Cơ hội thúc đẩy phát triển thương mại nội địa
Tỉnh ta được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng với hơn 1,7 triệu dân. Do vậy ngành Công Thương đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lĩnh vực thương mại, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển hệ thống phân phối kinh doanh trên địa bàn. Song song với việc phát triển mạng lưới chợ và loại hình thương mại truyền thống, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Tỉnh ta được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng với hơn 1,7 triệu dân. Do vậy ngành Công Thương đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lĩnh vực thương mại, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển hệ thống phân phối kinh doanh trên địa bàn. Song song với việc phát triển mạng lưới chợ và loại hình thương mại truyền thống, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ theo hướng tiện ích, hiện đại và chuyên nghiệp. So với quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2025 thì đến nay thương mại nội địa đã phát triển nhanh hơn mục tiêu đề ra.
Toàn tỉnh hiện có 63 siêu thị, cửa hàng tiện ích, trong đó có 6 siêu thị tổng hợp với quy mô diện tích từ 3.000m2 sàn kinh doanh trở lên, gồm Big C, Micom, Co.op Mart (thành phố Nam Định), Country Mart tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Lan Chi Mart (Giao Thủy), cùng hệ thống các siêu thị chuyên doanh như thực phẩm sạch của Vinmart (16 cửa hàng), cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch (3 cửa hàng); Thế giới sữa (18 cửa hàng); siêu thị điện máy của Media Mart (5 siêu thị); Điện máy xanh (11 cửa hàng); gần 100 máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng. Hiện nay, các đơn vị như: Siêu thị Lan Chi, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch của Vinmart đang chuẩn bị các điều kiện mở rộng chi nhánh của mình phủ khắp các huyện trên địa bàn tỉnh là tín hiệu vui cho thương mại nội địa. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh cũng chủ động đầu tư hạ tầng thương mại, phát triển kênh phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Công ty TNHH một thành viên Chế biến nông sản sấy khô Minh Dương đã mở chuỗi cửa hàng MinMart để cung ứng sản phẩm của mình cũng như của các doanh nghiệp trong Hiệp hội Nông sản sạch của tỉnh và nông đặc sản sạch ở các tỉnh bạn. Hợp tác xã chăn nuôi Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tại khu vực trung tâm xã Trực Thái cung ứng sản phẩm đã qua chế biến của trang trại và nhiều mô hình liên kết khác cho người dân khu vực nông thôn. Sự phát triển nhanh chóng của các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh tiện ích với nhiều mặt hàng phong phú, chất lượng, giá cả phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và là cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại. Hiện tại nhiều sản phẩm như: muối biển nhạt, muối thảo dược của Công ty TNHH Thương mại muối Nam Định, thủy sản Hùng Vương, nông sản sấy khô Minh Dương, nước mắm Ninh Cơ, Tân Phú… đã được đưa vào hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch và các siêu thị Big C, Micom, Co.op Mart, Country Mart, Lan Chi Mart… Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm này có mặt ở tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, nơi có chi nhánh của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích này đứng chân. Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản Hùng Vương (Giao Thủy) cho biết: Trước đây, sản phẩm của Công ty chỉ xuất khẩu theo tiểu ngạch và bán ở các đại lý thực phẩm. Khi các siêu thị, cửa hàng tiện ích mở trên địa bàn, Công ty đến chào hàng và nhanh chóng được chấp nhận cung ứng vì sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định. Lợi thế khi tham gia cung ứng sản phẩm tại các chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị là sản phẩm không chỉ được tiêu thụ tại một điểm mà được phân phối trong toàn hệ thống của đơn vị đó. Nhờ đó các sản phẩm đặc trưng của Công ty là chả cá, cá sấy khô, tép moi… nhanh chóng được chấp thuận ở thị trường hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Để có được kết quả trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, các loại hình và sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị gia tăng cao. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, văn minh theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đẩy mạnh công tác quản lý thương mại trên địa bàn, thực hiện tốt công tác thẩm định, cấp phép đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm, vận chuyển hàng nhập lậu…
Phát triển nhanh, quy mô lớn nhưng hệ thống thương mại nội địa của tỉnh vẫn tồn tại hạn chế là hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện ích đều thuộc các tập đoàn bán lẻ lớn ngoài tỉnh nên hàng hóa sản xuất trong tỉnh ít có mặt trong hệ thống phân phối này, giá trị gia tăng về thương mại và yếu tố kích cầu sản xuất chưa cao trong khi tỉnh ta có hơn 20 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các sản phẩm nông nghiệp; trên 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất theo quy trình VietGAP. Bên cạnh đó, tiềm lực của các cửa hàng tiện ích của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh mới mở còn yếu, kỹ năng quản lý kém nên khó cạnh tranh, luân chuyển hàng hóa như hệ thống các siêu thị lớn.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển thương mại đến năm 2020, tầm nhìn 2025, việc hình thành các siêu thị, cửa hàng tiện ích tiếp tục được khuyến khích đầu tư. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất nhập khẩu hàng hóa khó khăn nên cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất đều hướng đến sản phẩm nội địa. Đây là cơ hội tốt cho hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa nội địa phát triển. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh cần nhanh chóng tận dụng thời điểm biến “nguy” thành “cơ” đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống bán lẻ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương