Cơ hội vàng cho vùng đất giàu truyền thống và khát vọng

Hợp nhất hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình không chỉ là một sự kiện hành chính, mà còn là dấu mốc quan trọng mở ra một chương mới cho phát triển của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và khát vọng vươn lên mãnh liệt. Đây là 'cơ hội vàng' để kiến tạo sức mạnh tổng hợp, tạo bứt phá mạnh mẽ trên nhiều phương diện, từ hạ tầng - kinh tế, văn hóa - xã hội đến quốc phòng - an ninh.

Khu đô thị Bắc sông Hiếu-Ảnh: A.T

Khu đô thị Bắc sông Hiếu-Ảnh: A.T

Nâng tầm vùng đất khát vọng

Quảng Trị và Quảng Bình từng là một phần của tỉnh Bình Trị Thiên sau ngày đất nước thống nhất năm 1975. Lại cũng là hai bờ Nam-Bắc của vĩ tuyến 17 trong suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ đầy gian khổ. Lịch sử đã gắn kết hai tỉnh không chỉ bằng địa lý, mà bằng máu xương, bằng tình người và bằng những chia sẻ sâu sắc về văn hóa, lối sống, tâm hồn và ngôn ngữ. Chính vì vậy, việc hợp nhất hôm nay không phải là điều gì xa lạ, mà như một cuộc trở về, một sự tái hợp có căn nguyên từ lịch sử và có nền tảng từ hiện thực phát triển.

Hai địa phương có đặc điểm tự nhiên tương đồng, cùng nằm trên trục hành lang kinh tế Đông-Tây, tiếp giáp với nước bạn Lào, có đường bờ biển dài, tài nguyên rừng và biển phong phú, khí hậu đặc trưng miền Trung khắc nghiệt nhưng cũng tạo nên tinh thần vượt khó rất riêng của con người nơi đây. Về hạ tầng, cả hai đều đang phát triển đồng bộ hệ thống giao thông với Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, cao tốc đường bộ Bắc-Nam, đường sắt và các cảng biển quan trọng như Mỹ Thủy, Cửa Việt, Hòn La... cùng sân bay Đồng Hới tạo nên lợi thế “giao thương bốn hướng” hiếm có.

Sự kết nối tự nhiên này là tiền đề để hình thành các vùng liên kết kinh tế-xã hội, các chuỗi giá trị sản xuất và logistics liên tỉnh. Sau hợp nhất, địa phương mới sẽ có quy mô dân số trên 1,87 triệu người, diện tích khoảng 12.700km2-đủ lớn để xây dựng một tầm nhìn phát triển chiến lược vùng Bắc Trung Bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập. Khi đó, không gian phát triển sẽ không còn bị chia cắt bởi ranh giới hành chính mà được quy hoạch tổng thể, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và nguồn lực.

Một trong những lợi ích rõ rệt từ hợp nhất là khả năng quy hoạch lại không gian phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, cạnh tranh thu hút đầu tư nội vùng. Thay vì “mạnh ai nấy làm”, địa phương mới có thể xây dựng một chiến lược đầu tư tập trung, theo cụm, theo chuỗi, gắn kết thế mạnh từng khu vực: Công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp-du lịch. Ví dụ, Khu kinh tế Hòn La ở Quảng Bình có thể phối hợp với Cụm cảng nước sâu Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để hình thành một hành lang phát triển công nghiệp logistics liên hoàn ven biển.

Các khu du lịch đẳng cấp như Phong Nha-Kẻ Bàng, biển Nhật Lệ kết nối với Cửa Tùng-Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ tạo thành một bản đồ du lịch hấp dẫn, đa dạng từ thiên nhiên kỳ thú đến lịch sử, văn hóa, tâm linh. Các vùng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao có thể được quy hoạch theo vùng sinh thái thay vì ranh giới hành chính, từ đó thúc đẩy năng suất và giá trị sản phẩm.

