Có 'lợi ích nhóm' tại các gói thầu chống ngập trên 3.000 tỷ ở TP. HCM?

Tài liệu Báo GD&TĐ thu thập được cho thấy các gói thầu siêu lớn (trên 1.000 tỷ đồng/gói thầu) ở TP. HCM đều rơi vào tay một doanh nghiệp.

Nhiều năm qua TP. HCM loay hoay, chi tiền tỷ cho các dự án chống ngập, nhưng người dân thành phố vẫn chịu cảnh ngập lụt bởi mưa lớn và triều cường. Ảnh: TTX

Nhiều năm qua TP. HCM loay hoay, chi tiền tỷ cho các dự án chống ngập, nhưng người dân thành phố vẫn chịu cảnh ngập lụt bởi mưa lớn và triều cường. Ảnh: TTX

Đầu năm 2020, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (thuộc Sở Xây dựng, TP. HCM) làm chủ đầu tư dự án chống ngập cho thành phố với vốn đầu tư “khủng”, trên 3.226 tỷ đồng. Tài liệu Báo GD&TĐ thu thập được cho thấy các gói thầu siêu lớn (trên 1.000 tỷ đồng/gói thầu) ở TP. HCM đều rơi vào tay một doanh nghiệp. Dư luận cho rằng, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc, làm rõ có hay không “lợi ích nhóm” trong quá trình tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu ở dự án lớn này. Nếu phát hiện sai phạm cần phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan trên tinh thần công khai, minh bạch, thượng tôn pháp luật.

Chi nghìn tỷ mong giảm ngập cho thành phố

Nhằm giảm thiểu tình trạng úng ngập, TP. HCM chi hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án, chương trình chống ngập. Một trong số đó có dự án Duy tu hệ thống thoát nước- Vận hành trạm bơm, cổng kiểm soát triều trên địa bàn thành phố 05 năm.

Trung tâm Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM thuộc Sở Xây dựng, TP. HCM (sau đây gọi tắt là QLHT) được giao là chủ đầu tư dự án.

Ngày 20/2/2020, Trung tâm QLHT kỹ thuật TP. HCM có tờ trình số 442/TTr- TTHT gửi Sở Xây dựng TP. HCM xin phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án.

TP. HCM chi nghìn tỷ cho các dự án chống gập, giảm ngập nhưng tình trạng đường phố biến thành 'sông' vẫn ám ảnh người dân. Ảnh: TTX

TP. HCM chi nghìn tỷ cho các dự án chống gập, giảm ngập nhưng tình trạng đường phố biến thành 'sông' vẫn ám ảnh người dân. Ảnh: TTX

Chỉ sau đó 1 ngày, ngày 21/2/2020, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM có QĐ 217 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án Duy tu hệ thống thoát nước- Vận hành trạm bơm, cổng kiểm soát triều trên địa bàn thành phố 05 năm. Dự án này có tổng mức đầu tư lên đến trên 3.226 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Dự án được phân bổ thành 8 gói thầu. Các gói thầu tư vấn có giá trị nhỏ được chủ đầu tư chỉ định thầu. Các gói thầu có giá trị “khủng”, nghìn tỷ được tổ chức đấu thầu trực tiếp, rộng rãi trong nước, một giai đoạn hai túi hồ sơ (không qua đấu thầu trên hệ thống Mạng đấu thầu Quốc gia).

Trong đó gói thầu Quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố (lưu vực Bắc thành phố, Đông thành phố, Bắc Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Nam Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Nam Tham Lương) có giá trị 1.457.620.327.811 đồng (sau đây gọi tắt là Gói thầu số 5).

Gói thầu Quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố (lưu vực Nam thành phố, Tây thành phố, Bến Nghé- Quận 4, Bắc Tàu Hũ, Tân Hóa- Lò Gốm) có giá trị gói thầu là 1.496.037.262.686 đồng (sau đây gọi tắt là Gói thầu số 6).

Gói thầu Quản lý vận hành các trạm kiểm soát triều, trạm bơm chống ngập có giá gói thầu trên 238,724 tỷ đồng (sau đây gọi tắt là Gói thầu số 8).

Ai thâu tóm các gói thầu 'khủng'?

