Cơ hội viết nên những kỳ tích mới!
Việt Nam đang đứng trước cơ hội để tạo nên những biến chuyển ngoạn mục trong những năm tới; Chưa bao giờ cơ hội Việt Nam vươn mình tăng tốc để trở thành một ngôi sao sáng của khu vực lại rõ ràng như hiện nay…
Việt Nam đang đứng trước cơ hội để tạo nên những biến chuyển ngoạn mục trong những năm tới; Những thành tích đầy ấn tượng trong năm cuối của nhiệm kỳ là cơ sở để Việt Nam tự tin bước sang năm mới 2021, mở đầu giai đoạn phát triển mới; Chưa bao giờ cơ hội Việt Nam vươn mình tăng tốc để trở thành một ngôi sao sáng của khu vực lại rõ ràng như hiện nay… Đó là nhận định của báo giới cũng như của nhiều nhà quan sát về triển vọng phát triển của Việt Nam, đúng vào dịp đất nước hình chữ S đón nhận sự kiện chính trị trọng đại: Đội hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII cũng như bước sang mùa xuân mới Tân Sửu 2021.
Kỳ tích châu Á hay sự đột phá mang tên Việt Nam
Tờ The New York Times của Mỹ trong số báo xuất bản ngày 13/10/2020 đã có riêng một bài viết đặt câu hỏi: “Is Vietnam the Next Asian Miracle - Liệu Việt Nam có phải là kỳ tích châu Á tiếp theo?”. Đặt câu hỏi nhưng cuối bài viết, tờ báo Mỹ danh tiếng lại đi đến kết luận rằng: Việt Nam giống như phép màu từ một thời kỳ đã qua, đang vươn lên thịnh vượng.
Một tờ báo nổi tiếng với những nhận định khắt khe như The New York Times, phải có cơ sở rất rõ ràng mới đưa ra cho mình kết luận ấy. Những cơ sở ấy, theo The New York Times, đó là việc: Trong 5 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trung bình hơn 6% của GDP ở Việt Nam, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia mới nổi nào; Thu nhập bình quân đầu người hằng năm ở Việt Nam đã tăng gấp 5 lần kể từ cuối những năm 1980 lên gần 3.000 USD/người, nhưng chi phí lao động vẫn chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm kỹ năng nghề trong khuôn khổ Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. Ảnh: TTXVN
Nhưng những gì The New York Times kể ra trong bài viết của mình, mới là một phần của những gì đã làm nên kỳ tích ấy. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, GDP của Việt Nam đạt quy mô hơn 340,6 tỷ USD trong năm 2020, vượt Singapore, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Theo WB, mức xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp. Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch. Xuất siêu ở mức kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Trong hơn 4 năm qua, nền kinh tế đã tạo được hơn 8 triệu việc làm mới cho những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Cùng lúc đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 145%, thu nhập của người dân theo PPP đã tương đương gần 9.000 USD. Trong khi đó, ngân hàng HSBC nhận xét, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm nổi bật thế mạnh của Việt Nam như một nền kinh tế và một cơ sở sản xuất linh hoạt, đồng thời tiếp tục cho phép Việt Nam giữ vững vị trí ngôi sao sáng của khu vực. Đến cuối năm 2020, chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng 14,9% so với đầu năm và tăng 67% so với thời điểm thấp nhất. Có đến 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán làm ăn có lãi, một tỷ lệ rất cao trong năm chịu ảnh hưởng của Covid-19 so với các khu vực khác của nền kinh tế. Bất chấp đại dịch, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2020 đạt 28,5 tỷ USD.
Kỳ tích từ ý Đảng, lòng dân
Tựa đề này được rất nhiều tờ báo lựa chọn khi lý giải về những kỳ tích mang tính đột phá của Việt Nam trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Đặc biệt sự hòa quyện của ý Đảng lòng dân được thể hiện rõ nét nhất trong năm 2020 đầy những cam go với “thách thức kép”. Đúng như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua…”. Trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ngày 26/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ: “Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Thật vậy, quyết tâm phát triển kinh tế cũng được thể hiện qua một loạt các văn bản được Đảng ta ban hành. Ngay trong Nghị quyết của Đại hội XII đã đặt mục tiêu tổng quát là phải đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để sớm hiện thực hóa điều này, Trung ương đã ban hành một loạt các Nghị quyết, như: Nghị quyết số 10 tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân - Nghị quyết có thể coi là đột phá trong tư duy, giúp kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Cùng với đó là Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm hoàn thiện và định hình rõ nét hơn đường lối phát triển này. Nghị quyết số 23 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Chính phủ cũng dành sự ưu tiên cho việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được Chính phủ phát hiện, xử lý. Cải cách hành chính đi vào thực chất, khơi dậy động lực, tạo niềm tin, khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh… Khi tình hình dịch bệnh bước vào giai đoạn cam go, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phòng, chống dịch bệnh.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Nhiều vấn đề phức tạp được đặt ra và thực hiện từ những năm trước, nhưng hiệu quả còn thấp, trong nhiệm kỳ này đã có chuyển biến tích cực. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.
Từ những dấu ấn to lớn quan trọng này, nhân dân thêm niềm tin, phấn khởi và tự hào, tiếp tục khẳng định con đường đi lên của nhân dân ta đúng đắn, sự lãnh đạo của Đảng là sáng suốt.
Việt Nam sẽ lập nên những kỳ tích mới
“Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật; ý Đảng hợp với lòng dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy khi trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết Đại hội XIII xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ trong nhiệm kỳ khóa XIII, mà hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới. Cụ thể, đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, để thực hiện mục tiêu trên, Báo cáo chính trị đề ra và các báo cáo chuyên đề đã cụ thể hóa 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030, với nhiều điểm mới.
Tất nhiên, từ mục tiêu đến hiện thực chưa bao giờ là việc dễ dàng. Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Trong khi đó, đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần tập trung vào “3 đột phá chiến lược” do Đại hội XI, XII đã đề ra và được Đại hội XIII bổ sung, cụ thể hóa. Cụ thể là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ ba là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, về môi trường và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
“Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-hoi-viet-nen-nhung-ky-tich-moi-post116112.html