Có máy tính đầu tiên từ cuối thập niên 1970, nhưng vì sao việc sản xuất máy tính VN lụi tàn?
Năm 1987, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ từng thiết kế thành công máy vi tính Bác Tô song đề án này đã không trở thành hiện thực do cơ sở nghiên cứu bị hỏa hoạn. Tuy nhiên, đây không phải là đề án thiết kế chế tạo máy vi tính đầu tiên ở Việt Nam mà trước đó hơn 10 năm đã từng có một đề án khác của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Sự khởi đầu từ những giúp đỡ của các chuyên gia Pháp
TS Nguyễn Chí Công – một trong các thành viên tham gia đề án này cho biết, tháng 11/1977, GS Phan Đình Diệu – Viện trưởng Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển khi đó đã mời được hai chuyên gia Pháp là Alain Teissonnifere và Hoàng Thành Đào sang làm việc. Ông Alain đã dành nhiều buổi thuyết trình về vi xử lý (Microprocessor), một khái niệm ngày ấy còn mới lạ đối với cả thế giới. Ông Alain tiên đoán rằng vi xử lý sẽ là những "viên gạch thông minh" xây nên một công nghệ mới sẽ có mặt khắp nơi, thay cho các máy tính lớn (mainframes) kềnh càng.
Ông Alain là một người đặc biệt thẳng thắn và cởi mở nhưng cũng rất khiêm tốn và giản dị, sau này trở thành Tổng Thư ký Ủy ban vì sự Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam (CCSTV). GS Phan Đình Diệu cho biết Alain mỗi tuần chỉ lao động 3 ngày cho mình, còn lại 4 ngày dành cho Việt Nam. Ông Alain đã đích thân chuẩn bị giáo trình và phải đi vòng vèo qua Mátxcơva (thủ đô Liên Xô cũ) đến Việt Nam, xa gấp đôi đường bay bây giờ, chưa kể phải bỏ ra hơn hai tháng không lương để làm việc với Viện và gom góp tiền túi mua những vật tư và tài liệu, phần lớn của Mỹ nên ngày ấy vô cùng hiếm, đắt.
Chính ông Alain năm 1976 đã từng gửi thư đến Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước để tìm cơ quan hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ vi xử lý vào Việt Nam, sau hàng chục năm dài biểu tình chống Mỹ để cùng CCSTV có cuộc gặp lịch sử với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mở đầu hợp tác khoa học kỹ thuật Pháp - Việt. Đáp lại thư này là quyết định đồng ý hợp tác và lời mời ông Alain của GS Phan Đình Diệu, người đã được sang Pháp tiếp xúc giới tin học và trúng cử vào Quốc hội trong khi vắng mặt ...
Các anh em trong nước đã làm được trong hoàn cảnh thiếu thốn và mất điện triền miên
Chiếc máy vi tính đầu tiên sử dụng chip Intel 8080A, vì vậy có tên là VT80. Nó được xây dựng theo thiết kế với kỹ thuật quấn dây điện (wrapping) nối các chân cắm do Alain mang sang, vì lúc ấy chưa thể làm được mạch in ở Việt Nam và cũng không được phép hàn trực tiếp vào các vi mạch (microcircuits). VT80 bao gồm bìa CPU, nhiều bìa RAM/ROM và I/O cùng các thứ lỉnh kỉnh từ bảng điều khiển đến vỏ máy, nguồn điện. Những người xây dựng là Nguyễn Gia Hiểu, Nguyễn Chí Công, Huỳnh Thúc Cước, Nguyễn Trung Đồng, Đặng Văn Đức, Phí Mạnh Lợi, Nghiêm Mỹ, Phạm Quang Oai, Nguyễn Văn Tam, Phan Minh Tân, Đỗ Đình Phú, Trần Bá Thái, Lê Võ Bạch Thông, Nguyễn Chí Thức, Bùi Xuân Vinh. Giá như phòng làm việc không chật chội thì còn nhiều anh em nữa cũng tham gia.
