Có một địa chỉ đỏ - Ghi dấu lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh Long An
Di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà ông Bộ Thỏ - địa chỉ đỏ cách mạng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ (Ảnh: Sông Măng)
Năm 1922, sau thời gian du học ở Pháp, ông Nguyễn An Ninh về nước, bắt đầu sự nghiệp hoạt động cách mạng bằng những buổi diễn thuyết đả kích chính sách ngu dân và bóc lột bằng thuế khóa của chính quyền thuộc địa. Ông lập Hội Khuyến học, có trụ sở ở Gò Đen, ra tờ báo Tiếng chuông rè có tư tưởng chống Pháp và trực tiếp đi phát hành.
Năm 1926, ông cùng Nguyễn Văn Tạo (người Phước Lợi - Bến Lức) lập tổ chức Thanh niên Cao vọng đảng để tập hợp và giác ngộ những người yêu nước mà nhân dân thường gọi là Hội kín Nguyễn An Ninh. Ông đi khắp các thôn xóm làm thợ hớt tóc, bán dầu cù là,… để tuyên truyền cổ động cho cuộc đấu tranh chống Pháp.
Năm 1925-1928, ông về quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, liên lạc với những người yêu nước ở địa phương để truyền bá tư tưởng cách mạng và phát triển tổ chức Thanh niên Cao vọng đảng. Một trong những người đầu tiên tham gia tổ chức này là đồng chí Võ Văn Tần.
Kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, đồng chí Võ Văn Tần từng làm nghề dạy học ở nông thôn, lên thành phố kéo xe để tìm con đường đấu tranh chống Pháp. Sau khi rời thành phố, năm 1925, đồng chí về quê làm biện (thư ký) cho Ban hội tề làng Đức Hòa để che mắt địch và có điều kiện đi lại hoạt động cách mạng. Là người có uy tín, học thức và tinh thần yêu nước, giao thiệp rộng nên từ khi gia nhập tổ chức Thanh niên Cao vọng đảng, Võ Văn Tần nhanh chóng phát triển tổ chức này, bắt đầu từ những anh em, thân hữu như Võ Văn Tây, Võ Văn Ngân, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Thỏ, Nguyễn Văn Ngọc, Huỳnh Văn Bài,… và trở thành người lãnh đạo phong trào cách mạng ở khu vực Hóc Môn - Đức Hòa.
Ông Nguyễn Văn Thỏ (anh em cô cậu với đồng chí Võ Văn Tần) cũng là người có tinh thần yêu nước. Từ khi gia nhập Thanh niên Cao vọng đảng, ông bỏ tiền tập hợp lực lượng đến khu vực Giồng Ông Bạn, xã Bình Thành (nay thuộc huyện Đức Huệ) để khai khẩn đất hoang, tạo cơ sở kinh tế phục vụ hoạt động cách mạng. Ông còn đi khắp nơi trong tỉnh tổ chức nhiều hội đình, hội miễu nhằm tập hợp nhân dân để khơi dậy tinh thần yêu nước, tuyên truyền, cổ động mọi người đứng lên đánh Tây, giành lại đất nước. Miễu Giồng Đế (Đức Hòa), miễu Giồng Cây Xoài (Đức Huệ), miễu Phước Vân, Phước Lợi (Cần Đước),… đều do ông đứng ra vận động thành lập trong thời gian 1925-1929. Ngôi nhà của ông ở xóm Giồng Da (Đức Hòa) là nơi lui tới của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, đồng chí Võ Văn Tần và những người yêu nước trong vùng để bàn “quốc sự”.
