Cơ hội tự do của kẻ chủ mưu vụ bắt cóc lớn nhất nước Mỹ

Sau khi bắt cóc 26 trẻ em ở bang California và nhốt nạn nhân dưới lòng đất vào năm 1976, 3 kẻ phạm tội lĩnh án chung thân không ân xá. Sau 46 năm, Woods đang có cơ hội ra tù.

Lynda Carrejo Labendeira không cần nhiều thời gian để nhớ lại ký ức kinh hoàng về vụ bắt cóc nhiều học sinh, trong đó có bà. Đó là hình ảnh một xe tải màu trắng, những bóng đèn công trình, một căn phòng nhỏ...

Ác mộng dai dẳng suốt đời

Khi đang là học sinh lớp 4 tại trường tiểu học Dairyland ở thành phố Chowchilla, cô cùng 25 đứa trẻ khác và người tài xế bị 3 người đàn ông có vũ trang bắt cóc trên xe buýt của trường để đòi khoản tiền chuộc 5 triệu USD vào ngày 15/7/1976.

 Chiếc xe buýt trường học chở 27 người bị bắt cóc được bảo quản tại Bảo tàng Bright ở Le Grand, California. Ảnh: CNN.

Chiếc xe buýt trường học chở 27 người bị bắt cóc được bảo quản tại Bảo tàng Bright ở Le Grand, California. Ảnh: CNN.

Nhóm bắt cóc đưa những đứa trẻ, từ 5 đến 14 tuổi, và tài xế xe buýt qua quãng đường khoảng 160 km đến một mỏ đá hẻo lánh gần Livermore, California. Ở nơi mỏ đá tối tăm, dưới ánh sáng lay lắt của những bóng đèn công trường, chúng buộc 27 nạn nhân bước vào một xe tải màu trắng nằm sâu gần 2 m dưới lòng đất.

Từng đứa trẻ lần lượt trèo xuống một cái thang và bước vào xe tải dưới lớp đất dày vài mét. Sau khi học sinh cuối cùng bước vào, nhóm bắt cóc cất thang.

Suốt 16 giờ, những đứa trẻ thấp thỏm chờ giải cứu và đối mặt với cái chết đang rình rập. Những học sinh nhỏ tuổi hơn khóc trong tuyệt vọng. Những trẻ lớn hơn cố gắng dỗ dành chúng.

Labendeira kể rằng mọi người ngửi thấy mùi hôi thối đến phát nôn và mùi rác rưởi bốc lên nồng nặc dưới cái nóng thiêu đốt ở bang California.

Người phụ nữ nhớ từng chi tiết của trải nghiệm kinh hoàng ấy. Suốt 46 năm sau, bà vẫn không thể ngủ một giấc trọn vẹn bình thường vào ban đêm.

 Các nạn nhân của bọn bắt cóc phải vệ sinh vào thùng có lỗ. Ảnh: CNN.

Các nạn nhân của bọn bắt cóc phải vệ sinh vào thùng có lỗ. Ảnh: CNN.

Cuộc đào thoát ngoạn mục

Cơn ác mộng kết thúc nhờ tài trí của người tài xế xe buýt Edward Ray và một số học sinh. Họ đã lên kế hoạch tẩu thoát đầy táo bạo khi những kẻ bắt cóc đang ở bên ngoài.

Các con tin xếp những tấm nệm trong xe tải để họ chạm tới tấm kim loại trên nóc xe. Tuy nhiên, một bình ắc quy khổng lồ và lớp đất đá đè lên tấm kim loại.

Ray và các cậu bé đã cố gắng cậy mui xe. Cuối cùng, họ đã có đủ khoảng trống để trốn thoát. Những đứa trẻ trèo lên vai nhau để ra khỏi xe trong lúc những kẻ bắt cóc đang ngủ. Nhóm bắt cóc lần lượt sa lưới vài ngày sau đó.

Suốt thời gian còn lại của thời thơ ấu, Labendeira cảm thấy an ủi phần nào khi nghĩ rằng 3 kẻ bắt cóc, bao gồm anh em Richard Schoenfeld, James Schoenfeld và Fred Woods, sẽ trải qua quãng đời còn lại trong tù.

 Các công nhân khai quật chiếc xe tải dưới đất với phần mui xe bị đất đá đè bẹp. Ảnh: CNN.