Thời gian nghiên cứu, lắp ráp, thử nghiệm, căn chỉnh đều rất ngắn; điện thì không ổn định, có thể bị cắt bất kỳ lúc nào. Cả nhóm nghiên cứu lại chưa từng được sờ đến những chip hiện đại như thế, chỉ sợ hỏng do tĩnh điện hoặc sốc điện. Mặt khác, phải thực hiện mấy bìa RAM mới được vỏn vẹn vài KB (!), ngày đó chưa có RAM động mà mỗi chip RAM tĩnh chỉ chứa mấy trăm bit. Do không có bàn phím và màn hình nên phải nhập liệu từng bit bằng các công tắc Liên Xô và hiển thị bằng các đèn LED. Hệ phát triển cũng chưa có nên phải dịch thủ công các trình điều khiển (Monitor), Assembler và Debugger, rồi nạp trực tiếp từng bit trên hàng nghìn diode mắt muỗi và điện trở. Lập trình và sửa lỗi đặc biệt tiêu tốn thời gian vì phải dùng ngôn ngữ Assembly hoặc thậm chí mã máy, lại chẳng có máy in nào giúp cho mắt đọc, tay viết. Tuy nhiên tất cả vẫn thường xuyên tươi cười, quên đi mọi nhọc nhằn...
Thời gian vùn vụt trôi và cuối cùng mừng ơi là mừng vì máy tính của ta chạy được thật. Ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng phụ trách KHKT cũng quan tâm. Một kế hoạch hợp tác lâu dài lập tức được thỏa thuận giữa lãnh đạo Viện và CCSTV. Rồi cả nhóm bồi hồi lưu luyến tiễn đưa những người thầy đầu tiên về nước với lòng biết ơn vô hạn. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, họ đã thổi bùng ngọn lửa nhiệt tình và lòng tự tin của những người trẻ ở Viện, những con người dám vươn tới tương lai. VT80 khi đó chỉ chạy ở tần số... 2MHz (!) và cần nhớ rằng đó là năm 1977.
Một tháng sau, TS Nguyễn Chí Công được chọn đi thực tập ở Pháp và nhờ vậy cuối cùng mới biết VT80 không hề kém chiếc máy vi tính đầu tiên đã đi vào lịch sử thế giới năm 1975 (Altair 8800), nhưng tất nhiên cả hai dùng để nghiên cứu thì tiện hơn là đem đi ứng dụng. Tuy nhiên, mọi công việc đang diễn ra thuận lợi thì đất nước lại lâm vào cảnh chiến tranh với cuộc chiến chống Khmer Đỏ và cứu đất được Campuchia khỏi họa diệt chủng và sau đó là chiến tranh biên giới phía Bắc. Việt Nam lâm vào thế bị cô lập và thậm chí nhiều trí thức trong CCSTV cũng rời bỏ tổ chức này. Lo lắng cho mẹ già, TS Nguyễn Chí Công vội vã quay về nước với hành lý gồm những vật tư và hệ phát triển vi tính của mình.
Mặc dù vậy, cả nhóm vẫn bắt tay ngay vào việc chế tạo loạt máy vi tính VT8X có cả bàn phím với màn hình. Và màn hình đầu tiên ấy chính là một chiếc ti vi trắng đen hiệu Neptune do Việt Nam lắp ráp theo thiết kế của Ba Lan được "chuyển mục đích sử dụng" một cách tài tình thành video display. Có sẵn mạch in, hệ phát triển và các linh kiện hiện đại nên việc lắp ráp đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.
Ngoài ra, Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển cũng đã trang bị cho nhóm nghiên cứu một oscilloscope (máy hiện sóng) của Hungary và hai máy điều hòa nhiệt độ để làm việc và vượt qua những ngày nóng ẩm, dĩ nhiên là nếu có điện. Một trong những khó khăn lớn nhất hồi đó là ngành cơ khí nước ta chưa chế tạo được vỏ máy tính với độ chính xác mong muốn, vì thế phải trổ tài thủ công.
