Cỗ máy XQ-58A Valkyrie trong bàn tay con người
Điều thực sự làm nên sự khác biệt của máy bay XQ-58A Valkyrie không người lái đang được Không quân Mỹ thử nghiệm là việc chúng được vận hành bằng trí tuệ nhân tạo, đột phá trong nỗ lực khai thác năng lực của một công nghệ mới có lợi ích tiềm năng to lớn vốn vấp phải không ít chỉ trích và lo ngại về việc trao bao nhiêu quyền tự chủ cho vũ khí sát thương là đủ.
Không quân Mỹ đang tìm cách thuyết phục Quốc hội thông qua khoản chi ngân sách khoảng 5,8 tỷ USD để sản xuất khoảng 1.000-2.000 máy bay không người lái vận hành bằng trí tuệ nhân tạo (AI), đặt cược vào tương lai thống trị trên không nhờ công nghệ đặc biệt này.
Những chiếc máy bay trong dự án, XQ-58A Valkyrie, được thiết kế để hỗ trợ các phi công là con người, tham gia các chiến dịch thông thường hoặc làm những việc mà phi công gặp bất lợi, thậm chí sẽ đặc biệt hữu ích cho những nhiệm vụ nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng. Máy bay có thể được sử dụng để làm lá chắn cho máy bay chiến đấu, kiểm soát khả năng tác chiến đồng đội trên không, sẵn sàng đỡ đạn cho máy bay có phi công lái và cả những hệ thống vũ khí tự động đắt tiền khác. Ý tưởng thúc đẩy các máy bay XQ-58A là làm ra một loại máy bay không người lái có khả năng chiến đấu với giá thấp thông qua việc sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại. Các cuộc thử nghiệm đang được lên kế hoạch tại Vịnh Mexico trong thời gian tới.
Ưu thế đặc biệt
XQ-58A Valkyrie của nhà sản xuất công nghệ quân sự Kratos Security and Defense là loại máy bay đặc biệt không cần phi công và có khả năng tàng hình với sóng radar. Đây là sản phẩm của chương trình Công nghệ Máy bay Chi phí thấp (LCAAT) của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ phối hợp với Kratos. Mục tiêu của dự án này là phát triển các công cụ thiết kế tốt hơn và sử dụng các quy trình sản xuất thương mại hiện có để giảm thời gian và chi phí thiết kế, nhằm thiết kế và chế tạo nhanh hơn các máy bay chiến đấu không người lái. Vai trò của các vũ khí trong LCAAT hộ tống F-22 hoặc F-35 trong các nhiệm vụ chiến đấu, đồng thời mang vũ khí hoặc hệ thống trinh sát. Theo đó, XQ-58A được thiết kế như một “đối tác bay trung thành” (loyal wingman), được máy bay mẹ điều khiển hoàn thành các nhiệm vụ như trinh sát hoặc thu hút hỏa lực của đối phương khi bị tấn công.
Kratos là công ty công nghiệp quốc phòng quy mô lớn có trụ sở ở San Diego, bang California, chuyên sản xuất hệ thống liên lạc vệ tinh, an ninh và chiến tranh mạng, các thiết bị vi sóng điện tử, phòng thủ tên lửa và chiến đấu. Tuy nhiên sản phẩm nổi bật nhất của công ty này hiện nay là các máy bay không người lái.
Những chiếc máy bay XQ-58A Valkyrie có thể bay với tốc độ hơn 850km/h và bay cao tới 13.000m, mang theo 2 quả bom GBU-39 đường kính nhỏ và các loại vũ khí khác. XQ-58A Valkyrie có thiết kế mô-đun mở để có thể nhanh chóng tích hợp nhiều loại cảm biến và các hệ thống khác, đồng thời có khả năng triển khai vũ khí từ khoang vũ khí bên trong thân, tải trọng 272 kg, bao gồm bom và tên lửa có đường kính nhỏ. Các máy bay có 2 khoang vũ khí bên trong thân, mỗi khoang có 4 mấu treo, có thể mang tên lửa, bom GBU-39 (250kg) hoặc mang theo các UAV cỡ nhỏ Altius-600. Thân máy bay hình thang và đuôi hình chữ “V” làm nổi bật thiết kế tàng hình, khiến loại máy bay không người lái này khó bị radar đối phương phát hiện và theo dõi. Với chiều dài khoảng 9 mét, các máy bay không người lái Valkyrie sử dụng các hệ thống điều khiển chuyến bay được lập trình sẵn để đảm bảo khả năng cơ động được cải thiện trong các hoạt động quân sự. Bán kính tác chiến của máy bay lên tới 4.830km.