Tài liệu điều tra của GD&TĐ có được cho thấy, sau khi đấu thầu “công khai, minh bạch” để lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu của dựng án “khủng” trên, cùng trong ngày 30/3/2020 ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm QLHT kỹ thuật TP. HCM ký các QĐ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho các Gói thầu số 5, Gói thầu số 6, Gói thầu số 8.

Theo đó, chỉ có một doanh nghiệp trúng thầu duy nhất là Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Thành phố HCM trúng thầu với giá trị trúng thầu của 03 gói thầu là hơn 3.000 tỷ đồng.

Giá trúng thầu ở Gói thầu số 6 là 1.446.963.193.214 đồng. Sau đấu thầu giảm được khoảng 50 tỷ đồng cho đầu tư ngân sách. Đây là con số giảm giá èo uột cho gói thầu trị giá 1.496.037.262.686 đồng.

Vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước cho các chương trình giảm ngập, chống ngập tại TP. HCM cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo vốn đầu tư không bị thất thoát, đạt hiệu quả cao. Ảnh: TTX

Vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước cho các chương trình giảm ngập, chống ngập tại TP. HCM cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo vốn đầu tư không bị thất thoát, đạt hiệu quả cao. Ảnh: TTX

Ở Gói thầu số 5 tình trạng cũng tương tự. Theo QĐ số 192/QĐ- TTHT, ngày 30/3/2020 của Trung tâm QLHT kỹ thuật TP. HCM về việc phê duyệt kế quả lựa chọn nhà thầu thì Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Thành phố HCM trúng thầu với giá 1.408.879.095.236 đồng/ giá mời thầu là 1.457.620.327.811 đồng.

Ở Gói thầu số 8, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Thành phố HCM được phê duyệt trúng thầu với giá 221.184.253.444 đồng/ giá mời thầu là 238,724 tỷ đồng.

Như vậy, sau đấu thầu, các gói thầu ở dự án Duy tu hệ thống thoát nước- Vận hành trạm bơm, cổng kiểm soát triều trên địa bàn thành phố 05 năm do Trung tâm QLHT kỹ thuật TP. HCM nguồn vốn đầu tư ngân sách chỉ tiết giảm được hơn 100 tỷ đồng/dự án trên 3.226 tỷ đồng.

Các gói thầu có giá trị đặc biệt lớn rơi vào tay một doanh nghiệp duy nhất là Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Thành phố HCM.

Quá trình thu thập tài liệu theo phản ánh của bạn đọc về dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong việc Trung tâm QLHT kỹ thuật TP. HCM tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu các gói thầu của dự án chống ngập này, Báo GD&TĐ nhận thấy có sự bất thường khi gói thầu mặc dù được tổ chức “công khai, minh bạch” nhưng chỉ có duy nhất một nhà thầu nộp hồ sơ tham gia đấu thầu.

Đơn cử như tại Gói thầu số 6, đóng thầu vào lúc 14h ngày 20/3/2020, mở thầu vào lúc 14h30 phút ngày 20/3/2020 tại Trung tâm QLHT kỹ thuật TP. HCM. Mặc dù có 5 nhà thầu mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu, nhưng chỉ có một nhà thầu duy nhất là Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Thành phố HCM nộp hồ sơ dự thầu.

Chủ đầu tư lựa chọn hình thức không gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (nếu lựa chọn phương án này có thể đảm bảo tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu, tạo cơ hội cho các nhà thầu có thời gian để hoàn thiện hồ sơ tham gia dự thầu) mà lựa chọn cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá hồ sơ.

Dư luận cho rằng việc chủ đầu tư lựa chọn phương án mở thầu ngay khi chỉ có duy nhất một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu là yếu tố giúp Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Thành phố HCM trúng thầu một cách nhanh chóng, không có giá cạnh tranh.

Đấu thầu phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả

“Ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 47/CT- TTg về việc: Chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Theo đó tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như dàn xếp, “quân xanh”, “quân đỏ”, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong HSMT. Đặc biệt, có tình trạng cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu (quây thầu, vây thầu). Nghiêm cấm việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu”.

Thiều Khang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-loi-ich-nhom-tai-cac-goi-thau-chong-ngap-tren-3000-ty-o-tp-hcm-post619796.html