Có một Điện Biên Phủ bằng âm nhạc

Hình ảnh về một Điện Biên Phủ hùng tráng được khắc họa bằng âm nhạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mãi là những trang sử sáng chói của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2021), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về giá trị trường tồn của các tác phẩm âm nhạc thời kỳ này.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về các tác phẩm âm nhạc được ra đời trong giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam?

NSND Phạm Ngọc Khôi: Nói đến giai đoạn kháng chiến chống Pháp phải kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: Trường ca sông Lô, Du kích sông Thao, Giải phóng Điện Biên, Hò kéo pháo...Tôi nghĩ rằng, âm nhạc luôn đồng hành cùng dân tộc. Đây giai đoạn tập trung nhiều tài năng của nền âm nhạc Việt Nam.

Lúc đó các nhạc sĩ không phải chỉ biết mỗi âm nhạc mà rất giỏi cầm, kỳ, thi, họa. Phải khẳng định rằng, tầm văn hóa của các nhạc sĩ thời kỳ đó rất lớn. Nhiều nhạc sĩ không chỉ là một người viết nhạc chuyên nghiệp mà còn là một nhà văn hóa. Họ là bức tranh lớn trong tổng thể phát triển của lịch sử dân tộc.

NSND Phạm Ngọc Khôi biểu diễn trích đoạn một số sáng tác của các nhạc sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Bằng tài năng của mình, các nhạc sĩ đã dùng âm nhạc để góp phần lan tỏa rất nhanh tinh thần chiến đấu trong toàn quân, toàn dân ta.

Trong giai đoạn đó rất cần các loại hình nghệ thuật không chỉ phản ánh khát vọng của một nhạc sĩ mà còn nói lên khát vọng của một dân tộc luôn hướng đến con đường độc lập tự do. Lúc đó âm nhạc không phải là để vui chơi mà âm nhạc là một “vũ khí”, là động lực và có sức mạnh rất lớn.

Mặc dù khi đó, tuổi đời của các nhạc sĩ đều còn rất trẻ nhưng đã có những sáng tác thể hiện sức sống mãnh liệt: Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi viết “Người Hà Nội”, “Diệt phát xít” mới hơn 20 tuổi; Đỗ Nhuận viết “Giải phóng Điện Biên”, “Du kích sông Thao” cũng chỉ ngoài 20 tuổi; Hoàng Vân đến năm 1954 viết “Hò kéo pháo” cũng vậy. Những kiệt tác đó sẽ mãi trường tồn cùng thời gian.

PV: Hình ảnh các dòng sông của Việt Nam được nhắc đến rất nhiều trong tác phẩm của các nhạc sĩ thời kỳ này, cảm nhận của ông về các tác phẩm đó ra sao?

NSND Phạm Ngọc Khôi: Nhắc đến giai đoạn kháng chiến chống Pháp phải kể đến hai tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao là “Trường ca sông Lô” và “Làng tôi. Nếu như tác phẩm “Làng tôi” thể hiện nét bình dị thì “Trường ca sông Lô” thể hiện tầm vóc lớn lao,“Dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi, mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ôm bóng tre, dòng sông Lô trôi”, đó là thể hiện hy vọng của mùa xuân và chiến thắng sông Lô, đó là nguồn động viên, niềm tự hào của quân và dân Việt Nam.

 NSND Phạm Ngọc Khôi đang chỉ huy dàn nhạc. Ảnh: Tạp chí Nhiếp ảnh.

NSND Phạm Ngọc Khôi đang chỉ huy dàn nhạc. Ảnh: Tạp chí Nhiếp ảnh.

Viết về sông Lô còn có nhiều nhạc sĩ khác như Nguyễn Đình Phúc viết “Chiến sĩ Sông Lô”; Lương Ngọc Trác viết bài “Lô giang”... đó là những tác phẩm để đời cho nền âm nhạc Việt Nam. Những tác phẩm đó có giá trị lâu bền bởi không bị ước lệ bởi không gian và thời gian. Giá trị của tác phẩm âm nhạc hay ở chỗ tính tư tưởng phải rộng lớn, chứ không phải chỉ thể hiện khái quát chung.

Trong kháng chiến chống Pháp có 3 dòng sông được các nhạc sĩ sáng tác nhiều là: Sông Lô, sông Thao, sông Hồng. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có “Du kích sông Thao”; về sông Hồng thì lúc đó nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi viết “Người Hà Nội”; nhạc sĩ Nguyễn Thành thể hiện niềm tin vào chiến thắng của dân tộc qua ca khúc “Cảm xúc tháng 10”, “Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu/Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại/Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi/Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca”.

