Cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hoạt động thư viện
Việc ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi phương thức hoạt động trong thư viện.
Sáng 9/11, tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Hội thảo "Phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0", với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực thông tin và thư viện…
Có thể nhận thấy, thời gian gần đây, trong đời sống và trên phương tiện thông tin đại chúng, cuộc cách mạng 4.0 đã trở thành một thuật ngữ, một vấn đề thường xuyên được nhắc đến. Nhiều diễn đàn sôi nổi ở mọi cấp, mọi lĩnh vực đã tổ chức tạo ra sự trao đổi và thông qua đó xác định những cơ hội, thách thức, nhận dạng những yêu cầu mà cách mạng 4.0 đặt ra với hoạt động của lĩnh vực, ngành nghề của mình cũng như đối với địa phương và toàn xã hội.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các thư viện Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Việc ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi phương thức hoạt động trong thư viện. Các thư viện Việt Nam đã và đang chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số hiện đại. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và các thư viện. Thư viện điện tử đã tạo ra cơ hội tiếp cận vốn tài liệu và nguồn lực thông tin, không bị giới hạn về không gian và thời gian.
Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ 4. Ngày 28/11/2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL về việc định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của Ngành VHTTDL giai đoạn 2017-2020. Trong đó, xác định việc xây dựng Bộ sưu tập số là một sản phẩm chủ lực của ngành VHTTDL, với nền tảng cách mạng số, lưu trữ kết nối và khai thác dữ liệu lớn.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, trong thời điểm hiện nay, Bộ VHTTDL đang triển khai việc xây dựng Dự thảo Luật Thư viện, vấn đề quy định về thư viện điện tử, thư viện số cũng là một nội dung được quan tâm. Trước yêu cầu của thực tế và yêu cầu đặt ra trong quản lý nhà nước trong giai đoạn mới, giai đoạn mà khoa học kĩ thuật phát triển không ngừng, giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến mọi bình diện của đời sống xã hội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo "Phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0".
Mục đích của cuộc Hội thảo là tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia những người làm công tác thư viện đánh giá được thực trạng, những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong xây dựng thư viện điện tử ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhận dạng được các cơ hội thách thức và yêu cầu đặt ra đối với hoạt động thư viện nói chung và vấn đề xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nói riêng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và đồng thời thông qua diễn đàn này cùng nhau chia sẻ những giải pháp, biện pháp để thúc đẩy việc xây dựng các thư viện điện tử, thư viện số ở Việt Nam nhằm tăng cường các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề: Nhận dạng các tác động, cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hoạt động thư viện nói chung và thư viện điện tử nói riêng; đánh giá thực trạng thư viện điện tử ở Việt Nam; vấn đề bản quyền trong thư viện điện tử; sự phối hợp, tương tác giữa thư viện, các nhà xuất bản, nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho các thư viện nhằm hình thành thư viện điện tử với các tiện ích thân thiện, thuận lợi cho người sử dụng; kinh nghiệm và mô hình thư viện điện tử tiên tiến; đồng thời đề xuất các nội dung cần quy định về thư viện điện tử trong Luật Thư viện và các văn bản quản lý nhà nước…
Thông qua diễn đàn này, Ban tổ chức sẽ thu nhận những dữ liệu, cứ liệu thông tin để góp phần xây dựng định hướng chính sách cho vấn đề quản lý và phát triển thư viện điện tử, thư viện số ở Việt Nam, đồng thời cũng là căn cứ để góp phần hoàn thiện Dự thảo luật Thư viện mà chúng ta sắp trình lên Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới.