Cơ hội việc làm cho học viên sau tốt nghiệp
ĐBP - Nhiều năm qua, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tiếp phải đối mặt với điệp khúc 'không đạt kế hoạch tuyển sinh'. Trước thực trạng đó, nhiều trường đã đổi mới giáo dục, nhất là việc chú trọng liên kết đào tạo với các đơn vị, trường học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao; đồng thời tạo cơ hội việc làm cho học viên sau khi hoàn thành khóa học.
Một lớp văn hóa kết hợp nghề của học viên tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên.
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên là 1 trong 4 trường cao đẳng chuyên nghiệp của tỉnh. Những năm gần đây Trường gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh do số đăng ký xét tuyển không đạt kế hoạch giao. Thậm chí, có ngành, nghề đào tạo không tuyển được học sinh, sinh viên. Đứng trước thách thức đó, với mục tiêu đào tạo phải “đi tắt đón đầu”, Trường đã và đang chuyển trọng tâm từ đào tạo dài hạn sang cả trung hạn, ngắn hạn thông qua hình thức liên kết trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của người dân cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Lưu Quang Vũ, Trưởng phòng Đào tạo - Hướng nghiệp và Tư vấn việc làm, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên cho biết: Để khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên, Trường đã liên kết mở thêm một số ngành nghề mới như: Ngành bán hàng trong siêu thị trình độ cao đẳng, trung cấp; chăn nuôi - thú y trình độ cao đẳng; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn trình độ trung cấp. Ngoài ra, Trường cũng liên kết mở một số nghề trình độ sơ cấp theo thị hiếu như: Trang điểm thẩm mỹ, kỹ thuật vẽ móng; kỹ thuật tạo mẫu tóc, pha chế đồ uống… Qua khảo sát, các ngành ngề này được đông đảo học viên đón nhận và đăng ký tham gia khóa đào tạo.
Theo ông Lưu Quang Vũ, bên cạnh việc mở một số ngành, nghề ngắn hạn, hàng năm, Trường vẫn tiếp tục duy trì các ngành nghề mà đơn vị đã tổ chức liên kết đào tạo trước đó. Tùy vào nhu cầu của học viên và chỉ tiêu của các trường đại học mà trường liên kết, trường tổ chức tuyển sinh theo đơn đặt hàng của các đơn vị. Để giữ uy tín trong đào tạo, trường chú trọng việc lựa chọn đối tác liên kết. Chính vì vậy, các trường đại học mà Trường liên kết thường là các trường đại học có tiếng, như: Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học Thái Nguyên; Đại học Văn hóa Hà Nội; Đại học Nội vụ Hà Nội... hoặc những trường có thế mạnh trong đào tạo các chuyên ngành nông - lâm nghiệp; du lịch phù hợp với thế mạnh và cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh, như: Đại học Lâm nghiệp; Đại học Nông lâm Thái Nguyên... Nhờ vậy, các lớp liên kết đào tạo của trường đã thu hút được số lượng học sinh, sinh viên ổn định.
Đối với Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, mặc dù việc tuyển sinh khả quan hơn trong hệ thống các trường chuyên nghiệp trong tỉnh, song về cơ bản cũng gặp nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo đơn vị, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, trong đó, khó khăn đầu tiên phải kể tới là cơ chế tự chủ trong tuyển sinh. Nhiều trường đại học, nhất là trường dân lập “mở cửa” phương thức tuyển sinh bằng cách: Tăng chỉ tiêu, hạ điểm chuẩn, kéo dài thời gian… nên đã thu hút phần lớn học sinh trên địa bàn đăng ký theo học. Những năm gần đây, đơn vị đã chủ động tìm hướng đi mới, nhất là nỗ lực trong việc liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thị mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, như: Kĩ thuật xây dựng; kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt… và một số ngành, nghề đào tạo hệ trung cấp. Theo đó, mỗi năm, đơn vị tổ chức liên kết đào tạo cho khoảng 300 - 500 lao động; đồng thời đang duy trì đào tạo 11 ngành cao đẳng, 7 ngành trung cấp và duy trì 28 mã ngành về sơ cấp và đào tạo thường xuyên.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Pồ là một trong những đơn vị thường xuyên phối hợp, liên kết với Trường Cao đẳng Nghề trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều năm liền, 2 đơn vị đã liên kết tổ chức đào tạo cho hàng nghìn lao động, giúp họ tự tạo việc làm ổn định cho bản thân, gia đình. Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết: Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng thường xuyên bị gián đoạn. Dù vậy, khắc phục khó khăn, năm 2021, Trung tâm đã chủ động, linh hoạt tìm đối tác, liên kết với Trường Cao đẳng Nghề và một số đơn vị khác tổ chức thành công một số lớp đào tạo thuộc lĩnh vực, ngành nghề: Kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, dê; kỹ thuật xây dựng…
Được tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn từ tháng 10 - 12/2021 do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề tổ chức, chị Sùng Thị Dua, xã Nậm Nhừ phấn khởi chia sẻ: Tôi thấy hình thức và nội dung đào tạo dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với tập quán canh tác và khả năng nhận thức của người lao động chúng tôi. Thời gian tới, tôi và bà con nơi đây tiếp tục mong muốn được các cơ quan chức năng, nhà trường mở thêm các lớp đào tạo nghề thuộc nhiều lĩnh vực khác để chúng tôi đăng ký tham gia để nâng cao kiến thức, kĩ năng về nông nghiệp, nông thôn.