Có một cộng đồng người Việt bên bờ sông Trắng

Một dòng sông hiếm hoi chảy qua thành phố Upha – Thủ đô nước Cộng hòa Baskôrtôxtan thuộc Liên bang Nga: Sông Trắng. Về phía hạ lưu, Sông Trắng hòa dòng chảy với sông Gooma trước khi đổ vào sông Volga mênh mang, rồi ra biển Caspien. Tên sông gợi nên sắc mầu. Vào mùa hè, những trảng cát mịn đôi bờ trắng phau. Còn về mùa đông, tuyết phủ trắng xóa đôi bờ lẫn dòng sông.

Từ Mátxcơva vượt hơn 1.500 cây số bằng tầu hỏa, tôi về thăm Upha vào giữa mùa đông theo lời mời của Hội đồng hương Việt Nam của thành phố. Tầu tới ga vào giữa đêm, gặp các bạn ra đón, cảm thấy trong lòng ấm lại dù đồng hồ báo thời tiết đặt trên nóc nhà ga đang chỉ vào số - 21 độ (21 độ dưới không). Tuyết bay mù trời, phủ dầy mặt đất.

Anh bạn lái xe trẻ người Tatar là dân địa phương nên rất thông thạo địa hình. Chiếc xe lao vun vút đi về phía ngoại ô, rồi dừng lại trước ngôi nhà kiểu cổ, đậm nét thôn dã Nga truyền thống (gọi là đa- cha). Đó là nhà nghỉ cuối tuần của Chủ tịch Hôi đồng hương Trần Ngọc Tuấn. Đêm ấy chúng tôi thức khuya, vừa bàn luận, vừa xem truyền hình Việt Nam qua kênh VTV4; có cả tiết mục tắm xông hơi có lá thơm, rồi chạy ra ngoài sân trầm mình trong tuyết theo cách của người Nga. Câu chuyện về lịch sử cộng đồng người Việt tới miền đất này như có men nồng.

Dân số Upha có chừng trên 1,2 triệu người, bao gồm nhiều sắc tộc, chủ yếu là người Baskiria, rồi đến Tatar… Người các nước khác thuộc Liên Xô cũ đến đây sinh sống không ít. Giờ đây Liên Xô không còn, nhiều người trong số họ trở thành người nước ngoài. Người ngoại quốc “thứ thiệt” làm ăn ở Upha là những người đến từ Việt nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.

Người Việt Nam đầu tiên đến Upha là những sinh viên được Nhà nước ta gửi sang học tập theo hiệp định ký với Liên bang Xô Viết. Có nguồn tin nói rằng, một sinh viên ngành nông nghiệp là người Việt Nam đầu tiên tới Upha. Sau đó, hàng năm, lưu học sinh Việt Nam vẫn được gửi sang đào tạo ở các trường đại học Upha. Vào cuối những năm tám mươi của thế kỷ XX, theo hiệp định hợp tác lao động giữa 2 nhà nước Việt Nam và Liên Xô, thành phố Upha đã đón nhiều đoàn công nhân lao động nước ta. Họ là những hạt giống quý góp phần xây đắp tình hữu nghị giữa 2 dân tộc. Những người có công xây dựng cộng đồng buổi đầu vẫn được bà con mình nhắc tới với tình cảm trân trọng, biết ơn. Trong số họ có luật sư Trần Văn Sơn (vị Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng hương, nay đã về làm việc ở trong nước), có nguyên Bí thư Chi bộ Bùi Hữu Bạo (sang Upha từ năm 1989, rất tích cực hoạt động gây dựng phong trào).

Hôm sau, đọc tờ tin Cộng Đồng (tiếng nói của Ban liên lạc Hội đồng hương Việt Nam thành phố Upha) thấy nội dung khá phong phú. Ăn quả nhớ người trồng cây buổi ban đầu, tác giả Đào Ngân Hà trong bài “Cảm nhận Upha” đã viết: “Cám ơn các bâc tiền nhân – những người Việt đã đến đây từ hôm qua, hôm kia. Họ đã bằng chính cái “tâm”, cái “tình” của mình để gây dựng nên hình ảnh người Việt trên vùng đất Upha…”.

