'Cỗ máy' phá xe tăng trên vùng đất thép (bài cuối)

Trong Chiến tranh cục bộ của Mỹ, nhân dân Nhuận Đức phải hứng chịu một lượng bom đạn lớn chưa từng có từ trước đến nay. Sức càn của Mỹ ngày một lan rộng và phát triển ra khắp vùng Củ Chi. Ở dưới là xe tăng cán không còn một gốc cây. Nhà cửa cũng bị chúng càn, san phẳng như sa mạc chết. Ở trên là những đợt dội bom B52, bom tạ liên hoàn phủ trọn vùng đất thép...

Cuộc chiến từ lòng đất

Ngày 6/1/1966, quân Mỹ đổ bộ vào xã Nhuận Đức. Ấp Xóm Bưng không còn những ngày tháng bình yên, người nông dân ra đồng cày lúa, trồng ngô nữa. Không thấy những đàn trâu thung thăng gặm cỏ. Con người, vật nuôi và cả cây cối chịu những đợt dội bom như vãi trấu. Nhà cửa, xóm làng tan hoang, đâu đâu cũng khét lẹt mùi thuốc súng. Hơn 200 xe tăng của địch đóng cách trung tâm xã chỉ 2 cây số, nhiều ngày trời, bom đạn nổ liên tục cả ngày lẫn đêm. Du kích, bộ đội vẫn đóng quân rải rác khắp nơi, sau mỗi đợt càn của địch, du kích lại phải lùi ra xa hơn bởi quân Mỹ lúc này được trang bị vũ khí rất hiện đại.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tặng hoa chúc mừng Anh hùng LLVT Nhân dân Tô Văn Đực nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” (1967 -2022).

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tặng hoa chúc mừng Anh hùng LLVT Nhân dân Tô Văn Đực nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” (1967 -2022).

Ngày 16/1/1966, sau nhiều đợt càn lấn, giặc bắt đầu càn tới căn cứ tổ chiến đấu của Tô Văn Đực. Đoán biết trước, ông cùng các anh em trong tổ chiến đấu không lùi lại, cũng không xuống địa đạo mà ở đó sẵn sàng chờ đón quyết chiến với giặc. Tối hôm ấy, Út thong thả đi sang nhà mấy ông anh chơi. Út quen với anh Tám Thành, làm bên quân khí của miền. Tám Thành cùng 2 người nữa đang ở Nhuận Đức này.

Trong màn khói thuốc đục mờ bay lẩn vẩn cuộn tròn như vòng tròn xoắn ốc, Út trầm ngâm suy tư, buột miệng hỏi anh Tám: “Anh Tám à, tình hình này gay quá rồi. Ngày mai xe tăng càn vào căn cứ của bọn tui mà bây giờ vẫn chưa có gì đối phó với chúng. Anh em toàn súng tự tạo thôi, không thể đánh được, chỉ mới chuẩn bị đầu đạn 105, lựu đạn nhưng vẫn chưa có mìn. Bọn tui không sợ hy sinh mà chỉ sợ sự hy sinh vô ích mà thôi”.

Anh Tám im lặng một lát rồi bình thản đáp: “Bây giờ tui có 2 trái mìn chống tăng, tui cho anh mượn, nếu anh đánh còn thì trả lại tui mà hết thì thôi”. Út mừng quá, nhận 2 trái mìn kiềng có xuất xứ từ Liên Xô của anh Tám.

Đây là loại mìn khi xe tăng cán lên, đụng kiềng sẽ nổ. Suốt đêm ấy, Út không thể nào chợp mắt được, lo rằng không biết ngày mai, liệu 2 trái mìn kia có phát huy tác dụng không. 2 trái quả thật rất ít, nhưng còn hơn không có gì. Đó là tấm lòng của anh Tám dành cho nhân dân Nhuận Đức mà. Út chia một trái cho cậu lính trẻ tên Lâm Binh, còn một trái Út cài ngay hướng vào căn cứ.
Từ sáng sớm, những đoàn xe tăng lù lù, ầm ầm tiến càn như dự đoán của Út Đực. Cây cối đổ rập xuống, tiếng xích xe cán vào đá nghe ken két. Chiếc xe tăng đi đầu cán phải trái mìn Út cài, nổ đứt xích đứng chân tại chỗ.