PV: Khi nghe các tác phẩm của những nhạc sĩ sáng tác thời kỳ đó, ông có nghĩ rằng âm nhạc mang tính dự báo không?

NSND Phạm Ngọc Khôi: Tôi cho rằng âm nhạc thời kỳ đó dường như có tính chất tiên lượng trước và dự báo. Điều đó thể hiện sự sáng tạo của các nhạc sĩ đã hòa chung thơ và nhạc để tương hỗ với nhau, tạo ra tác phẩm đặc sắc. Hơn nữa, âm nhạc lúc đó như là một “vũ khí”. Những ca từ trong bài hát “Sẽ về Thủ đô” của nhạc sĩ Huy Du dường như khẳng định niềm tin, hy vọng vào ngày mai chiến thắng “Ai về thủ đô tôi tôi gửi vài lời/Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó/Đây chợ Đồng Xuân trên dòng Nhị Hà/Đi học về qua luôn hát vui ca”.

NSND Phạm Ngọc Khôi.

NSND Phạm Ngọc Khôi.

PV: Ông đánh giá thế nào về tính lan tỏa của âm nhạc trong giai đoạn này?

NSND Phạm Ngọc Khôi: Tính lan tỏa là một lợi thế của âm nhạc. Âm nhạc đã tiếp bước, như tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ ở chiến trường. Trên chặng đường hành quân, bộ đội ta vừa đi vừa hát “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua/Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/Về đây giải phóng quê nhà”, đó ca từ trong bài hát “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành. Rõ ràng bản nhạc “quân ca” này như để khẳng định ý chí và sức mạnh quân dân, khát vọng cống hiến. Âm nhạc có sự kết nối, giá trị lâu bền chính là ở chỗ đó. Giá trị của tác phẩm là có sức sống mãi trong lòng người nghe.

Lúc đó các nhạc sĩ sáng tác không phải để mong tác phẩm của mình biểu diễn trên sân khấu mà chính là để đồng bào mình nghe, chiến sĩ mình nghe. Ở trong chiến khu, nhạc sĩ Văn Cao viết “Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về”. Các nhạc sĩ thời kỳ đó đã có những dự báo về âm nhạc, thể hiện khát vọng về ngày chiến thắng của dân tộc, dường như âm nhạc đã đi trước để thúc đẩy ý chí của toàn dân.

Ngoài ra, hình ảnh “lãng mạn cách mạng” trong âm nhạc thể hiện rất rõ trong sáng tác “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận:“Từng đàn bướm trắng kéo lá ngụy trang/Từng đàn bươm bướm trắng rỡn lá ngụy trang/Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc/Đồng bào nao nức mong đón ta trở về”. Vào thời điểm kéo pháo vào Điện Biên vất vả, hiểm nguy mà vẫn có những hình ảnh lãng mạn đẹp đến thế...

PV: Ông nghĩ sao về tính kế thừa và phát huy giá trị của các tác phẩm âm nhạc thời kỳ kháng chiến chống Pháp?

NSND Phạm Ngọc Khôi: Văn hóa nghệ thuật đồng hành cùng dân tộc. Các nhạc sĩ thời kỳ đó hầu như là tự truyền đạt kiến thức cho nhau là chính chứ chưa có trường lớp đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp nào giảng dạy nhưng đã sáng tác ra những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật lớn.

Chúng ta rất tự hào trong khoảng 9 năm kháng chiến, các nhạc sĩ tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có những tác phẩm mang tính trường tồn. Các nhạc sĩ đã tỏa sáng bằng những tác phẩm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thì thế hệ kế tiếp lại tiếp tục kế thừa và phát triển những gì mà thế hệ trước đã tạo dựng lên. Trong đó phải kể đến những sáng tác nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như: “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân; “Tiếng nói Hà Nội” của nhạc sĩ Văn An’’; “Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh...

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những tác phẩm thể hiện khát vọng hòa bình, niềm tin vào chiến thắng của các nhạc sĩ sẽ mãi là những ca khúc nằm lòng đối với thế hệ hôm nay và mai sau.

PV: Xin cảm ơn NSND Phạm Ngọc Khôi về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/co-mot-dien-bien-phu-bang-am-nhac-658882