Đồng thời, việc sáp nhập hành chính sẽ có bộ máy mới gọn hơn, chuyên sâu hơn sẽ tạo điều kiện để tập trung đầu tư cho các dịch vụ công chất lượng cao như y tế, giáo dục, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực... Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để số hóa hệ thống quản trị, chuyển đổi mô hình sang chính quyền điện tử, phục vụ người dân-doanh nghiệp tốt hơn, minh bạch hơn.

Cảng Hòn La.- Ảnh: P.V

Cảng Hòn La.- Ảnh: P.V

Một vùng đất đáng sống - đáng đầu tư

Hình ảnh một Quảng Trị mới không chỉ là vùng đất “gió Lào, cát trắng” như xưa mà sẽ là “vùng đất đáng sống-đáng đầu tư” với kết cấu hạ tầng hiện đại, xã hội phát triển hài hòa, an ninh chính trị ổn định và con người nhân hậu, nghĩa tình. Đây sẽ là nơi mà nhà đầu tư yên tâm rót vốn dài hạn, người lao động yên tâm lập nghiệp.

Tỉnh Quảng Trị mới là dịp để khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đại đoàn kết, truyền thống cách mạng và khát vọng vươn lên của người dân hai tỉnh. Cả Quảng Trị và Quảng Bình đều có những thế hệ thanh niên, trí thức, doanh nhân năng động, có trình độ và đầy hoài bão. Sự hợp nhất sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, rộng lớn hơn để lớp trẻ phát huy khả năng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, vùng đất mới sẽ có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng sống của người dân, từ việc tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng, tiếp cận hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa đến môi trường sinh thái an toàn, bền vững. Những chương trình an sinh xã hội cũng có thể được thiết kế tổng thể và hiệu quả hơn khi các nguồn lực được tập trung và sử dụng đúng trọng tâm.

Về không gian phát triển, tỉnh Quảng Trị mới sẽ có lợi thế mạnh mẽ từ việc kết nối vùng hiệu quả hơn. Tỉnh mới có thể khai thác sâu sắc hơn tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, phát triển mạnh các đô thị dọc Quốc lộ 1, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường ven biển và tuyến đường Hồ Chí Minh. Việc quy hoạch phát triển sẽ mang tính liên kết tổng thể, thay vì bị chia cắt hành chính như trước đây.

Về nguồn nhân lực, hai tỉnh hiện có đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, năng lực, cùng với lực lượng lao động trẻ dồi dào, có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Về địa chính trị, vùng đất hợp nhất có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển quốc gia. Là điểm trung chuyển giữa Bắc-Nam, Đông-Tây, có cửa khẩu quốc tế La Lay, Lao Bảo, có cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và cảng Hòn La, có các khu kinh tế và khu công nghiệp lớn, tỉnh mới sẽ trở thành “nút giao chiến lược” trong kết nối nội vùng và quốc tế, nhất là trong hợp tác với Lào, Thái Lan, Myanmar qua hành lang kinh tế EWEC.

Trong bối cảnh đất nước đang triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Trị mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển vùng có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh mới có thể dễ dàng hoạch định và thực hiện các quy hoạch tổng thể về giao thông, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị, môi trường... một cách đồng bộ, tiết kiệm nguồn lực và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế biển, cả hai tỉnh đều có bờ biển dài, nhiều tiềm năng phát triển nghề cá, du lịch biển, điện gió ngoài khơi và logistics. Khi hợp nhất, vùng biển sẽ được khai thác một cách bài bản, kết nối các cảng biển và khu hậu cần nghề cá, qua đó hình thành chuỗi giá trị biển vững chắc.

Một vùng đất giàu truyền thống, đang đứng trước cơ hội vàng. Khát vọng phát triển, nếu được dẫn dắt bằng những quyết sách đúng đắn sẽ không còn là khát vọng nữa, mà sẽ trở thành hiện thực, đưa tỉnh Quảng Trị mới, trong một hình hài mới, trở thành vùng đất tiên phong trên bản đồ phát triển miền Trung và cả nước.

Chí Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/co-hoi-vang-cho-vung-dat-giau-truyen-thong-va-khat-vong-194732.htm