Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Vật lý ra sao?

Ngành Vật lý là một trong những chuyên ngành giữ một vị trí quan trọng trong sự phát triển của nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác.

Sinh viên đang học trực tiếp trên các thiết bị tại Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Huế.

Sinh viên đang học trực tiếp trên các thiết bị tại Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Huế.

Thực tế đã có rất nhiều sinh viên thành công khi theo học chuyên ngành này với cơ hội việc làm rộng mở…

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trao đổi với Báo GD&TĐ, TS Ngô Văn Quang Bình - Phó Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết: Trường là cơ sở đào tạo hơn 65 năm mang trong mình sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đáng tin cậy của cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Có rất nhiều định nghĩa về khái niệm của ngành vật lý, nhưng nói một cách tổng quát thì vật lý là môn khoa học nghiên cứu vật chất và chuyển động của nó trong không gian và thời gian, cùng với những khái niệm liên quan như năng lượng và lực. Có thể hiểu một cách tổng quát nhất, đó là khoa học nghiên cứu về “vật chất” và “sự tương tác”.

Cụ thể vật lý là khoa học nghiên cứu về các quy luật vận động của tự nhiên, từ thang vi mô (các hạt cấu tạo nên vật chất) cho đến thang vĩ mô (các hành tinh, thiên hà và vũ trụ).

Đối tượng nghiên cứu chính của ngành này hiện nay bao gồm vật chất, năng lượng, không gian và thời gian.

TS Ngô Văn Quang Bình cho biết, nhà trường hiện có 4 ngành đào tạo tại Khoa Vật lý: Sư phạm vật lý, Sư phạm Vật lý tiếng Anh, Sư phạm Công nghệ và Vật lý tiên tiến theo chương trình Đại học Virginia, Hoa Kỳ.

Để giúp sinh viên có được môi trường học tập bắt kịp xu hướng nghề nghiệp trong thời đại 4.0, hiện nay Khoa Vật lý có hệ thống các phòng thí nghiệm trang bị hiện đại theo chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Huế là trường duy nhất ở miền Trung có chương trình đào tạo Sư phạm Vật lý bằng tiếng Anh, cũng như chương trình đào tạo cử nhân vật lý tiên tiến theo chương trình Đại học Virginia, Hoa Kỳ.

Với việc được đào tạo theo chương trình bằng tiếng Anh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm rất cao khi nhu cầu tuyển dụng ở các trường công lập, tư thục quốc tế ngày càng tăng, cũng như các công ty liên doanh nước ngoài.

“Sau 15 năm, có thể nói chương trình vật lý tiên tiến là một trong những chương trình đào tạo quốc tế thành công nhất trong cả nước. Với việc mời được các giáo sư từ các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đài Loan, sinh viên có cơ hội tiếp cận được nền khoa học tiên tiến trên thế giới, cũng như có cơ hội tìm được những học bổng thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước phát triển” - TS Ngô Văn Quang Bình thông tin.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý có cơ hội việc làm rộng mở.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý có cơ hội việc làm rộng mở.

Rộng mở cơ hội việc làm

Số liệu thống kê cho thấy 100% sinh viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Huế sau tốt nghiệp ngành vật lý có việc làm ở các trường phổ thông, cao đẳng, đại học và các công ty liên doanh với nước ngoài.

Ngoài ra, rất nhiều sinh viên đã và đang học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan. Đơn cử như: Sinh viên Nguyễn Thị Diện đang là nghiên cứu sau tiến sĩ, trưởng một nhóm nghiên cứu tại đại học nổi tiếng nhất thế giới - MIT, Hoa Kỳ; Nguyễn Văn Sơn đang là nghiên cứu sau tiến sĩ tại trung tâm năng lượng mặt trời, Pháp.

Đối với việc áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, môn Công nghệ trở thành một môn học bắt buộc có tỷ trọng đáng kể trong trường THCS và THPT. Vì vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp sư phạm công nghệ có nhiều cơ hội việc làm tại các trường THCS và THPT theo yêu cầu đổi mới chương trình hiện nay.

TS Ngô Văn Quang Bình cho biết, có nhiều vị trí việc làm có thể lựa chọn như làm giảng viên, giáo viên ngành vật lý, đây là công việc dành cho những sinh viên có niềm yêu thích với nghề trồng người và truyền đạt tri thức.

Trở thành một tư vấn viên, cũng là lựa chọn khi theo học chuyên ngành này. Công việc chính là làm chuyên viên tư vấn tại các công ty điện, hoặc trở thành quản lý, cố vấn cho các dự án viễn thông hoặc các dự án khác liên quan đến chuyên ngành vật lý học.

Một nghề khá phổ biến và có nhiều lựa chọn của các bạn sinh viên ngành vật lý khi mới ra trường đó là kỹ thuật viên. Cụ thể công việc là trở thành một nhân viên sửa chữa hoặc là cán bộ phụ trách trong lĩnh vực điện tử, công nghệ, viễn thông…

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội làm việc trong các viện nghiên cứu, Sở Khoa học & Công nghệ, bệnh viện, công ty, khu chế xuất. Sinh viên học ngành vật lý có cơ hội việc làm lớn tại nhà máy điện hạt nhân hoặc các cơ quan, công ty liên quan lĩnh vực vật lý hạt nhân… Hay làm việc tại các công ty công nghệ cao và phần mềm như Công ty Savarti (Đà Nẵng) và Công ty Renesat (TPHCM). Hoặc người học có thể học tiếp lên chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.

Kĩ năng mềm, kiến thức và kinh nghiệm thực tế

Cựu sinh viên Nguyễn Văn Hùng, hiện đang là Phó Trưởng phòng Kỹ thuật – Công ty TNHH thiết bị Hà An, Đà Nẵng. Công việc của anh là làm tư vấn, lắp đặt, hướng dẫn sử dụng thiết bị phục vụ dạy học, thiết bị chuyên phòng thí nghiệm trường học.

Anh Hùng cho biết, kĩ năng mềm, kiến thức xã hội và kinh nghiệm thực tế rất quan trọng. Quá trình làm việc anh vận dụng kiến thức được học như vật lý đại cương cơ, nhiệt, điện, kỹ năng mềm học được từ các câu lạc bộ, đội nhóm...

Theo anh Hùng, những vị trí việc làm liên quan đến ngành vật lý cần phải được trau dồi kiến thức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi vật lý chuyên sâu có thể chưa rõ, nhưng vật lý phổ thông phải luôn hiểu từ bản chất vấn đề, hiểu biết sâu rộng, áp dụng thực tế.

Ngoài ra, với công việc kỹ thuật, việc có tài lẻ như sửa chữa, thiết kế một số thiết bị, thí nghiệm dạy học cơ bản (thiết bị tự tạo) là một lợi thế lớn đối với nghề này.

Phạm Hiền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-viec-lam-cho-sinh-vien-nganh-vat-ly-ra-sao-post647447.html