Cơ hội tối ưu hóa sản phẩm công nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang trở thành điểm đến sản xuất công nghiệp của thế giới, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong Nước lớn mạnh. Đây chính là lợi thế để các nhà đầu tư quan tâm và sử dụng các sản phẩm nội địa của Việt Nam trong các dự án lớn. Ông Ian Hatton - Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy, nhà đầu tư thực hiện Dự án điện gió Thăng Long (ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận) lớn nhất Việt Nam cho biết như vậy tại Hội thảo về việc bổ sung dự án Thăng Long Wind vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030.

Điện gió Thăng Long là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Việt Nam, do tổ hợp các nhà đầu tư năng lượng đứng đầu là Tập đoàn Enterprize Energy (Vương quốc Anh) thực hiện, vừa được Bộ Công Thương cấp phép khảo sát. Dự án này đã được khảo sát, nghiên cứu nhiều năm, với diện tích trên 2.000 km2, thuộc ngoài khơi tỉnh Bình Thuận (từ mũi Kê Gà trở ra). Dự án có công suất khoảng 3.400MW, trong trường hợp dự án được triển khai đầy đủ, sản lượng điện gió ngoài khơi có thể đạt được khoảng 25.000.000 MWh mỗi năm truyền dẫn điện vào miền Nam.

Dự án điện gió Thăng Long được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 20km tới 50km, tốc độ gió bình quân 9,5m/s. Các tuốc pin có thể có công suất khác nhau, những tuốc bin gió đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5MW. Trong suốt quá trình xây dựng của từng giai đoạn, công suất các tuốc bin sẽ tăng lên 10MW, 12MW và thậm chí lớn hơn. Trong tương lai, với dự án này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.

Theo chủ đầu tư, lợi thế của dự án là đảm bảo an ninh năng lượng, giảm tổn thất hệ thống lưới điện truyền tải. Cụ thể, với sản lượng điện mỗi giai đoạn vào khoảng 2.300 GWh và tổng công suất 3.400 MW dự án sẽ đảm bảo một phần năng lượng cho khu vực Đông Nam bộ. Mặt khác, dự án giảm được lượng khí thải 11,6 triệu tấn/năm; cân bằng môi trường sinh học biển trên khu vực; tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương, khu vực. Đặc biệt, dự án dự kiến sẽ tạo ra nguồn thu cho nền kinh tế địa phương từ nhu cầu việc làm, cung ứng thiết bị và các lợi ích khác ước tính khoảng 600 triệu USD/năm.

Việt Nam đang trong tình trạng thiếu điện, các dự án năng lượng chậm tiến độ, vì vậy Dự án điện gió Thăng Long được đánh giá là sẽ bổ sung một nguồn năng lượng lớn cho quốc gia. Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, Hiệp hội luôn ủng hộ Việt Nam có dự án về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió công suất lớn. Đây là nguồn năng lượng sạch, giảm lượng khí thải, không chiếm đất, không ảnh hưởng môi trường, hiệu quả mang lại tối ưu so với năng lượng mặt trời. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần khuyến khích các nhà đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi.

Cần khuyến khích phát triển các dự án điện gió

Cần khuyến khích phát triển các dự án điện gió

Dự án điện gió Thăng Long có tổng mức đầu tư cho các giai đoạn từ năm 2022 đến 2027 dự kiến khoảng 11,9 tỷ USD, trong đó 25 - 30% là vốn cổ phần, 70 - 75% là vốn tài trợ từ các tổ chức tài chính toàn cầu. Dự án bao gồm các trang trại gió ngoài khơi, các trạm biến áp điện ngoài khơi, hệ thống cáp điện ngoài khơi và cơ sở bảo trì, vận hành ven biển. Với vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, theo ông Trần Viết Ngãi, đây là một dự án có khả năng hiện thực cao, có công suất lớn đầu tiên được triển khai xây dựng ở Việt Nam. Trong quá trình triển khai dự án, ngoài việc sử dụng nguồn lao động địa phương, đội ngũ kỹ thuật chuyên môn, nhà đầu tư cần khuyến khích, tạo cơ hội để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có của Việt Nam; mở rộng cơ hội để cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng các sản phẩm, công nghệ vận hành của dự án.

Trước khuyến nghị này, đánh giá của nhà đầu tư dự án, các ngành công nghiệp hiện tại của Việt Nam có thể cung cấp từ 50 - 70% giá trị thuộc phần khảo sát, tư vấn thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo, thi công lắp đặt, tương đương từ 6 - 8,3 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư của dự án. Ông Ian Hatton - Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy cho biết thêm, sau khi có giấy phép khảo sát, phía nhà đầu tư đã tiến hành gặp gỡ một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam. “Các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều lợi thế để tham gia vào dự án và nhà đầu tư luôn khuyến khích, mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp có những sản phẩm, công nghệ chất lượng” - ông Ian Hatton cho hay.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, với những quy định phù hợp và ổn định từ Chính phủ, hợp đồng mua bán điện hợp lý, sử dụng những công nghệ tuốc bin được kiểm chứng từ nhà thầu để chế tạo và lắp đặt, các ngân hàng quốc tế sẽ đảm bảo đủ vốn cho việc xây dựng Dự án điện gió Thăng Long.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-hoi-toi-uu-hoa-san-pham-cong-nghiep-viet-nam-122517.html