Cơ hội và thách thức đối với Xu-đăng

Việc Mỹ chính thức xóa Xu-đăng khỏi danh sách 'các quốc gia tài trợ khủng bố' đang mở ra cánh cửa để quốc gia Đông Phi hội nhập đầy đủ hơn vào cộng đồng quốc tế, cũng như tăng cường hợp tác với các nước để phục hồi nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Xu-đăng kỳ vọng bước vào thời kỳ mới xán lạn hơn, song cũng còn đối mặt nhiều khó khăn trước mắt.

Việc Mỹ chính thức xóa Xu-đăng khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ khủng bố” đang mở ra cánh cửa để quốc gia Đông Phi hội nhập đầy đủ hơn vào cộng đồng quốc tế, cũng như tăng cường hợp tác với các nước để phục hồi nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Xu-đăng kỳ vọng bước vào thời kỳ mới xán lạn hơn, song cũng còn đối mặt nhiều khó khăn trước mắt.

Sau thời gian dài lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị dẫn tới các cuộc biểu tình và chính biến lật đổ cựu Tổng thống A.Ba-sia, nền kinh tế Xu-đăng càng rơi vào khó khăn chồng chất. Nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế để ngăn nguy cơ rơi vào suy thoái trầm trọng hơn do đồng nội tệ mất giá và lạm phát tăng cao. Lũ lụt gây ảnh hưởng đến 860 nghìn người khiến Xu-đăng càng phải đối mặt nhiều thách thức. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, giá lương thực và chi phí dịch vụ y tế ở Xu-đăng đã tăng đột biến trong năm qua, cho thấy bức tranh ảm đạm về các điều kiện cơ bản tại quốc gia này. Theo OCHA, tình hình kinh tế tồi tệ tại Xu-đăng cộng với tình trạng kém phát triển và đói nghèo triền miên, các thảm họa thời tiết, dịch bệnh, bạo lực và xung đột đang khiến nhu cầu nhân đạo tăng lên tại quốc gia châu Phi.

Các số liệu của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho thấy, giá trung bình của các loại lương thực cơ bản ở Xu-đăng đã tăng gần 200%, trong khi chi phí dịch vụ y tế tăng 90% so với năm 2019. OCHA nhận định, lạm phát đã đẩy chi phí thực phẩm cơ bản như cao lương lên hơn 240% so với năm trước và hơn 680% so với mức trung bình của 5 năm qua. Theo Cục Thống kê trung ương của Xu-đăng, lạm phát tại nước này đã lên tới 170% trong tháng 8 vừa qua. Đồng bảng Xu-đăng mất giá mạnh, làm suy yếu sức mua và khả năng tự trang trải cuộc sống của các gia đình. Hơn 9,6 triệu người dân phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong giai đoạn kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Tình trạng thiếu nhiên liệu cũng ảnh hưởng đến việc vận chuyển và phân phối hàng viện trợ, có nguy cơ khiến số người nhận được trợ giúp giảm đi. Nhằm giúp Xu-đăng vượt qua khủng hoảng, Liên hiệp châu Âu (EU), một số quốc gia thành viên và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký thỏa thuận hỗ trợ tài chính trực tiếp trị giá gần 190 triệu USD cho các gia đình nghèo ở Xu-đăng.

Một trong những yếu tố tác động tiêu cực tới nền kinh tế Xu-đăng trong những năm qua là nước này chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bởi thế, sau khi Mỹ đưa Xu-đăng khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố, Bộ Ngoại giao Xu-đăng đã hoan nghênh quyết định của Oa-sinh-tơn, giúp Khắc-tum tái hòa nhập với hệ thống tài chính và ngân hàng toàn cầu. Xu-đăng có đủ điều kiện để được miễn trừ khoản nợ hơn 60 tỷ USD và mở ra con đường để đón nhận các khoản đầu tư. Xu-đăng kỳ vọng sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, nước này có điều kiện để tái thiết các tổ chức nhà nước như Hãng hàng không quốc gia Sudan Airways, các công ty vận tải đường sông, đường sắt và có được các khoản đầu tư vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và khoáng sản.

Tuy nhiên, Chính phủ Xu-đăng còn phải đối mặt không ít thách thức bởi quốc gia này đang trải qua quá trình chuyển tiếp dân chủ không dễ dàng. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và thiết lập hòa bình R. Đi Các-lô cảnh báo, quá trình chuyển tiếp dân chủ của Xu-đăng có thể bị chậm lại dù đã có nhiều tiến triển trong vài tháng qua. Nước này đang ở giai đoạn hết sức quan trọng có thể tạo ra bước tiến quyết định, nhưng cũng đứng trước những thách thức khi các lực lượng chính trị tại đây ngày càng chia rẽ với nhiều bất đồng đang nổi lên, cộng thêm điều kiện kinh tế khó khăn. Những biện pháp hạn chế chống đại dịch Covid-19 khiến thu ngân sách nhà nước của Xu-đăng giảm 42%. Việc chi tiêu nhiều cho các chương trình y tế khẩn cấp khiến thâm hụt ngân sách của nước này lên tới 250 triệu USD mỗi tháng. Trong khi đó, nợ đọng nhiều khiến chính phủ không thể được giãn nợ. Xu-đăng hiện đang cần được cứu trợ nhân đạo hơn bao giờ hết do những khó khăn trong đại dịch, tình trạng biểu tình liên tục xảy ra gây thiệt hại về người và của cũng như việc phải tiếp nhận khoảng 48 nghìn người tị nạn chạy từ nước láng giềng Ê-ti-ô-pi-a thời gian gần đây.

THANH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-xu-dang-630407/