Mất khoảng hai năm rưỡi kể từ khi hợp đồng được ký đến khi nguyên mẫu đầu tiên cất cánh. XQ-58A Valkyrie có tên ban đầu là XQ-222 và có chuyến bay đầu tiên ở Arizona vào ngày 5/3/2019. Dự án được chia thành 2 giai đoạn và 6 chuyến bay đã được thử nghiệm được thực hiện để đánh giá chức năng của hệ thống, hiệu suất khí động học và hệ thống phóng. Kratos chịu trách nhiệm về mặt công nghệ, lắp đặt, thử nghiệm, tích hợp hệ thống và phần mềm,… dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/9 trong tài khóa 2023.
Ngày 26/3/2021, một chiếc XQ-58A đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm thứ sáu, lần đầu tiên mở cửa khoang vũ khí bên trong và thả chiếc máy bay không người lái Area-I Altius-600 cỡ nhỏ nặng 12 kg.
Các mẫu máy bay khác, như máy bay ném bom XB-70 Valkyrie, cần phi công là con người và số lượng sản xuất hạn chế. Một chiếc máy bay chiến đấu F-35 có giá 80 triệu USD. Trong khi đó, mỗi chiếc máy bay XQ-58A Valkyrie có thể có giá từ 3 triệu đến 25 triệu USD, ít hơn nhiều so với một chiếc máy bay cần phi công con người. Về cơ bản, đây là các máy bay không người lái thế hệ tiếp theo, Không quân hy vọng các máy bay Valkyrie có thể trở thành một sự bổ sung mạnh mẽ cho phi đội chiến đấu truyền thống, mang đến một “đội quân robot” có khả năng tác chiến và cơ động cao. Nhiệm vụ của các cỗ máy này là kết hợp trí tuệ nhân tạo và các cảm biến để xác định, đánh giá các mối đe dọa, và sau đó, với quyết định của con người, sẽ tiến hành tiêu diệt hoặc không.
Những vùng chưa khám phá
Chương trình Valkyrie phần nào phản ánh cách thức hoạt động kinh doanh vũ khí, văn hóa quân sự, chiến thuật và học thuyết cạnh tranh của Mỹ đang được tái định hình với nền tảng tiến bộ công nghệ và tiềm tàng những ảnh hưởng sâu rộng. Tiềm năng xây dựng các đội quân nhân tạo thông minh nhưng tương đối “rẻ” và có thể triển khai với số lượng lớn cho phép các quan chức Lầu Năm Góc suy nghĩ không theo lối mòn.
Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân (AFRL) đã đạt được cột mốc quan trọng khi thực hiện chuyến bay kéo dài 3 giờ vào ngày 25/7/2023. Chuyến bay đánh dấu lần đầu tiên triển khai thuật toán AI được AFRL đào tạo bằng học máy cho dự án máy bay không người lái XQ-58A Valkyrie. Nhiệm vụ này là bước tiến tới việc tăng cường các hoạt động tự động hỗ trợ AI cho các tình huống chiến đấu trên không hiện đại, đồng thời củng cố cam kết của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc triển khai AI có trách nhiệm.
Quá trình này cũng đánh dấu sự khởi đầu của một bước ngoặt đáng kể trong cơ cấu chiến lược của Không quân Mỹ. Sau nhiều thập kỷ Lầu Năm Góc tập trung mua phần cứng do các nhà thầu truyền thống như Lockheed Martin và Boeing chế tạo, trọng tâm đang dần chuyển sang phần mềm có thể nâng cao năng lực của các hệ thống vũ khí, mở ra cơ hội cho các công ty công nghệ mới hơn giành thị phần trong ngân sách mua sắm của cơ quan này.
Không giống như các máy bay chiến đấu F-35 được Lockheed Martin và các nhà thầu phụ của hãng cung cấp dưới dạng trọn gói, quân đội đang có kế hoạch tách máy bay và phần mềm thành các giao dịch mua riêng.
