Có một chữ Nếu không bao giờ xảy ra
Đó thực sự là một câu chuyện kỳ dị của chiến tranh, khi một trong những nhân vật cao cấp nhất bên phía Đức Quốc xã đơn thương độc mã bay sang… Anh quốc, để… nghị hòa vào những ngày này mùa hè tròn 70 năm trước. Song, đó lại là sự thật.
Và câu chuyện ấy cũng góp phần làm sáng tỏ thêm quyết định bẻ ngoặt những con đường hành quân của quân đội Đức Quốc xã, từ bờ biển Manche sang tận biên giới Liên Xô.
Người đưa tin từ trên trời rơi xuống
Tính chất "hoang đường" của câu chuyện khiến ngay ở đoạn đầu chương viết về nó, tác giả Raymond Cartier - cuốn “Hitler và các danh tướng Đức Quốc xã” - đã phải nhấn mạnh với độc giả: "Tài liệu, ở đoạn này, không phải là tài liệu Đức nữa, mà là những tài liệu của người Anh.
Trong tập hồ sơ (tại tòa án) Nuremberg, những tài liệu này mang số D.614. Chúng thuật lại câu chuyện hoang đường của chiến tranh: Cuộc hành trình sang Anh quốc của Rudolf Hess, đại diện của Fuehrer (tức là Lãnh tụ - danh xưng của Adolf Hitler trong nội bộ nước Đức khi ấy) cạnh đảng Quốc xã, nhân vật thứ ba của trật tự nhà nước theo kiểu Hitler".
Chiều thứ bảy 10-5-1941, Công tước Hamilton - một trong những tư lệnh của Không quân Hoàng gia Anh - có mặt ở sở chỉ huy của mình tại Turnhouse, Scotland. 2 giờ 8 phút, ông nhận được báo cáo là một chiếc máy bay Messerschmitt 110 đã bay vượt qua bờ biển Northumberland.
"Đó là một sự nhầm lẫn. Làm sao mà một chiếc Messerschmitt có thể bay xa thế được? Nó không đủ xăng để bay trở về!" - công tước Hamilton nghĩ thầm. Tuy nhiên, nhiệm vụ thì vẫn là nhiệm vụ.
Các radar Anh tiếp tục truy dấu chiếc máy bay, trong khi tất cả các đơn vị cao xạ phòng không được lệnh sẵn sàng. Và đến hơn 23 giờ, tin báo về là chiếc máy bay Đức đã tự rơi, rồi bốc cháy khi tiếp đất ở phía Nam thành phố Glasgow, mà không có bất cứ cuộc giao chiến nào.
Đột nhiên, Hamilton giật bắn người, khi điện thoại thông báo: "Phi công đã nhảy dù ra ngoài và bị bắt làm tù binh. Y xưng tên Alfred Horn. Y tuyên bố có sứ mệnh đặc biệt, và xin gặp công tước Hamilton".
Alfred Horn là một cái tên mang theo quá ít âm vang. Thêm vào đó, nói theo cách hóm hỉnh như Cartier, "tính dửng dưng của người Anh là một đức tính tốt đẹp". Tận 10 giờ sáng hôm sau, vị công tước mới đến Glasgow, và cho đòi người tù trình diện. Đó là "một người gầy ốm, nước da lợt lạt, hai mắt sâu hoắm và nét mặt xao xuyến".
"Tôi muốn được nói chuyện riêng với ngài" - người tù đề nghị, và công tước Hamilton đồng ý. Sĩ quan tùy tùng cùng người phiên dịch được lệnh rời phòng. Khi ấy, người tù ngẩng lên, hỏi: "Ngài có nhận ra tôi không?".
"Hoàn toàn không" - Hamilton đáp lại.
"Ngài đã gặp tôi ở Berlin, trong thời gian diễn ra Thế vận hội 1936. Ngài đã dùng bữa ở nhà tôi". Hamilton, nghe đến đó, vẫn lạnh lùng.
"Tôi tên là Rudolf Hess". Sự hờ hững biến mất. "Rudolf Hess?". "Tôi đến vì một sứ mệnh nhân đạo. Bạn tôi, ông Haushofer, một người quen cũ của ngài, đoan chắc với tôi rằng ngài là một người Anh có thể hiểu được quan điểm của tôi. Đây là lần thứ tư tôi cố tìm cách gặp ngài, kể từ tháng 12 vừa qua (tháng 12-1940). Ba lần trước, tôi đã quay trở về vì trời xấu. Tôi cũng không muốn đến đây, lúc nước Anh đang giành thế thắng ở Lybie, bởi điều này có thể tạo nên cảm giác về sự yếu đuối của nước Đức. Nhưng, lúc này, chúng tôi đã giành lại thượng phong ở Bắc Phi cũng như Hy Lạp, và tôi đã đến".
Vậy thì Rudolf Hess bí mật sang Anh để làm gì?
"Mối nguy hiểm mà tôi - một nhân vật cao cấp của nước Đức - phải trải qua để đến đây chứng tỏ sự chân thành của tôi cũng như ước vọng hòa giải của nước Đức. Fuehrer tin chắc rằng ông sẽ thắng trận, nếu không phải là ngay bây giờ thì cũng chỉ cần hai ba năm nữa. Tôi muốn ngăn cản một cuộc tàn sát vô ích".
Và Hess đưa ra một thứ tối hậu thư "khẩu dụ" từ Hitler.
Bức "tối hậu thư"
Nói một cách ngắn gọn, Rudolf Hess mong muốn thông qua Hamilton, giữa Anh và Đức có thể có những cuộc thảo luận về hòa bình. Điều kiện cốt lõi, tất nhiên sẽ là việc Anh phải từ bỏ đường lối đối nghịch với Đức.
Dù là một sĩ quan cao cấp, một đại quý tộc, Hamilton cũng không đủ thẩm quyền để cam kết bất cứ điều gì. Ông ghi nhận những đề nghị của Hess, rồi lập tức trở về, đầu tiên là để tìm một quan chức ngoại giao có thể chứng thực rằng người tù binh kia đúng là Rudolf Hess.
Với sự xác nhận của Kirkpatrick - cựu nhân viên đại sứ quán Anh tại Berlin, thì đó đúng là Hess, cho dù Hess phủ nhận thân phận tù binh của mình. Theo Rudolf Hess, ông ta xứng đáng được đối xử như một sứ giả, đến Anh để thương thuyết.
Vào thời điểm đó, trên bản đồ toàn cảnh, Trận chiến nước Anh của không quân Đức đã kết thúc. Nước Anh đã đứng vững, trong khi Hải quân Anh tỏ rõ sự thiện chiến, đánh bật đồng minh Ý của Đức khỏi Nam Âu, Bắc Phi và Đông Phi.
Về tương quan lực lượng, Adolf Hitler cũng đã bắt đầu phải gờm sợ những viễn cảnh còn u ám hơn, nếu hai người khổng lồ còn đang đứng ngoài chính thức bị cuốn vào cuộc chiến: Liên Xô và Mỹ.
Hitler tin rằng, Anh còn kiên cường chống đỡ, là bởi họ còn niềm tin vào sự xuất hiện của hai đạo "đại viện" đó. Và quả nhiên, sau này, thực tế diễn ra đúng như vậy.
Nhưng bên cạnh đó, khi cố tiếp cận những tính toán của Hitler theo khía cạnh diễn biến tâm lý con người chứ không chỉ là những sự kiện lý tính, Raymond Cartier còn nhận ra: Hitler có một sự ưu ái và nể trọng nhất định đối với chủng tộc Anglo-Saxon - những người bà con gần gũi của chủng tộc German.
Trong "không gian sinh tồn" mà Hitler vẽ ra, người Do Thái phải bị tận diệt, người Slave phải bị đày đọa và trở thành nô lệ, người Latin bị xem là công dân hạng hai, nhưng Hitler không công kích người Anh cũng như các dân tộc Bắc Âu - những chủng tộc còn tương đối "thuần khiết".
Nhưng, kể từ khi Winston Churchill lên nắm quyền Thủ tướng Anh thay Neville Chamberlain - người "nhún nhường" với Adolf Hitler hơn nhiều, sự "ưu ái" mà nhà độc tài Đức Quốc xã dành cho Anh quốc luôn bị "hắt hủi".
