'Cỗ máy' kinh tế Việt Nam năm 2025 đã sẵn sàng tăng tốc, bứt phá

Sự quyết tâm của Việt Nam được thể hiện ở việc Thủ tướng Chính phủ phát đi thông điệp mạnh mẽ tại Công điện 137/CĐ-TTg rằng: Phải tăng tốc, bứt phá, hướng tới mức tăng trưởng trên 8%! 'Cỗ máy' kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Việt Nam vẫn giữ vị thế vững chắc là một điểm đến đầu tư hấp dẫn tại ASEAN. (Ảnh: Hoàng Thành)

Việt Nam vẫn giữ vị thế vững chắc là một điểm đến đầu tư hấp dẫn tại ASEAN. (Ảnh: Hoàng Thành)

"Kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm với nhiều nốt thăng trầm", Ngân hàng HSBC đánh giá như vậy về kinh tế đất nước hình chữ S năm 2024.

Đi qua sóng gió, vươn lên mạnh mẽ

Theo Ngân hàng trên, sau khởi đầu khó khăn trong quý I/2024, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một "ngôi sao" tăng trưởng trong khối ASEAN.

HSBC đánh giá, năm 2024 có vô vàn thách thức như các vấn đề địa chính trị toàn cầu, kinh tế bất ổn, lạm phát dai dẳng cũng như các cuộc bầu cử gần đây dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong chính quyền tại nhiều nước. Thế nhưng, Việt Nam đã đi qua các sóng gió.

Sau mức tăng trưởng 5,66% ở quý I/2024, nền kinh tế Việt Nam đã đạt tiến bộ, đặc biệt là vững vàng vượt qua những ảnh hưởng của bão Yagi. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng ở mức 7% trong quý III/2024, vượt qua mọi dự báo của thị trường.

Kể từ tháng 3, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) hàng tháng đều trên mức 50, chỉ trừ thời điểm tháng 9 khi Việt Nam bị bão Yagi tấn công.

Không chỉ thế, Việt Nam vẫn giữ vị thế vững chắc là một điểm đến đầu tư hấp dẫn tại ASEAN. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 11 tháng năm 2024, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD.

Shunsin, một công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang. Điều này cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện.

Không chỉ riêng sản xuất điện tử mà cả những lĩnh vực giá trị công thêm cao cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4/2025 và Nvidia mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam.

Nvidia mở trung tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam. (Nguồn: VGP)

Nvidia mở trung tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam. (Nguồn: VGP)

Bên cạnh dòng vốn FDI tích cực, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Việt cũng đầu tư vào 151 dự án ở nước ngoài trong 11 tháng qua, với tổng vốn đăng ký tăng hơn 51%. Xu hướng này phản ánh "sức khỏe" của các doanh nghiệp trong nước cũng như sự tự tin mở rộng kinh doanh ra quốc tế.

Tính toán của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, với sự khởi sắc về thương mại hàng hóa sẽ đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta vượt mốc 782 tỷ USD trong năm 2024, xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD.

Ghi nhận triển vọng tích cực của ba trụ cột là xuất khẩu - tiêu dùng - đầu tư đã chứng kiến sự hồi phục tích cực, với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực ghi nhận đà tăng trở lại.

Những thành tích ấn tượng trên chứng tỏ, năm 2024 không chỉ là câu chuyện về sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, mà còn là minh chứng cho khả năng thích nghi và sáng tạo của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Rủi ro từ xung đột địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là các chính sách kích cầu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đã giúp Việt Nam tạo ra một nền tảng vững chắc cho kinh tế phục hồi trong giai đoạn tới.

Các định chế tài chính lớn đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.. (Ảnh: Gia Thành)

Các định chế tài chính lớn đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.. (Ảnh: Gia Thành)

Tăng tốc, bứt phá, hướng tới mục tiêu 8%

Năm 2025, Quốc hội giao cho Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ tại Công điện 137/CĐ-TTg: Phải tăng tốc, bứt phá, hướng tới mức tăng trưởng trên 8%!

Với mục tiêu này, Ngân hàng HSBC đánh giá, có cơ sở. Theo đó, ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm ngoái một cách mạnh mẽ. Điều này đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số, với mức tăng trưởng lan tỏa ra đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp.

Trong khi đó, các định chế tài chính lớn đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.

"Mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 cũng là bước đi để chúng ta sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để đạt được mục tiêu cao cả của Đảng, Nhà nước thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ rất quan trọng", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quốc Phương.

Các chuyên gia tại VinaCapital nhận định, Chính phủ Việt Nam đã công bố nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm tăng cường chi tiêu cơ sở hạ tầng và cải cách hành chính. Những nỗ lực này không chỉ có ý nghĩa ngắn hạn mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững lâu dài.

"Mặc dù chưa thể bù đắp hoàn toàn sự giảm tốc trong xuất khẩu, các biện pháp trên vẫn giúp củng cố niềm tin và cải thiện tâm lý người tiêu dùng", các chuyên gia tại VinaCapital đánh giá.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho rằng, tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế của Việt Nam, so với khoảng 25% của ngành sản xuất, vì vậy nếu tiêu dùng tăng trưởng mạnh sẽ dễ dàng bù đắp cho sự suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu, sản xuất, lượng khách du lịch trong năm nay.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với quyết tâm cao của Chính phủ, mục tiêu 8% là bước sẵn sàng để bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 11/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng: "Chúng ta có cơ sở để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% bởi lẽ có sự tiếp nối của đà tăng trưởng năm 2024 khá tốt".

Thứ trưởng đánh giá, với những thay đổi mang tính căn cơ trong năm 2025, nhất là tư duy đột phá về thể chế, tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục hành chính từ các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, kỳ vọng sẽ giải phóng những nguồn lực, đóng góp lớn cho tăng trưởng năm 2025.

"Mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 cũng là bước đi để chúng ta sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để đạt được mục tiêu cao cả của Đảng, Nhà nước thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ rất quan trọng.

Nếu ai đó nói rằng mục tiêu quá sức hay không thì chúng ta không bàn việc đến đó nữa. Đã đặt mục tiêu là phải quyết tâm làm, cho dù quá sức thì cũng phải cố!", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây không chỉ là thời điểm mới trong dòng chảy lịch sử, mà còn là năm bản lề tạo đà cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Do đó, việc thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp là hết sức cần thiết để có thể đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Và đương nhiên, nhờ thành tựu vững chắc 4 năm qua, "cỗ máy" kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, bứt phá!

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-may-kinh-te-viet-nam-nam-2025-da-san-sang-tang-toc-but-pha-299430.html