Cơ hội vượt qua nền kinh tế Mỹ của Trung Quốc 'đang suy giảm'
Theo giáo sư Đại học Cornell và cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Eswar Prasad, khả năng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ là rất thấp.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Prasad nói rằng nền kinh tế của hai nước Mỹ và Trung Quốc - hiện đứng vị trí thứ nhất và thứ hai trên thế giới - đã đi theo quỹ đạo trái ngược nhau.
Hiện tại Mỹ có khả năng duy trì phát triển, trong khi Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề cơ cấu như tốc độ tăng trưởng, nợ công và tỷ lệ sinh thấp.
Giáo sư Prasad cho biết: “Trung Quốc phải đối mặt với nhiều tình trạng mong manh, bao gồm nhân khẩu học không mong muốn, thị trường bất động sản sụp đổ, tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước xấu đi và sự thiếu rõ ràng về mô hình tăng trưởng mới”.
“Ngay cả tốc độ tăng trưởng 4 đến 5% cũng khó duy trì trong vài năm tới. Khả năng một ngày nào đó GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ đang giảm dần”.
Trong khi lạm phát tăng vọt ngay sau đại dịch COVID-19 ở Mỹ, làm tăng chi phí sinh hoạt và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra, nền kinh tế nước này tỏ ra kiên cường trước những thách thức trong vài năm qua.
Và rồi đến quý cuối cùng của năm 2023, nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng với tốc độ 3,3%, vượt kỳ vọng và quốc gia này đã tạo thêm hơn 350.000 việc làm mới.
Chiều ngược lại, Trung Quốc có sự phục hồi gập ghềnh sau đại dịch do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm lực lượng lao động già đi, nhu cầu nội tại chậm hơn và cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản - yếu tố mang tới sự tăng trưởng bùng nổ của đất nước trong vài thập kỷ qua.
Ông George Magnus, từng là nhà kinh tế trưởng của UBS và hiện là cộng tác viên tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford ở Anh đã nói với tờ Newsweek rằng “ý tưởng về việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trên thực tế có thể không xảy ra”.
“Cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất không phải là yếu tố duy nhất, có rất nhiều yếu tố đang góp phần làm tốc độ tăng trưởng chậm lại nhiều hơn trong 10 đến 20 năm tới”.
"Đầu tiên là các khoản nợ, trong đó rõ ràng là bao gồm cả thị trường nhà đất. Tiếp theo là nhân khẩu học khi dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Bên cạnh đó năng suất không thực sự tăng cao nữa vì cải cách theo hướng này đã không xảy ra".
"Tình hình hiện tại cho thấy chính sách của chính phủ đã trở nên chặt chẽ nhiều hơn. Vấn đề thiếu hụt nhu cầu cũng khiến cho mọi thứ khó khăn vượt trội".
Nhận định nước Mỹ đang tiến triển tốt hơn nhiều, ông Prasad nói thêm: “Trong khi hầu hết các nền kinh tế lớn đang gặp khó khăn, Mỹ vẫn củng cố vị thế động lực của nền kinh tế toàn cầu”.
Vị chuyên gia nói thêm: “Thị trường lao động Hoa Kỳ rất linh hoạt và mạnh mẽ. Chính sách và hệ thống tài chính của chính phủ đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua những thời điểm rất khó khăn”.
"Mặc dù tăng trưởng GDP của Mỹ không phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhưng sự phục hồi chậm chạp của các quốc gia khác có thể là một lực cản. Nợ công ngày càng tăng của Mỹ và tỷ lệ thanh toán lãi ngày càng lớn tính theo phần trăm doanh thu cũng là những mối lo ngại đáng kể."
Tổng thống Joe Biden gần đây đã ghi nhận khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, điều mà ông cho là nhờ sự thành công của chính sách được gọi là Bidenomics, sẽ giúp quốc gia này đứng đầu bảng xếp hạng thế giới trong tương lai rất dài nữa.
Theo Newsweek