Cơ hội xuất khẩu nông sản sang UAE nhờ Hiệp định CEPA
Quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và UAE đang có xu hướng phát triển tốt, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 4,4 tỷ USD năm 2022, đưa UAE trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi.
UAE là thị trường mở nhưng có tính cạnh tranh rất khốc liệt
Theo ông Trương Xuân Trung, Bí thư thứ nhất, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) sẽ có ý nghĩa to lớn, là cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UAE, mở ra giai đoạn mới về hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và UAE.
Ông Trung nhận định, khi CEPA được ký kết, mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống logistics hiện đại, UAE là cửa ngõ quan trọng và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra các thị trường Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu.
Hiệp định sẽ là căn cứ pháp lý, tạo ra một nền tảng mới nhằm thúc đẩy hợp tác chung về thương mại, đầu tư và năng lượng giữa hai nước, bằng cách giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.
Điều này sẽ tạo ra cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy dòng vốn FDI và tạo ra các cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại UAE nhận định đây được coi là một thị trường mở và hầu như không có rào cản thương mại. UAE hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, máy móc, điện thoại sản phẩm điện tử… để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Bởi lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 0,9% (chủ yếu là chăn nuôi và trồng chà là), lĩnh vực công nghiệp chiếm 49,8% (chủ yếu là khai thác và chế biến dầu thô) trong cơ cấu kinh tế của UAE.
Tuy nhiên, với độ mở lớn, UAE lại là thị trường có tính cạnh tranh rất khốc liệt. Đây sẽ là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cạnh tranh với doanh nghiệp từ một số quốc gia đã ký CEPA với UAE như Ấn Độ, Indonesia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ… bởi những doanh nghiệp này cũng được hưởng ưu đãi khi xuất hàng vào UAE.
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam.
UAE là quốc gia Hồi giáo, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu về văn hóa và nhu cầu tiêu dùng của người Hồi giáo, xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho sản phẩm thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thời trang…khi xuất khẩu vào UAE.
Đề nghị UAE đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ xăng dầu tại Việt Nam
Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông về hợp tác năng lượng. UAE có trữ lượng dầu, khí lớn, có ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu, khí phát triển và có vị trí, vai trò quan trọng trong ngành năng lượng của thế giới.
Để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UAE trong lĩnh vực này, tháng 9/2019, Việt Nam và UAE đã ký Bản Ghi nhớ về hợp tác năng lượng và công nghiệp nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác năng lượng, công nghiệp song phương.
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE vào ngày 5/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số lĩnh vực hợp tác giữa hai bên, như ký mới Bản ghi nhớ về lĩnh vực năng lượng giữa hai nước.
Bộ Công Thương đề nghị UAE xét khả năng đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô, sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam để cung cấp cho khu vực châu Á. Nghiên cứu cơ hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải điện tại Việt Nam và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Việc CEPA được ký kết sẽ là cơ sở pháp lý để hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng như thăm dò khai thác dầu khí; trao đổi chuyên môn kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng kim ngạch xuất nhập khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu; đảm bảo an ninh năng lượng…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, thương mại và đầu tư giữa hai nước, ngày 6/4 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam - UAE (CEPA) ngay sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước.
Kim ngạch thương mại Việt Nam và UAE đã có sự phát triển mạnh, đến năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt 4,43 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 3,85 tỷ USD, nhập khẩu đạt 582 triệu USD.
3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE ước đạt trên 1,12 tỷ USD, tăng mạnh 22,14% so với cùng kỳ năm 2022.