Hess trong một cơn hùng biện rập khuôn theo đúng kiểu Hitler, đã cố gắng thuyết phục cử tọa (gồm duy nhất Kirkpatrick) rằng sự tình này xảy ra giữa hai nước là do nước Anh "quá quắt" với nước Đức. Và Hess cố gắng chứng minh rằng nước Anh đã đứng trên bờ vực thảm bại rồi, bởi ở Đức, guồng máy sản xuất máy bay vẫn liên tục gia tăng hiệu suất, vượt xa cả sản lượng của Anh lẫn Mỹ cộng lại.
Hơn thế, Đức còn đào tạo được nhiều phi công hơn cả máy bay, nên Anh không thể đuổi kịp. Hess cũng không quên khoe khoang về những đoàn tàu ngầm Đức. Sau cùng, mọi hy vọng rằng sẽ có biến cố chính trị ở Đức đều là hão huyền.
Rồi Hess kết luận: "Tôi đến đây, không được phép của lãnh tụ, để thuyết phục các nhà lãnh đạo Anh rằng nếu không thể thắng trận, thì nên khôn ngoan hòa giải ngay lập tức….
Giải pháp mà tôi đề nghị với quý ông là nước Anh hãy để nước Đức tự do hành động ở châu Âu, trong khi Đức sẽ để Anh hoàn toàn tự do với đế quốc của mình. Tuy nhiên, hãy trả lại cho Đức những thuộc địa cũ. Đức cần những nguồn nguyên liệu ở đó".
Đó là ngày 13-5-1941. Vào ngày đó, các kế hoạch chuyển quân nhằm tấn công Liên Xô đã chuẩn bị được thực hiện. Có thể tin là Rudolf Hess, mặc dù là nhân vật thứ ba trong Đệ tam Đế chế Đức, lại chẳng nắm được gì.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, Hess nói rằng ông ta đơn phương thực hiện sứ mệnh này, vì thấu hiểu suy nghĩ của Hitler (không bao giờ muốn chống lại nước Anh), và hoàn toàn không được sự cho phép của Hitler. Có thể thực sự là thế. Nhưng cũng có thể Hitler đã dặn Hess phải nói như thế, và những sự ngạc nhiên hay lời kết án Hess "phản bội" được đưa ra sau đó cho công luận thấy, cũng chỉ là một màn kịch.
Hess là một trong những người bạn chiến đấu đầu tiên, thân cận, trung thành và cuồng tín nhất của Hitler. Những gì Hess nói với người Anh, dọa dẫm và vuốt ve, đều rất tương đồng với cách hành xử của "lãnh tụ" trước khi Đại chiến bùng nổ.
Các luận điểm ấy lại cũng có cơ sở. Nước Anh đứng vững, nhưng thành phố Coventry chỉ còn là đống gạch vụn, trong khi mọi cơ sở sản xuất khác đều bị đình trệ. Và khi ấy, nước Anh vẫn chỉ đang chiến đấu một mình.
Vấn đề là nước Anh, với Winston Churchill dẫn đầu, luôn đủ dũng cảm và kiêu hãnh để từ chối mọi lời gợi ý. Thậm chí, đến chuyện bị phân tâm bởi sứ mệnh kỳ quái này của Rudolf Hess cũng không hề xảy ra. Hess, cho đến cuối đời, không được gặp bất cứ nhân vật cao cấp nào, ngoài công tước Hamilton.
* Nếu quý vị bỏ lỡ dịp may này, quý vị sẽ tự chứng tỏ là không muốn thỏa hiệp với nước Đức. Hitler sẽ có cớ, và thực ra là có bổn phận đè bẹp nước Anh hoàn toàn. Để sau chiến tranh, giữ nước Anh trong tình trạng lệ thuộc mãi mãi" - Hess nói lời cuối cùng.
* "Hess phải hiểu rằng: Tuyệt đối không có vấn đề tham gia một cuộc thương thảo thuộc bất cứ cấp nào với Hitler hay với chính phủ của hắn ta. Từ khi Hess tới đây, y đã bị đối xử như một tù binh, và sẽ tiếp tục bị đối xử như thế, cho đến khi chiến tranh kết thúc" - Kết luận của Nghị viện Anh.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/co-mot-chu-neu-khong-bao-gio-xay-ra-i618153/