Cơ hội từ... TẾT

Từ hồi hay đi đến các trường đại học nói chuyện, nhiều bạn sinh viên kết bạn trên facebook và gọi tôi là Thầy. Lúc đầu nghe thấy ngượng vì mình có dạy các bạn ấy được điều gì to tát đâu, nhưng sau cũng... kệ. Những dịp Lễ Tết các bạn ấy hay nhắn tin chúc mừng, thậm chí có bạn viết những lá thư dài tâm sự.

Năm nay, tôi nhận được nhiều tin nhắn hỏi: Theo Thầy tình hình dịch bệnh phức tạp như thế này thì em/con nên về quê hay ở lại Hà Nội? Nếu ở lại Hà Nội thì không biết bố mẹ em/con ở quê có buồn không? Nếu ở lại thì em/con biết làm gì đây?... Tôi thường không trả lời những tin nhắn kiểu như thế này vì tôi biết là các bạn ấy chỉ hỏi vậy cho vui thôi, chứ trong đầu các bạn ấy đã có sẵn quyết định của mình rồi. Còn đây là một lá thư tâm sự khiến tôi suy nghĩ và muốn chia sẻ với mọi người.

Bạn tâm sự rằng lúc mới vào đại học thì háo hức về quê mỗi dịp Tết đến vì lúc đó cả nhà tự hào có thằng con học ở Hà Nội về ăn Tết. Nhưng sau đó bạn ấy thấy sự tự hào kia rất hình thức và không bền vì nếu bản thân bạn ấy không làm được một cái gì đó đột phá thì học xong 4-5 năm đại học lại vẫn phải ăn bám bố mẹ, cơ hội có việc làm tốt trụ lại Hà Nội là gần như không tưởng. Sang năm thứ hai bạn ấy đã ở lại Hà Nội để làm thêm cho một của hàng ăn nhanh trong dịp Tết. Mục đích là để cải thiện khả năng giao tiếp với người lạ. Công việc cuốn bạn ấy đi, bạn ấy hòa chung vào niềm vui của khách hàng trong những ngày Tết nên nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ và người thân cũng không tệ như những gì bạn ấy nghĩ. Quan trọng hơn là sau 10 ngày phục vụ Tết bạn ấy đã thấy được tầm quan trọng của giao tiếp, thấy điểm yếu của mình và lên kế hoạch hoàn thiện bản thân. Điều tuyệt vời hơn là trong những ngày này bạn ấy đã tìm thấy niềm đam mê với nghề báo.

Tết năm thứ ba đại học (năm ngoái), COVID-19 ập đến ngay sau đó, cũng là lúc bạn ấy đi kiến tập tại một tòa soạn báo, tòa soạn cần một cộng tác viên “chạy lăng xăng” để các anh chị phóng viên sai vặt trong đêm 30 và ngày Mồng một. Hầu hết sinh viên thực tập tại tòa soạn từ chối công việc này để về quê ăn Tết với gia đình thì bạn ấy tình nguyện xin được làm. Rồi bạn ấy được các anh chị trong tòa soạn sai đi làm một số tin ngắn, đơn giản. Lúc đầu còn hơi bỡ ngỡ nhưng các anh chị trong tòa soạn cần tin và cũng quý thái độ làm việc nhiệt tình, chăm chỉ của bạn ấy nên tận tình chỉnh sửa tin bài giúp, rồi tạo điều kiện để bạn ấy tiếp tục cộng tác luôn cả những ngày sau đó. Khi các bạn thực tập sinh khác quay lại tòa soạn (sau Rằm thắng Giêng) thì bạn ấy đã có khoảng 30 tin, bài trên báo (mạng) và bắt đầu quen với nhịp sản xuất tin bài của tờ báo. Năm nay là Tết năm thứ tư (năm cuối đại học), COVID-19 trở lại, bạn ấy đã trở thành cộng tác viên cứng của tòa soạn và nằm trong danh sách sẽ được ký hợp đồng lao động ngay khi tốt nghiệp.

Cuối thư, bạn ấy cho biết là Tết này vẫn ở Hà Nội, ngày 30 Tết vẫn trống lịch, nếu tôi đi đâu cần viết bài và chụp ảnh thì bạn ấy xin được đi cùng phục vụ. Chưa biết khả năng chụp ảnh và viết bài của bạn ấy xuất sắc thế nào, nhưng chỉ với thái độ làm việc thế này cũng đủ để tôi sẵn sàng mời về công ty làm việc hoặc giới thiệu cho bạn ấy những chỗ làm tốt, bởi chúng tôi nhận thấy rằng kỹ năng chụp ảnh viết bài có thể đào tạo được nhưng thái độ thì rất khó thay đổi.

Tôi cũng có con trạc tuổi của bạn ấy. Nếu tôi là bố mẹ của bạn ấy, tôi cũng sẽ rất vui và tự hào vì con mình biết tận dụng cơ hội, biết tự lo được cuộc sống và công việc, đấy mới là Tết vui nhất của bố mẹ.

Xin gửi lời chúc mừng năm mới Tân sửu đến bạn đọc.

Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/co-hoi-tu-tet-post1311540.tpo