Có hơn 39.000 lượt cán bộ, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng đội ngũ công chức phải thay đổi, linh hoạt hơn, nhanh nhạy hơn, sáng tạo hơn... để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của nền công vụ.

Sáng 4-8, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21, diễn đàn quản trị đất nước tốt khai mạc tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

“Những biến động, thách thức to lớn và khó lường gần đây đã khiến nền công vụ của chúng ta, hơn bao giờ hết, phải nhìn lại mình, cấp thiết đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ để thực sự là một nền công vụ hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”- bà Trà nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, điều này đòi hỏi đội ngũ công chức cũng phải thay đổi, linh hoạt hơn, nhanh nhạy hơn, sáng tạo hơn, học hỏi hơn. Đây cũng là lý do Việt Nam chọn chủ đề của Diễn đàn là “Đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”.

Bộ trưởng Nội vụ khẳng định Việt Nam rất coi trọng đào tạo cán bộ, công chức cho nền công vụ. Đây là nội dung cốt lõi trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực của nền công vụ.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những hạn chế cần các nước chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để cùng nhau hợp tác gắn kết, nỗ lực đổi mới đào tạo cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.

Thảo luận, Phó Giám đốc Học viện hành chính quốc gia Nguyễn Đăng Quế đặt vấn đề cơ sở đào tạo cần điều kiện gì để từ “cơ sở đào tạo” thành “cơ sở học tập”. Ông mời đại diện Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm để thu hút nhân tài vào khu vực công.

 Diễn đàn quản trị đất nước tốt được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21. Ảnh: TTXVN

Diễn đàn quản trị đất nước tốt được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21. Ảnh: TTXVN

Đáp lời sau đó, đại diện Thái Lan cho biết mỗi năm họ dành 200 – 300 suất học bổng dành cho các nhân tài trẻ với yêu cầu học xong phải quay về làm việc trong nước. “Chúng tôi nhìn ra nhân tài họ muốn gì để từ đó có chính sách thu hút họ”- đại diện Thái Lan nói.

Vị đại diện này cũng chia sẻ: Con đường rộng hơn để thu hút nhân tài của Thái Lan là các chương trình ngắn hạn, tăng cường thi tuyển theo hình thức điện tử và trong tương lai sẽ thi hoàn toàn bằng cách này.

Thái Lan hiện có hai chương trình làm việc theo truyền thống (từ lúc thi vào đến về hưu) và mô hình thay thế (dựa trên hợp đồng với công chức). Tuy nhiên, các chương trình này vẫn chưa thu hút nhân tài trẻ. Bởi vậy, Thái Lan đang nghiên cứu các mô hình mới thu hút nhân tài để nhà nước được hưởng lợi từ chuyên môn của họ.

“Chúng tôi coi người giỏi là một tập thể lớn và cần có cơ chế chính sách mới để thu hút người tài”- đại diện đến từ Thái Lan nhấn mạnh.

Đại diện Hàn Quốc cho rằng công việc khối nhà nước rất hấp dẫn lao động trẻ vì tính cạnh tranh rất cao. Tuy nhiên vài năm gần đây, khối lượng lao động muốn vào nhà nước giảm.

Lý do được dự đoán là nhiều người trẻ có tài làm việc ở nhà nước thường sẽ bảo thủ, không linh hoạt nên không hấp dẫn. Do vậy, Bộ Quản lý nhân sự Hàn Quốc tìm cách cải cách công việc để hấp dẫn, linh hoạt hơn. Tuy nhiên, điều này cần tới vai trò của người đứng đầu các đơn vị, bởi môi trường làm việc ở mỗi lĩnh vực khác nhau.

“Tôi rất hứng thú với điều Thái Lan đưa ra là từng bước xóa bỏ thi tuyển giấy và chuyển sang thi điện tử”- vị này bình luận và cho biết Hàn Quốc chưa thi điện tử nhiều lắm.

Trong khi đó, đại diện đến từ Philippines cho hay trong đại dịch vừa qua, rất nhiều người lao động tìm đến cơ quan nhà nước vì họ cảm thấy làm việc ở các cơ quan nhà nước ổn định hơn làm việc tại các công ty tư nhân.

39.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài

Tại diễn đàn, Vụ trưởng Vụ CCHC Phạm Minh Hùng cho biết trước 2021, Việt Nam thực hiện các hình thức đào tạo bồi dưỡng như: Tập sự, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo vị trí việc làm…

Từ 2021 đến nay, Việt Nam bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý…

Cạnh đó, Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài, đặc biệt là các nước có trình độ phát triển cao.

Tính đến năm 2021, đã có 90% cán bộ công chức đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

Trung bình cả nước có trên 90% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên.

Giai đoạn 2016 – 2020, cả nước cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hơn 39.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, công chức là lãnh đạo, quản lý khoảng 17.500 lượt người, chiếm 45%; công chức làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách là hơn 7.400 lượt người, chiếm 19%; giảng viên khoảng 6.000 lượt người, chiếm 16%.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-hon-39-000-luot-can-bo-vien-chuc-duoc-dao-tao-boi-duong-o-nuoc-ngoai-post692358.html