Cơ hội 'vàng' để phát triển các Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam
Việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam sẽ không xa, khi mà nhu cầu phát triển các Trung tâm tài chính mới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đặc thù, phục vụ các thị trường ngách đang phát triển.
Kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam
Tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, diễn ra sáng 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ niềm tin vào việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là việc tất yếu, "khó mấy cũng phải làm".
Theo đó, các trung tâm tài chính tại Việt Nam sẽ hướng đến xây dựng tại các thành phố lớn bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây là các địa điểm "vàng", hội tụ nhiều yếu tố nền tảng để phát triển một Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, được đánh giá là một trong những Trung tâm tài chính mới nổi, trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Quyết tâm này không chỉ phản ánh khát vọng của Việt Nam, mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây cũng là thời điểm "vàng" cho việc xây dựng và hình thành các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, hệ thống tài chính toàn cầu đang dần định hình lại; thế giới đang có nhu cầu phát triển các Trung tâm tài chính mới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đặc thù, phục vụ các thị trường ngách, khác biệt với những Trung tâm tài chính truyền thống. Thông qua đó, tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển, đồng thời cũng bổ trợ và tạo ra lợi ích cộng hưởng, đóng góp cho sự phát triển chung của thị trường tài chính toàn cầu.
Do vậy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng với việc phát triển và hình thành các Trung tâm tài chính mới, thu hút cộng đồng đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng chia sẻ, để thực hiện được, cần thiết lập hành lang pháp lý mở, ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế để trở thành “sân chơi” cho các nhà đầu tư tài chính hàng đầu.
Hiệu quả của việc hình thành các Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam
Việc xây dựng thành công Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt được 5 cơ hội: Kết nối với thị trường tài chính toàn cầu; Thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; Cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định vị thế là một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững; từ đó bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa.
Các giải pháp cụ thể để phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam
Trong năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương, để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Trong đó, tập trung hoàn thiện các nhóm chính sách tại Đề án đã được Bộ Chính trị phê duyệt, đảm bảo phù hợp với điều kiện sẵn có, thông lệ của các Trung tâm tài chính trên thế giới và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chủ động đề xuất các chính sách cần thiết để đảm bảo sức cạnh tranh của các Trung tâm tài chính tại Việt Nam và chủ động đồng hành cùng các địa phương trong quá trình phát triển và vận hành Trung tâm tài chính.
Đối với hai thành phố được chọn để xây dựng các Trung tâm tài chính, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống... Tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại Trung tâm tài chính của các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đối tác quốc tế hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương trong việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính. Đề xuất, kiến nghị các chính sách, định hướng cụ thể đối với các nhóm chính sách tại Đề án, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam đảm bảo tính đột phá của Trung tâm tài chính tại Việt Nam và huy động nguồn lực đầu tư và phát triển các Trung tâm tài chính tại Việt Nam.