt chẽ để kiểm soát và khuyến khích sự phát triển của thị trường tái chế, cũng như sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Về phía Chính phủ, ông Vượng đề xuất cần tạo ra các tiêu chuẩn riêng để kiểm soát chất lượng của sản phẩm tái chế, bên cạnh việc đưa ra các chính sách tạo điều kiện cho thị trường tái chế phát triển, như yêu cầu tỷ lệ nhựa tái sinh bắt buộc trong sản phẩm nhựa, trợ giá sản phẩm tái chế…

Ông Trần Quang Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI cũng như VBCSD đã có nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy thị trường tái chế ở Việt Nam, như sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, dự án phát triển thị trường nhựa tái chế sau tiêu dùng.

Các dự án được triển khai trên nền tảng công nghệ thông tin, với nguồn lực hợp tác công tư, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp tham gia tích cực vào công đoạn tái chế, tái sử dụng, qua đó sử dụng triệt để nguyên vật liệu, đồng thời tạo ra việc làm và cơ hội kinh doanh mới.

Thông điệp khuyến khích người tiêu dùng tích cực tham gia chuỗi tái chế rác thải của PRO Việt Nam. Ảnh: PRO Việt Nam.

Thông điệp khuyến khích người tiêu dùng tích cực tham gia chuỗi tái chế rác thải của PRO Việt Nam. Ảnh: PRO Việt Nam.

Cùng chung mục tiêu phát triển thị trường tái chế, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đưa ra hướng tiếp cận tinh giảm chi phí tái chế để tạo ra năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Theo đó, mục tiêu đầu tiên được PRO Việt Nam tiến hành là nâng cao tỷ lệ thu gom và phân loại rác thải tại nguồn. Ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam lý giải, ổn định tỷ lệ thu gom giúp doanh nghiệp tái chế đảm bảo được đầu vào chất lượng cao.

Trên cơ sở nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, các thành viên PRO Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu thay đổi thiết kế bao bì sản phẩm để tạo thuận lợi cho quá trình tái chế, thực hiện cam kết tái chế 100% bao bì vào năm 2030.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/co-hoi-thi-truong-cho-san-pham-tai-che-1606450803726.htm