Với những triển vọng ban đầu đó, lãnh đạo nhóm nghiên cứu đã được GS Phan Đình Diệu dẫn đến nhà riêng Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp để báo cáo trực tiếp, sau khi GS Trần Đại Nghĩa, anh hùng lao động thời chống Pháp, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô từng tỏ ý không tin lắm vào tương lai của ngành tin học. Vị cựu Tổng tư lệnh huyền thoại thì lại đồng ý đầu tư, chỉ nhẹ nhàng nói rằng lẽ ra phải dịch là "tín học" theo ông hoặc "thông tin học" theo Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh (quả là gần với từ "information technology" mà mãi sau mới được dùng, thậm chí bị lạm dụng sai nghĩa). Về mặt này, những nhà chính trị tầm cỡ đã có dự cảm đúng và sớm hơn hầu hết thủ lĩnh các nước khác.
Mùa hè 1979, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước đã mời Chủ tịch và Tổng thư ký của CCSTV (tức Henri và Alain) sang khảo sát và thảo luận biện pháp đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phương Tây, đặc biệt là vi tin học (ngành tin học ứng dụng kỹ thuật vi xử lý). Hợp tác kỹ thuật nhiều năm với các nước XHCN đã lộ dần nhiều mảng trống, cho nên đây là một chuyển hướng sách lược rất quan trọng và đúng đắn. Thật vô cùng tiếc rằng việc này chỉ được thi hành nửa vời với quá ít kinh phí và mấy năm sau thì tắt dần khi người phụ trách bị thay.
Phải đến mùa thu 1979, biên giới phía Bắc mới coi như tạm yên. Đợt thực tập sinh thứ hai cũng quay về nước và những ứng viên khác lại sang Pháp. Bộ phận nghiên cứu được đổi tên thành Phòng Kỹ thuật Vi xử lý, do TS Nguyễn Gia Hiểu và TS Nguyễn Chí Công phụ trách. Cả nhóm tiếp tục chế tạo chiếc máy tính thứ ba với ổ đĩa mềm và cho chạy hệ điều hành CP/M80 để phục vụ anh em Phòng Lập trình bắt đầu viết phần mềm thông dịch (interpreter) cho "Basic Đồi Thông", một ngôn ngữ tựa Basic do anh em tự xây dựng. Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển đã trở thành nơi phổ biến kỹ thuật vi xử lý đầu tiên ở Việt Nam và nhận nhiều thực tập sinh đến từ những nơi khác. Và chiếc máy tính thứ tư là một hệ phát triển lắp ráp cho Học viện Kỹ thuật Quân sự, nơi ra đời và phát triển một nhóm nghiên cứu khác về ứng dụng vi xử lý trong tự động hóa.
Nhưng việc sản xuất ở quy mô công nghiệp không thể trở thành hiện thực
Tiếp đó, các máy tính của Viện được triển khai cho một số đơn vị phía Nam là công ty Sinco và Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội. Rồi tiếp đó, nhóm nghiên cứu đã tìm hướng để sản xuất hàng loạt máy tính VT8X. Vấn đề đã được đặt ra với đối tác là Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử Việt Nam (nay là Tổng Công ty Điện tử Tin học Việt Nam). Các lãnh đạo của TPHCM khi đó là Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ cũng rất quan tâm đến việc sản xuất máy tính ở quy mô công nghiệp. Song mọi việc là không dễ triển khai vì đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Hơn nữa, Việt Nam cũng không thuyết phục được khối SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế) vì nhiệm vụ sản xuất máy tính đã được phân công cho Liên Xô, CHDC Đức và sản phẩm của họ cũng chưa phải là máy vi tính.
Theo TS Nguyễn Chí Công, thời kỳ bao cấp với nhiều khó khăn đã khiến cho họ không thể phát triển tiếp được các mẫu máy tính mới. Thời kỳ đổi mới sau đó cũng đã đến nhưng các công ty tin học lại đi buôn máy vi tính của Phương Tây và Đông Nam Á cho các nước XHCN. Sau đó, họ vật lộn làm thuê, gia công phần mềm cho nước ngoài.
Rất tiếc là do hoàn cảnh khó khăn, cũng có thể là do quyết tâm chưa đủ lớn của những người có trách nhiệm và cũng có thể do hướng đi của ngành KHCN nước nhà mà Việt Nam, cho đến nay, đã không có một ngành sản xuất máy tính mà đáng ra nó phải có, thậm chí là thuộc những quốc gia đi đầu trong sản xuất máy tính.