5 phút sau, bọn chúng bắn đạn bay như mưa tứ phía. Bụi tầm vông ngay trên địa đạo, cách đầu của Út chừng gang tay bị đạn bắn đứt lìa không còn cây nào nguyên vẹn. Một viên đạn bay chệch hướng, tung vùng đất trên đầu Út, đất ở trên dội xuống khắp người. Út toát hết mồ hôi, nhịp thở dồn dập, chiếc áo ướt đẫm. Út thầm nghĩ, thôi chết rồi, không lẽ mình bị thương. Út lần tay ra phía sau, phủi bỏ đất, quệt vạt nước trên áo xem thì không thấy máu. Út mừng quá, thì ra là mồ hôi.

Đây là lần đầu tiên từ khi khoác lên mình chiếc áo bộ đội Cụ Hồ, người du kích địa đạo Tô Văn Đực biết thế nào là giáp mặt quân thù. Tuy chưa phải cầm súng giáp lá cà nhưng qua vụ chạm trán vừa rồi, Út bắt đầu cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh và những tấm gương anh dũng chiến đấu trên vùng đất thép như thế nào.

Những tên lính trên chiếc xe tăng bị đứt xích nhanh chóng nhảy sang xe khác. Những chiếc sau chạy né chiếc bị nạn đang nằm án ngữ giữa đường. Tô Văn Đực ẩn nấp trong hầm trú ẩn được che đậy bằng hàng rào tầm vông dày kín. Qua khe hở nhỏ dẹt của cây tầm vông, ông đếm được tổng cộng 53 chiếc xe tăng. Cách đó chừng cây số, chúng bắt đầu dừng lại sửa chiếc xe tăng vừa cán phải mìn. Chúng sửa hì hục mãi đến gần chiều tối mới hò nhau kéo về.

Út Đực (bên phải) cùng đồng đội chế tạo vũ khí đánh giặc.

Út Đực (bên phải) cùng đồng đội chế tạo vũ khí đánh giặc.

Vừa lúc xe tăng rút thì bộ binh ở hướng khác đi ra càn. Bộ binh địch chỉ cách chỗ mấy anh em du kích vài thước. Nghe thấy tiếng động trong lùm cây, chúng xả một loạt đạn vào chỗ tình nghi. Nhanh như chớp, mọi người nhảy xuống hầm trú ẩn, sẵn sàng chiến đấu. Từng đợt nhả đạn vẫn liên tiếp hướng vào mục tiêu. “Chúng chỉ bắn vu vơ hù dọa vậy chứ không dám tiến gần. Bọn Mỹ là vậy, hùng hổ, mạnh mẽ và manh động nhưng lại rất nhút nhát. Chúng kéo nhau đi, anh em chúng tôi lại hò nhau lên mặt đất tiếp tục giải quyết chiến lợi phẩm thu được của địch. Chúng tôi vừa ăn vừa đánh, đánh mọi lúc mọi nơi, đánh cả trong giấc ngủ”, anh hùng Tô Văn Đực tâm sự.

Trong trận đầu tiên Mỹ càn vào Nhuận Đức, tổ du kích của Tô Văn Đực đi tìm những xác bom chưa nổ hoặc mảnh bom nổ văng miểng ra. Mỹ không ngừng đưa những loại bom tối tân và hiện tại rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong đó, địa bàn Củ Chi được mệnh danh là vùng đất chết. Ban ngày thuộc quyền kiểm soát của Mỹ - ngụy; du kích, bộ đội và nhân dân lúc này phải sống và chiến đấu trong địa đạo. Một địa đạo hoàn thành nối liền các ấp chiến đấu với nhau. Một cuộc sống âm thầm nhưng sức sống luôn trỗi dậy, luôn phát triển tràn đầy sinh lực, bất cứ lúc nào cũng có thể phản công bất ngờ từ lòng đất đi lên.

