Có hơn 22.000 tỷ gửi ngân hàng, vì sao Sabeco vẫn tăng trưởng âm?
9 tháng năm 2023, với lượng lớn tiền gửi ngân hàng giúp Sabeco thu về 1.052 tỷ đồng lãi tiền gửi. Tuy nhiên, lợi nhuận công ty tiếp tục tăng trưởng âm khi báo lãi ròng chỉ đạt 1.044 tỷ đồng, giảm 22% so với quý III/2022.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 vừa công bố mới đây, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 7.415 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi chi phí giá vốn bán hàng là 5.182 tỷ đồng, lợi nhuận gộp công ty đạt gần 2.233 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận ở mức 373 tỷ đồng, tăng 31% so với quý III năm ngoái, chủ yếu do tăng thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính của Sabeco tăng 47% lên gần 19,4 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay gần như đi ngang so với kỳ trước. Chi phí bán hàng giảm 4% xuống 1.112 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 3% xuống 204 tỷ đồng.
Kết quả, Sabeco báo lãi sau thuế 1.074 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.044 tỷ đồng, giảm 22% so với quý III/2022. Đây cũng là quý thứ tư liên tiếp lợi nhuận công ty tăng trưởng âm.
Theo giải trình từ phía Sabeco, kết quả kinh doanh “đi xuống” do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các hãng bia với nhau. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng thấp trong khi chi phí đầu vào tăng, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần như không giảm nhiều.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Sabeco ghi nhận 21.941 tỷ đồng doanh thu thuần và 3.289 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tương ứng 12% và 26% so với cùng kỳ. Lãi ròng cũng giảm 24% còn 3.171 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động tài chính trong 9 tháng năm 2023 của Sabeco tăng từ 766 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước lên 1.086 tỷ đồng, chủ yếu đến từ sự gia tăng trong lãi tiền gửi ngân hàng từ 701 tỷ đồng lên 1.052 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí bán hàng trong 9 tháng 2023 của Sabeco tăng 8%, tương đương tăng 220 tỷ đồng lên mức 3.140 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty tiếp tục đẩy mạnh quảng cáo và khuyến mại khi chi ra 1.914 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm trước.
Trong năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu 40.272 tỷ đồng doanh thu và 5.775 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 15% và 5% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 3 quý, Sabeco mới hoàn thành được 54% kế hoạch doanh thu và 57% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Sabeco đạt hơn 33.426 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm đa số với 25.949 tỷ đồng, chiếm 77,6% tổng tài sản. Lượng hàng tồn kho giảm 2% xuống còn 2.151 tỷ đồng, đi ngang so với hồi đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản (67%) là khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn với 22.400 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Sabeco đạt gần 6.908 tỷ đồng, giảm 30% so với đầu năm. Trong đó, chiếm chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn với 1.744 tỷ đồng, giảm 37% và phải trả ngắn hạn khác chiếm 991 tỷ đồng, giảm 69%. Ở chiều ngược lại, tổng nợ vay tài chính của Sabeco khoảng 648 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Nguồn vốn của doanh nghiệp chủ yếu là vốn chủ sở hữu đạt 26.518 tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/10, cổ phiếu SAB của Sabeco giảm 4,68%, dừng tại mức 63.100 đồng/cp, với khối lượng giao dịch gần 1 triệu đơn vị.