Cơ hội thúc đẩy tài chính tiêu dùng

Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là một lĩnh vực kinh doanh đang có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính của các cá nhân. Nhưng để tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò không thể thiếu trong thị trường tài chính, ngành tài chính tiêu dùng với đại diện chủ yếu là các công ty tài chính vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư mạnh mẽ cho yêu cầu số hóa các giải pháp, dịch vụ…

“Mảnh đất” nhiều tiềm năng

Hiện nay, ngành tài chính tiêu dùng đang có tốc độ tăng trưởng cho vay rất cao, bình quân 29%/năm. Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục tăng mạnh, ước từ mức 646.000 tỷ đồng năm 2016 lên một triệu tỷ đồng vào năm 2019. Tiềm năng tăng trưởng của thị trường này được đánh giá vẫn còn rất lớn bởi tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4%. Đây là con số còn khá thấp so bình quân ở các nước phát triển đạt 40-50%.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động của đời sống xã hội cũng nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn kiện, dự thảo tham mưu cho Chính phủ mà điểm chung của mô hình phục hồi kinh tế hiện nay là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài. Để làm được điều này, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng”, ông Trần Quốc Phương nêu rõ.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe cũng cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức đến nay chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (tương đương 1,16 đến 1,55 triệu tỷ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng một triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ; ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức. “Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5 đến hai triệu tỷ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo”, ông Phạm Xuân Hòa nhấn mạnh về tiềm năng phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng.

Đồng quan điểm khi cho rằng dư địa cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng là rất lớn, song PGS, TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng nêu lên một số thách thức đối với phát triển tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới. Cụ thể, cho vay tiêu dùng luôn phải đối diện với nguy cơ rủi ro cao. Mặt khác, dự kiến cho vay bằng tiền mặt cũng sẽ bị hạn chế khi các cơ quan quản lý đang có ý định siết chặt hơn giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Do dó, việc mở rộng dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung sẽ trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn trước. Ngoài ra, cũng không thể không kể đến tác động của đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động hết sức nghiêm trọng. Theo đó, Covid-19 không chỉ làm suy thoái kinh tế mà còn thay đổi cả thói quen và đời sống của người dân, nên sẽ gây ra tác động kép đối với tín dụng tiêu dùng, cả về nhu cầu sụt giảm và khả năng thu nợ của các công ty tài chính cũng như của các ngân hàng thương mại.

Hoàn thiện cơ chế cho vay tiêu dùng

Đến nay, khung khổ pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng ngày càng được cập nhật và hoàn thiện hơn. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 4-11-2019 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Quy định mới này được đánh giá là sẽ giúp hoạt động cho vay tiêu dùng minh bạch và rõ ràng hơn, hạn chế những hệ lụy phát sinh trong công tác cho vay, thu hồi nợ có tính chất tiêu cực. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò không thể thiếu trong thị trường tài chính Việt Nam, ngành tài chính tiêu dùng với đại diện chủ yếu là các công ty tài chính vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư mạnh mẽ cho yêu cầu số hóa các giải pháp, dịch vụ…

Sau khi nhìn nhận rõ các thách thức, PGS, TS Đặng Ngọc Đức cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển tín dụng tiêu dùng giai đoạn 2020 - 2025 đối với các công ty tài chính và các ngân hàng thương mại. Theo đó, cần xây dựng và phát triển chương trình cho vay tiêu dùng với những mục tiêu, khách hàng và sản phẩm mới một cách có chọn lọc và cụ thể. “Việc phát triển cho vay tiêu dùng trong thời gian tới cần phải có sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại. Trong trường hợp đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những thay đổi, bổ sung và hoàn thiện để khuyến khích các ngân hàng thương mại có thể gia tăng cho vay tiêu dùng khi có thể bảo đảm về chất lượng tín dụng và cân đối với khả năng chịu đượng tổn thất”, ông Đức đề xuất.

Song song với phương thức cho vay truyền thống, ông Đặng Ngọc Đức cũng kiến nghị các công ty tài chính và các ngân hàng thương mại nên triển khai “thí điểm” các sản phẩm cho vay ứng dụng công nghệ Fintech cũng như tạo ra một “flatform” giống như các công ty cho vay ngang hàng. Đặc biệt, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý vừa có thể khuyến khích nhưng vẫn có thể quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động tín dụng tiêu dung.

Phân tích về thị trường tài chính tiêu dùng, Vụ trưởng Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Tú Anh cho rằng, kỳ vọng thu nhập tăng sẽ dẫn đến tín dụng tăng và ngược lại. Do đó, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh lên lĩnh vực tín dụng tiêu dùng và nhiều ngành khác. “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dự báo còn tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, chủ trương của Nhà nước là khai thác thị trường nội địa, lấy thị trường nội địa làm động lực tăng trưởng, dựa vào tiêu dùng trong nước, cầu nội địa. Do vậy, cần phải có một cơ chế kết hợp được Chính phủ, nhà sản xuất và người cung cấp tín dụng”, ông Nguyễn Tú Anh nêu rõ. Đồng thời, khuyến nghị cần duy trì, đưa nền kinh tế đi qua khủng hoảng, làm sao để các tổ chức tín dụng không rơi vào tình trạng nợ xấu quá cao, mất cân đối.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chungkhoan/item/44568102-co-h%E1%BB%8Di-th%C3%BAc-d%E1%BA%A3y-t%C3%A0i-ch%C3%ADnh-tieu-d%C3%B9ng.html