Những đợt địch rải bom bi gây bao tang thương cho dân làng. Sức sát thương của loại bom này thuộc loại cực kì nguy hiểm. Quả bom chỉ nhỏ bằng nắm tay người lớn nhưng hễ nổ ra thì có hàng trăm viên bi li ti bung ra, khó có thể tránh khỏi với một người đang ở trên mặt đất.

Từ mìn cán đến anh hùng mìn gạt

Trước tình hình vô cùng nguy nan, khó khăn trăm bề về vũ khí. Du kích của ta chỉ có súng thì không thể đối phó được với những trận càn quy mô lớn bằng vũ khí hiện đại của Mỹ. Út Đực cùng các chiến sĩ đi nhặt bom bi chưa nổ về nghiên cứu. Đó là một sáng kiến vô cùng bứt phá. Nhiều ngày nghiên cứu, kiểm tra thăm dò để chế ra loại mìn cán từ trái bom bi, Tô Văn Đực đưa ý tưởng của mình ra chi bộ. Các đồng chí nghe cũng có lý nên đồng ý cho làm thử.

“Làm mìn cán hoàn toàn không khó thậm chí còn dễ hơn làm súng. Nếu một khi đã nắm được nguyên tắc thì một người bình thường cũng có thể làm được. Trái đầu tiên thử thành công, mọi người vui mừng khôn xiết. Từ đó, cả ấp, cả xã có phong trào đi tìm bom bi. Tìm được một trái bom bi coi như diệt được một chiếc xe tăng. Các chị, các cô xưa nay đã quen sống lặng lẽ nay bỗng dưng cũng háo hức đi tìm nhặt bom. Bom bi có tác dụng thay mìn cán rất hiệu quả”, anh hùng Tô Văn Đực tự hào hồi tưởng lại không khí chế tạo vũ khí đánh giặc hơn 50 năm về trước.
Xưởng sản xuất vũ khí hàng loạt cũng không phục vụ đủ nhu cầu của cả xã nên cấp trên chủ trương cho Tô Văn Đực mở những lớp dạy cấp tốc cho bà con cách làm mìn cán. Người người, nhà nhà thi nhau làm và thi nhau đánh giặc. Mìn cán không kén thuốc nổ, các loại thuốc nổ TNT của bom, pháo cũ dồn vào đều sử dụng được tuốt, đều nổ tan xác xe tăng Mỹ.

Từ căn cứ Đồng Dù của Mỹ đóng quân chỉ cách 6 km cây số đường chim bay tới xã Nhuận Đức nên ngày nào chúng cũng đi càn. Có ngày càn 2 lần. Vì thế mà phong trào đánh xe tăng diễn ra rầm rộ khắp nơi. Người già, phụ nữ và trẻ em đều có thể đặt bom cho nổ xe tăng. Xưởng chế vũ khí của Út Đực không làm đủ để đánh Mỹ nên người dân cũng tự xắn tay vào làm.

Càng đánh Mỹ thì anh hùng Tô Văn Đực càng nhận ra nhiều bí mật rất hay của kỹ thuật làm vũ khí. Ông cho biết, mìn cán vẫn không đánh hết được xe tăng, đánh không triệt để. Bây giờ phải nghiên cứu làm sao chỉ cần cán vào mìn là nổ, đụng đâu nổ đấy. Ông thức trắng mấy đêm liền, sáng ra hết làm thử cái này lại thử cái khác mà vẫn không thành công. Những đêm như thế, mái đầu người chiến sĩ du kích như bạc ra, vầng trán nhăn nhúm, co lại suy nghĩ. Không gian tĩnh lặng của màn đêm buông xuống, tiếng côn trùng rỉ rả kêu ngoài ruộng lúa bỏ hoang, Út giật mình chợt nghĩ đến chiếc đầu lựu đạn ném. Ông nhận ra cái này giống thứ mình cần. Đó là cái mỏ két để dính vào trái bom bi.