Năm 1927, Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã phát triển tổ chức đến Đức Hòa. Đồng chí Võ Văn Tần nhanh chóng bắt liên lạc và tìm hiểu về tôn chỉ, mục đích, đường lối của Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí. Qua tìm hiểu, đồng chí Võ Văn Tần đã nói: “Thời đại ngày nay chỉ thấy con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là con đường tương lai xán lạn nhất. Tôi đang theo dõi từng bước chân của Nguyễn Ái Quốc. Cái tên mới nghe qua một lần mà tôi có cảm tình kính mến làm sao”. Từ nhận thức ấy, Võ Văn Tần đã gia nhập Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí và chuyển tổ chức Thanh niên Cao vọng đảng ở Hóc Môn - Đức Hòa thành Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí.
Tháng 5/1929, Hội nghị đại biểu Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí họp ở Hương Cảng để bàn việc thành lập Đảng Cộng sản. Nhưng do chưa thống nhất được quan điểm nên ba đoàn đại biểu đại diện cho ba kỳ trở về nước để thành lập tổ chức đảng riêng của mình. Đồng chí Châu Văn Liêm - Ủy viên Tổng bộ Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí, về Nam kỳ thành lập An Nam Cộng sản đảng. Địa bàn Đức Hòa là nơi có nhiều hội viên của Thanh niên Cao vọng đảng và Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí được đồng chí Châu Văn Liêm đặc biệt chú ý. Vì thế, đồng chí Châu Văn Liêm đã về Đức Hòa gặp đồng chí Võ Văn Tần để bàn việc thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản đảng trên cơ sở những hội viên tích cực của Thanh niên Cao vọng đảng và Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí. Tháng 8/1929, Chi bộ An Nam Cộng sản đảng ở Đức Hòa được thành lập gồm 7 đảng viên, do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư.
Cuối tháng 02/1930, sau khi tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng, đồng chí Châu Văn Liêm về Sài Gòn mở lớp tập huấn triển khai nghị quyết của hội nghị. Sau khi tham dự lớp tập huấn này, đồng chí Võ Văn Tần đã về Đức Hòa khẩn trương xúc tiến công tác thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 06/3/1930 (mùng 07/02 năm Canh Ngọ), đồng chí Võ Văn Tần đã triệu tập cuộc họp bí mật tại nhà ông Hương bộ Nguyễn Văn Thỏ, thống nhất tuyên bố chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản đảng làng Đức Hòa thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Đức Hòa. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Long An ngày nay. Chi bộ này có 7 đảng viên do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư. Những đảng viên trong chi bộ đầu tiên này đều là họ hàng, thân tộc của nhau. Các đồng chí Võ Văn Tần, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Võ Văn Ngân là anh em ruột, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Thỏ là anh em ruột, đồng chí Võ Văn Tần và Nguyễn Văn Thỏ là anh em cô cậu. Chi bộ đã ra Nghị quyết: “Lấy thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga làm nội dung vận động vực dậy tinh thần quần chúng, đồng thời ráo riết phát triển tổ chức trước tiên ở những nơi có cơ sở quần chúng tốt như Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh, tiến tới thành lập Quận ủy”. Trong tháng 3 và tháng 4-1930, các đồng chí đã thành lập hai chi bộ ở quận Đức Hòa là Chi bộ Hựu Thạnh (7 đảng viên, đồng chí Huỳnh Văn Chiêu làm Bí thư), Chi bộ Mỹ Hạnh (13 đảng viên, đồng chí Mai Văn Chiên làm Bí thư). Trong vòng ba tháng, từ chi bộ đầu tiên ở làng Đức Hòa, tổ chức Đảng ở Đức Hòa đã phát triển lên 3 chi bộ với 27 đảng viên. Tháng 5-1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Thỏ làm Phó Bí thư.
Sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của làng Đức Hòa và Quận ủy Đức Hòa đã thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Ngày 04-6-1930, thực hiện chủ trương của Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định, Quận ủy Đức Hòa do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư đã lãnh đạo, huy động hàng ngàn người trong quận tiến về quận lỵ biểu tình chống sưu cao, thuế nặng và chống đàn áp. Xuất phát trên những ngả đường khác nhau từ các xã: Bình Hòa, Thạnh Lợi, Hòa Khánh, Hựu Thạnh, Lương Hòa, Đức Hòa, Đức Lập, Mỹ Hạnh,… các đoàn gặp nhau tại khu vực ngã tư Đức Hòa vào lúc 17 giờ, cùng tiến về Dinh quận đòi gặp Quận trưởng Huỳnh Văn Đẩu (còn gọi là Sành) để đưa ra các yêu sách. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, quận Sành rất khiếp sợ, không dám trực diện với nhân dân nên phải xin điều binh tiếp viện. Đến 20 giờ, lực lượng tiếp viện của địch từ hướng Chợ Lớn kéo đến, trong đó có cả cảnh sát Hóc Môn, Chợ Lớn và 20 lính mã tà của Sở Cảnh sát Sài Gòn do tên cò Dreuil chỉ huy. Quận Sành liền ra lệnh giải tán đoàn biểu tình, đe dọa quần chúng và truy xét để tìm người cầm đầu cuộc biểu tình. Trước sự hung hăng của kẻ địch, tinh thần của quần chúng không hề nao núng, vẫn tiếp tục siết chặt tay nhau tiến lên. Tên cò Dreuil ra lệnh bắn xả vào đoàn người, vài người đi đầu đã ngã xuống trước tầm súng địch trong tiếng la thét phẫn nộ của quần chúng. Trong tình thế căng thẳng trên, đồng chí Châu Văn Liêm nhanh chóng tiến lên phía trước gặp tên cò Dreuil để đưa bản yêu sách, đồng thời trực tiếp tranh luận vạch trần những hành động dã man và tội ác của địch bằng vốn tiếng Pháp thông thạo. Cuộc tranh luận kéo dài khoảng 15 phút thì bất ngờ tên cò Dreuil rút súng lục bắn vào ngực đồng chí Châu Văn Liêm. Người lãnh đạo cuộc biểu tình đã anh dũng hy sinh.
Đoàn biểu tình vô cùng phẫn nộ, xông lên tiếp tục đấu tranh. Trước tình thế ấy, bọn lính tiếp tục nã súng làm nhiều người chết và bị thương. Đến khi địch điều thêm lực lượng, bắt khoảng 100 người trước sự thị thực của Thống đốc Nam kỳ và Chủ tỉnh Chợ Lớn Renault thì cuộc biểu tình mới chấm dứt.
Cuộc biểu tình ngày 04/6/1930 bị dìm trong biển máu nhưng đã gây chấn động lớn thời bấy giờ. Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh Chợ Lớn năm 1930. Nó chứng minh cho khả năng lãnh đạo, vận động quần chúng đấu tranh của Đảng và niềm tin một lòng theo Đảng của người dân Đức Hòa. Trong đó, vai trò của Chi bộ Đảng Cộng sản làng Đức Hòa và đồng chí Võ Văn Tần là hết sức quan trọng, có tính chất quyết định. Từ hạt nhân đầu tiên này, các tổ chức Cộng sản đã phát triển khắp nơi trong tỉnh và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ (1930-1975), góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.
Là nơi ghi dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Long An, di tích Nhà ông Bộ Thỏ đã ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tỉnh nhà. Từ đây, phong trào đấu tranh yêu nước, chống xâm lược của nhân dân trong tỉnh bước sang thời kỳ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Nơi đây còn là địa điểm ghi dấu hoạt động của những lãnh tụ cách mạng như Nguyễn An Ninh (người sáng lập tổ chức Thanh niên Cao vọng đảng), Võ Văn Tần (Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ), Võ Văn Ngân (1 trong 9 Ủy viên Trung ương Đảng của Đại hội Đảng toàn quốc lần I, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ), Châu Văn Liêm (1 trong 6 đại biểu của Hội nghị thành lập Đảng ngày 3/2/1930),… Với ý nghĩa ấy, Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nhà ông Bộ Thỏ xứng đáng là địa chỉ đỏ trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh Long An và công tác giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, mai sau./.