Các công nhân khai quật chiếc xe tải dưới đất với phần mui xe bị đất đá đè bẹp. Ảnh: CNN.

Mỗi bị cáo lãnh 27 bản án với thời hạn từ 7 năm đến chung thân không ân xá. Nhưng đến năm 1980, một tòa phúc thẩm đã lật lại các bản án ban đầu, cho rằng những kẻ bắt cóc không gây ra thương tích nghiêm trọng về thể chất nên sẽ có cơ hội hưởng ân xá.

Richard Schoenfeld được ân xá vào năm 2012. Người em trai James Schoenfeld của ông ta ra tù vào năm 2015.

Vào ngày 25/3, hai ủy viên ân xá đã đề nghị ân xá cho Woods. Quyết định trên vẫn phải được xem xét bởi cố vấn trưởng của Hội đồng Điều trần Ân xá, người có thể đưa vụ việc ra toàn hội đồng để xem xét và bỏ phiếu. Một thành viên của hội đồng điều trần cũng có thể đưa vụ việc ra toàn hội đồng đề giải quyết.

Nếu cả hai trường hợp đều không xảy ra trong vòng 4 tháng, phán quyết cuối cùng sẽ được ấn định và thống đốc bang có 30 ngày để xem xét phán quyết đó.

Trong các vụ giết người, thống đốc có thể đảo ngược hoặc sửa một lệnh ân xá. Nhưng trong những trường hợp như vụ bắt cóc ở thành phố Chowchilla, thống đốc chỉ có thể đưa lệnh ân xá trở lại hội đồng để xem xét.

 James Schoenfeld, Fred Woods và Richard Schoenfeld (từ trái qua phải), nhận 27 bản án từ 7 năm tới chung thân không ân xá trước khi phán quyết đó bị đảo ngược. Ảnh: CNN.

James Schoenfeld, Fred Woods và Richard Schoenfeld (từ trái qua phải), nhận 27 bản án từ 7 năm tới chung thân không ân xá trước khi phán quyết đó bị đảo ngược. Ảnh: CNN.

Nạn nhân không muốn nhóm bắt cóc ra tù

Frederick Newhall Woods đã sống trong tù năm 24 tuổi. Hiện ở tuổi 70, ông ta đã bỏ lỡ phần lớn cơ hội cuộc đời và mất cả cha lẫn mẹ trong thời gian ngồi tù.

Vài lý do khiến Woods ra tù sau hai đồng phạm. Woods được coi là kẻ chủ mưu bắt cóc. Ông ta cũng thực hiện một số hành vi phi bạo lực trong quá trình chấp hành án, chẳng hạn như sở hữu điện thoại di động trái phép.

Dominique Banos, luật sư bào chữa cho Woods, cho rằng, suốt hàng chục năm qua, Woods đã suy ngẫm về tội ác của bản thân và tham gia các lớp học, bao gồm khóa học về sự đồng cảm và cú sốc của các nạn nhân. “Woods không còn là một mối đe dọa đối với xã hội và các nạn nhân vụ bắt cóc không cần phải lo sợ về sự an toàn của họ”, vị luật sư nói.

 Lynda Carrejo Labendeira phải chịu đựng nỗi ám ảnh về vụ bắt cóc năm 1976 trong suốt cuộc đời. Ảnh: CNN.

Lynda Carrejo Labendeira phải chịu đựng nỗi ám ảnh về vụ bắt cóc năm 1976 trong suốt cuộc đời. Ảnh: CNN.

Labendeira không đồng ý với lập luận của vị luật sư. Bà đang chịu "bản án chung thân" của những ký ức đau thương từ năm 10 tuổi và tin rằng những kẻ bắt cóc sẽ phải chấp hành bản án chung thân mà tòa từng đưa ra phán quyết.

“Nếu con bạn bị bắt cóc và chôn sống thì thời gian đền tội của bọn bắt cóc bao lâu là đủ? Có thời gian nào dài bằng khoảng thời gian mà 26 đứa trẻ trên một xe buýt trường học bị bắt cóc và chôn sống không?”, bà đặt câu hỏi.

Hoàng Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-hoi-tu-do-cua-ke-chu-muu-vu-bat-coc-lon-nhat-nuoc-my-post1306921.html