Ông cầm đầu trái lựu đạn suy nghĩ, của nó chỉ có một cạnh còn mình phải suy nghĩ chế nó ra 4 chấu để làm cần gạt. Xe tăng chạy tới gạt ngang qua bất cứ đâu đều có thể nổ. Cần gạt làm bằng 2 cái vỏ đạn lấy kíp xỏ vào hộp nổ. Từ mìn cán qua mìn gạt rất đơn giản nhưng phía sau cái đơn giản ấy là những đêm thức trắng của nhà sáng chế Tô Văn Đực. Loại mìn gạt này không khó so với mìn cán, chỉ khác là có cái cần gạt. Ở bất cứ đâu chỉ cần cài cây khô, hoặc bẻ cành tươi làm cần. Sáng chế thành công mìn gạt, Út đánh thử trước, sau đó mới đưa cho anh em đánh.

“Phong trào đánh xe tăng bằng mìn gạt nổi lên mạnh mẽ hơn phong trào mìn cán. Trước đây xe tăng cán lên mới nổ còn bây giờ xe tăng chạy qua đụng vào chỗ nào của mìn đều nổ. Vì thế mà có phong trào cho vay Mỹ để thành dũng sĩ diệt Mỹ. Cứ 6 tháng lại tổ chức một đợt báo cáo thành tích. Có người đánh được 2 thằng, có người được 4 thằng. Người đánh 2 thằng thì tiếc rẻ mãi vì không thấy tên thứ ba xuất hiện để đánh. Vậy là có phong trào cho mượn Mỹ. Ai dư sẽ cho người thiếu mượn rồi sau này phải trả. Phong trào đặc biệt này chỉ Củ Chi mới có”, anh hùng Tô Văn Đực chia sẻ.

Trở về đời thường, vị anh hùng sống giản dị như một lão nông.

Trở về đời thường, vị anh hùng sống giản dị như một lão nông.

Những chiến công hiển hách của nhân dân vùng đất thép không dừng lại ở Củ Chi nữa. Khắp nơi trên chiến trường miền Nam, người ta không chỉ biết về một mảnh đất bị bom giặc cày lên xới xuống trăm lần, mà còn biết từ trong vùng rốn của sự khốc liệt ấy nổi lên tên tuổi của người anh hùng trẻ tuổi Tô Văn Đực với những chiến tích lẫy lừng về chế tạo vũ khí và đào bom nổ chậm. Với thành tích xuất chúng, cán bộ và nhân dân lập tức đề nghị tuyên dương anh hùng cho đồng chí Tô Văn Đực.

Ngày 17/9/1967, đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh miền chính thức đọc tuyên bố tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Tô Văn Đực, du kích Củ Chi vì đã có thành tích vượt trội trong việc chế tạo vũ khí, góp phần đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ vào đất Củ Chi.

Năm ấy, Tô Văn Đực vừa bước sang tuổi 25. Người anh hùng trẻ tuổi như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục chiến đấu, lăn xả vào những trận đánh cho đến ngày đất Củ Chi sạch bóng quân thù, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà nối liền một dải.

Chiến tranh lùi xa 50 năm, Củ Chi trở thành địa danh vàng trong trang sử chống ngoại xâm của dân tộc, là niềm tự hào để cho bất cứ người con quê hương đất thép nào mỗi khi đi xa nhớ về. Anh hùng “mìn gạt” Tô Văn Đực năm xưa đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. Ngôi nhà nhỏ nhắn của ông vẫn vô cùng khiêm tốn, nằm ẩn mình trong khu vườn có đủ loại cây xanh ngay trên mảnh đất Nhuận Đức kiên cường.

Ngọc Hoa

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/co-may-pha-xe-tang-tren-vung-dat-thep-bai-cuoi--i765048/