Mấy ngày ở đây, chưa có dịp gặp gỡ đầy đủ các anh các chị trong Ban chấp hành Hội đồng hương, bởi vì họ thuộc các đơn vị khác nhau, hoạt động trên những lĩnh vực kinh tế, dịch vụ… Nhưng qua tìm hiểu, tôi biết quý danh từng người, những phần việc được phân công đảm trách. Ai cũng năng nổ, đều có đóng góp cho ngôi nhà chung. Lịch sử buổi đầu của sự hình thành cộng đồng người Việt Nam thành phố Upha có những nét tương đồng như ở một số thành phố lớn khác thuộc Liên bang Nga. Ngày 2.4.2000, tại đây đã diễn ra một sự kiện mang ý nghĩa lớn trong đời sống của bà con đồng hương: Đại hội thành lập Ban công tác Cộng đồng Việt Nam thành phố Upha. Từ đó, bà con người Việt Nam được tập hợp trong một tổ chức, dưới mái nhà chung, chia sẻ niềm vui cùng những lo toan.

Chặng đường xây dựng và phát triển tuy chưa dài, song hôm nay cộng đồng người Việt Nam ở Upha đã có một cơ ngơi bề thế, một môi trường sống và làm việc ổn định, được chính quyền và nhân dân địa phương tạo điều kiên khá thuận lơi để phát triển. Riêng sự kiện ngôi chùa Một Cột được xây dưng trang trọng trên Công viên văn hóa Dema (một quận lớn của thành phố Upha) cũng đã một phần minh chứng cho nhận định trên. Những năm gần đây, năm nào Hội đồng hương cũng tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, đón Tết Nguyên Đán cổ truyền ấm cúng, giải bóng đá mùa hè, đêm Trung Thu cho thiếu nhi. Có năm còn tổ chức thi Người đẹp Upha chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3. Đội văn nghệ Upha “mang chuông đi đấm xứ người” gây tiếng vang tới tận Matxcơva. Có thể kể thêm những việc khác mà Hôi đồng hương đã tổ chức có kết quả: Mở và duy trì lớp học tiếng Việt cho trẻ em; lập tủ sách cộng đồng; quyên góp ủng hộ nạn nhân nhiễm chất độc mầu da cam, đồng bào ở vùng bị bão lụt trong nước; giúp đỡ những hoàn cảnh cơ nhỡ là người dân địa phương… Các tổ chức đoàn thể trong cộng đồng (Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh) cũng có những bước phát triển mới.

Trước ngày tạm biệt Upha, chúng tôi đi thăm tượng đài Salavát Iulaép – anh hùng dân tộc Baskiria và Quảng trường mang tên ông. Trong tư thế oai phong trên mình chiến mã, tay vung cao gươm, người anh hùng hướng tầm nhìn về phía dòng Sông Trắng. Biết có người Việt Nam trong số các đoàn tới viếng tượng đài, người dân địa phương thể hiện thiện cảm khá rõ ràng. Người giới thiêu nhiệt tình nói về những trang sử hào hùng của nước Công hòa Baskôrtôxtan và người anh hùng của dân tộc mình. Các bạn còn nói những lời tốt đẹp về Việt Nam và cộng đồng người Việt ở đây.

Cuối chiều mùa đông hôm ấy tuyết bay trắng trời. Rừng bạch dương bên kia sông như được khoác lên mình bộ áo lông mượt mà bằng tuyết trắng. Thành phố bên bờ Sông Trắng đây đó đã sáng đèn. Ở đấy có cộng đồng người Việt đoàn kết, thân thiện, luôn hướng về quê hương.

Tiến sĩ Chu Huy Sơn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202006/co-mot-cong-dong-nguoi-viet-ben-bo-song-trang-761045/