Cơ hội và tiềm năng hợp tác địa phương với Quảng Tây, Trung Quốc

Nằm trong gần 60 cơ chế hợp tác, giao lưu, từ Trung ương đến địa phương, hợp tác địa phương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đang ngày càng khẳng định tính hiệu quả và mở ra nhiều tiềm năng.

Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Sở Giao thông của 10 tỉnh, thành phố do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Quảng Tây. (Ảnh: Đ.N.D)

Đến nay, các địa phương hai nước đã ký nhiều biên bản thỏa thuận hợp tác về kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo, đầu tư du lịch… hiện có khoảng 30 cặp tỉnh, thành phố quan hệ hợp tác hữu nghị. Trong đó, các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên hợp tác với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc đã tổ chức nhiều sự kiện, bàn thảo thúc đẩy hợp tác hữu nghị.

Những bước phát triển quan trọng

Là một trong năm khu tự trị dân tộc thiểu số lớn ở Trung Quốc, Quảng Tây thuộc vùng biên giới phía Nam Trung Quốc, có đường biên giới chung dài khoảng 800km với Việt Nam. Thủ phủ của Quảng Tây là thành phố Nam Ninh. Với diện tích 236.000 km2, Quảng Tây có trữ lượng lớn về khoáng sản, đặc biệt là kim loại màu, được coi là một trong 10 khu sản xuất kim loại lớn nhất Trung Quốc, các trữ lượng phi kim loại khác như cao lanh, đất mềm đứng đầu thế giới.

Quảng Tây cũng có bờ biển dài 1500km, có nhiều hải cảng lớn như: Phòng Thành, Khâm Châu, Bắc Hải, Thiết Sơn, Trân Châu, có 32 cảng cá trong đó có 13 cảng trọng điểm của Trung Quốc. Với lợi thế sông ngòi dài 34.000km tiềm năng thủy điện rất lớn. Nơi đây cũng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Quế Lâm, Bắc Hải và nhiều kiến trúc đậm nét văn hóa dân tộc. Nổi tiếng nhất có khu phong cảnh Ly Giang, tập trung nhiều hang động đá vôi tuyệt đẹp, là một trong bốn danh thắng du lịch lớn nhất Trung Quốc.

Hiện nay hệ thống giao thông của Quảng Tây hướng biển, hình thành việc lấy cảng biển làm đầu tàu phát triển, đường sắt Nam Ninh – Côn Minh làm nòng cốt, đường bộ, đường sông, hàng không và nhiều công trình giao thông kết hợp nhau một cách đồng bộ. Kết hợp với các tuyến cao tốc ngang dọc Nam Ninh – Quảng Châu, Nam Ninh – Hữu Nghị Quan, Quế Lâm – Ngô Châu... Cảng đường sông có các cảng Nam Ninh, Quý Cảng, Ngô Châu. Đường hàng không có 5 cửa khẩu là Nam Ninh, Quế Lâm, Bắc Hải, Liễu Châu, Ngô Châu với hơn 100 tuyến bay nối các thành phố trong và ngoài nước.

Chính quyền Quảng Tây xác định mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2020 hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững cao hơn mức trung bình toàn quốc. Đến năm 2020 GDP ước đạt 2.413 tỷ NDT (374 tỷ USD) tăng gấp đôi so với năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người 48.000 NDT (7.445 USD) Xây dựng hệ thống dịch vụ công, đẩy mạnh cải cách hành chính; Hoàn thành hệ thống đường sắt chiều dài 6.000 km, trong đó đường sắt cao tốc 2.000km; Đột phá quan trọng về chuyển đổi cơ cấu kinh tế và nâng cấp mô hình tăng trưởng đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 562 tỷ NDT; Đẩy mạnh phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sống, nâng cao sức khỏe và phúc lợi xã hội.

Có thể nói, từng là một trong những địa phương nghèo của Trung Quốc, nhưng với những quyết sách đúng đắn, những năm gần đây Quảng Tây đã có những bước phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội.

Mong đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Việt Nam

Gần 20 năm ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây, đạt 30,7 tỷ USD, chiếm 50% kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Tây. Trong đó Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây, kim ngạch thương mại hai chiều 26,73 tỷ USD. Đến nay có trên 170 doanh nghiệp Quảng Tây đầu tư tại Việt Nam vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, vận tải, chế tạo, khai thác, dịch vụ, xây dựng…

Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Sở Giao thông của 10 tỉnh, thành phố do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Quảng Tây. (Ảnh: Đ.N.D)

Quảng Tây là địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân với Việt Nam, Quảng Tây cũng là địa phương của Trung Quốc có số lượng lưu học sinh, sinh viên Việt Nam lớn nhất, khoảng 3.000 lưu học sinh chiếm gần 1/3 tổng số học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc.

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thành lập khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, đã đem lại cho Quảng Tây những cơ hội tốt để phát triển hơn nữa.

Quảng Tây hiện đang đẩy mạnh tăng cường hợp tác kinh tế, giao lưu toàn diện với các nước Đông Nam Á, đặc biệt với các địa phương của Việt Nam đang có quan hệ tốt như Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh… Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng đã đều đặn tham dự các sự kiện, các kỳ hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, triển khai cơ chế hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc. Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Sở Giao thông của 10 tỉnh, thành phố do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Quảng Tây. Trong các buổi tọa đàm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây và các thành phố đoàn đến, đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển với các tỉnh Miền Trung, Tây Bắc của Việt Nam.

Thiết nghĩ, với nền tảng là các yếu tố trên, để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước ASEAN đi vào Quảng Tây và bên trong Trung Quốc, cùng với sự thân thiện cởi mở, chủ động của chính quyền Quảng Tây, trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội, điều kiện cho lãnh đạo, các doanh nghiệp của hai bên tìm kiếm hợp tác, đầu tư, xúc tiến thương mại góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi bên.

Đỗ Ngọc Dũng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-hoi-va-tiem-nang-hop-dia-phuong-voi-quang-tay-trung-quoc-108012.html