Cơ hội trong thách thức thương mại

Việc Mỹ áp thuế 145% lên hàng Trung Quốc buộc nước này phải chuyển hướng xuất khẩu thủy sản, tạo áp lực cạnh tranh lớn tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thủy sản Việt Nam mở rộng thị phần, nếu kịp thời thích ứng, nâng cao chất lượng, kiểm soát xuất xứ và đa dạng hóa thị trường.

Dòng chảy thương mại thủy sản thay đổi

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Trung Quốc là "gã khổng lồ" trong ngành thủy sản thế giới, với tổng sản lượng năm 2024 đạt 74,1 triệu tấn (tăng 4%), trong đó nuôi trồng thủy sản chiếm 58,1 triệu tấn; xuất khẩu đạt 4,08 triệu tấn (tăng 12,4%) và giá trị 19,5 tỷ USD (tăng 0,5%). Năm 2024, xuất khẩu thủy sản Trung Quốc sang Mỹ chỉ còn 354.900 tấn, giảm gần 14% so với năm 2023.

 Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Cũng theo VASEP, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với các mức thuế trả đũa liên tục gia tăng đã làm thay đổi mạnh mẽ dòng chảy thương mại toàn cầu, đặc biệt trong ngành thủy sản. Là nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất thị phần tại Mỹ và buộc phải chuyển hướng sang các thị trường khác.

Với thị trường nội địa, Trung Quốc có thể tăng tiêu thụ trong nước thông qua giảm giá bán và mở rộng kênh phân phối. Các quốc gia thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường", như Đông Nam Á, Ấn Độ và một số nước châu Phi - nơi chiếm hơn 50% giá trị thương mại thủy sản Trung Quốc trong năm 2024 - cũng sẽ trở thành trọng điểm xuất khẩu mới.

Tiếp đến, những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, cũng là nơi Trung Quốc có thể tăng xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp như tôm, cua. Một số doanh nghiệp có thể vận chuyển thủy sản sang Việt Nam, Malaysia hoặc Thái Lan để chế biến, gắn nhãn lại nhằm né thuế Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ tìm đến các thị trường mới nổi như Nam Mỹ và Trung Đông để phân phối lượng hàng dư thừa.

Sự dịch chuyển này ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và giá nguyên liệu toàn cầu, khi Trung Quốc giảm nhập khẩu (xuống còn 4,4 triệu tấn năm 2024, so với 4,6 triệu tấn năm 2023). Các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn để giữ vững thị phần tại Mỹ và EU. Tại châu Á, áp lực cạnh tranh càng gia tăng khi Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN - những thị trường quan trọng của Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến cuộc chiến giá, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các nước xuất khẩu nhỏ hơn.

Thủy sản Việt chuyển hướng và đa dạng thị trường

Trước bối cảnh Trung Quốc suy giảm thị phần tại Mỹ, VASEP nhận định đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường này. Hiện kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 1,8 - 2 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch. Việt Nam có thể tận dụng nhu cầu ổn định từ thị trường Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang EU và Nhật Bản, hai thị trường Việt Nam chiếm lần lượt 15 - 17% và 14 - 15% kim ngạch, thì áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng đáng kể.

Phó Tổng Thư ký VASEP, bà Lê Hằng, nhấn mạnh rằng ngành thủy sản Việt Nam cần có hành động quyết liệt và chiến lược rõ ràng. Theo đó, các doanh nghiệp "tranh thủ" giai đoạn 90 ngày thuế quan 10% đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Nếu thuế có chiều hướng thuận lợi hơn, giai đoạn tới, có thể tập trung vào các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ và chế biến giá trị gia tăng để lấp khoảng trống Trung Quốc để lại. Song song đó là đàm phán để tránh thuế chống bán phá giá và cung cấp dữ liệu minh bạch về nguồn gốc, chi phí sản xuất.

Việc đa dạng hóa thị trường cũng là yêu cầu cấp thiết. Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và RCEP, nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ. Đơn cử, tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU được miễn thuế, trong khi hàng Trung Quốc bị áp mức thuế từ 12 - 20%. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, minh bạch truy xuất để bảo đảm hàng thủy sản xuất khẩu là 100% "Made in Vietnam". Việc hợp tác với Mỹ để giám sát chuỗi cung ứng cũng là giải pháp thiết thực nhằm tránh bị nghi ngờ về gian lận thương mại.

Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như FDA, ASC, MSC nhằm tạo sự khác biệt với sản phẩm Trung Quốc. Việc xây dựng thương hiệu thủy sản Việt gắn với các giá trị bền vững, sạch và minh bạch sẽ là lợi thế trong dài hạn.

Theo bà Lê Hằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang với mức thuế chưa từng có (Mỹ áp thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc đáp trả với mức thuế 84% đối với hàng Mỹ) đang mở ra cơ hội để Việt Nam củng cố vị thế tại thị trường Mỹ. Ngành thủy sản Việt Nam cần hành động nhanh, linh hoạt và minh bạch để tận dụng "cửa sổ vàng" này, đồng thời thận trọng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy cạnh tranh tiêu cực.

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-hoi-trong-thach-thuc-thuong-mai-post410061.html