Kratos, công ty chế tạo Valkyrie, đang chuẩn bị đấu thầu các hợp đồng tương lai. Nhiều công ty lớn khác như General Atomics, chế tạo máy bay không người lái tấn công được sử dụng ở Iraq và Afghanistan; và Boeing, công ty có máy bay tự lái trên nguyên mẫu máy bay chiến đấu MQ-28 Ghost Bat, cũng có các kế hoạch tương tự.
Trong khi đó, các công ty phần mềm - một số là khởi nghiệp - như Shield AI và Anduril vốn có nguồn tài trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng trăm triệu USD - đang cạnh tranh gói thầu bán cho Lầu Năm Góc các thuật toán AI.
Kỳ vọng song hành thận trọng
Phải thừa nhận những thế hệ vũ khí tấn công mới vận dụng nền tảng công nghệ đang là xu hướng không thể phủ nhận và nhận về nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, chúng cũng cùng lúc đặt ra những câu hỏi về vai trò của con người trong các cuộc xung đột được vận hành bởi AI, bởi đã có không ít vụ việc ghi nhận các cuộc tấn công sai lầm của máy bay không người lái gây thương vong cho dân thường.
Việc vận hành các máy bay dùng AI vấp phải nhiều chỉ trích của các nhà hoạt động nhân quyền do cho rằng điều này có thể là “vượt qua ranh giới đạo đức” khi giao việc giết người cho máy móc, hoặc đưa ra những quyết định sai lầm, làm dấy lên những lo ngại đầy ám ảnh về tương lai nơi máy móc kiểm soát mọi thứ. Nhiều người thậm chí còn gọi những chiếc máy bay này là “bot đồ tể” vì chúng có thể đưa ra quyết định nhanh chóng trong chiến đấu. Điều này có thể làm cho xung đột trở nên nguy hiểm và khó lường hơn, thậm chí là nguy cơ sản xuất những cỗ máy chiến tranh tồi tệ, những vũ khí thực sự tồi tệ.
Năm 2019, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, cảnh báo việc thả nổi những cỗ máy có thể tự quyết định giết người mà không có sự tham gia của con người là điều đặc biệt nguy hiểm, không thể chấp nhận về cả mặt chính trị hay các giá trị đạo đức, và rằng luật pháp quốc tế nên có những điều khoản và quy định để ngăn chặn kịp thời.
Tất nhiên quân đội Mỹ cũng nhận ra rằng họ cũng phải đối mặt với những lo ngại sâu sắc về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quân sự, liệu đến một ngày nào đó thứ công nghệ này có thể chống lại những người tạo ra nó (như viễn cảnh Skynet trong loạt phim “Kẻ hủy diệt”) hay những nghi ngờ kề cận hơn về việc cho phép các thuật toán định đoạt tấn công hay không.
Lầu Năm Góc gần đây đã ra các quy định về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các hệ thống vũ khí, cho phép tự chủ sử dụng vũ lực gây chết người song nhấn mạnh bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để chế tạo hoặc triển khai loại vũ khí đó trước tiên đều phải được một hội đồng quân sự đặc biệt xem xét và phê duyệt.
Một hành lang dài ốp gỗ ở Lầu Năm Góc, nơi đặt văn phòng của các quan chức cấp cao của Lực lượng Không quân, treo đầy chân dung của các nhà lãnh đạo xen lẫn với hình ảnh những cỗ máy đã giúp Mỹ thống trị bầu trời thế giới từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc cho biết con người sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong tầm nhìn mới của lực lượng không quân, song song với đó là thúc đẩy vai trò của các phi công robot trên cơ sở các cải tiến về thuật toán được các kỹ sư phần mềm và chuyên gia học máy điều chỉnh. Vì lẽ đó, hầu hết mọi khía cạnh hoạt động của lực lượng không quân, sẽ được sửa đổi để phù hợp với những vận hành không thể tránh của xu thế thời đại này. Và trong quá trình điều chỉnh đó, điều người ta cần rõ ràng vẫn là những quy chuẩn đạo đức, đảm bảo con người nắm quyền kiểm soát những cỗ máy ngày càng thông minh.