Có một đội bóng cửa Bảo Lâm vô địch tỉnh
Đội bóng cửa Người cao tuổi huyện Bảo Lâm lại vừa giành thêm một danh hiệu vô địch cấp tỉnh nữa tại Hội thao Người cao tuổi Lâm Đồng năm 2020 vừa diễn ra trong tháng 10 vừa qua tại Đà Lạt. Đây là danh hiệu vô địch tỉnh lần thứ 2 của đội bóng cửa này.
Những tay gậy “lão làng”
Áo quần gọn gàng, chân mang giày vải thể thao, đầu đội mũ vải che nắng, lưng mang túi gậy, trông bà Danh Thị Pha, người Tổ 9, Lộc Thắng, Bảo Lâm, như một “Gôn thủ” đang đi thi đấu giải Gôn (Golf). Nhưng không, bà đang chơi bóng cửa.
Năm nay 62 tuổi, bà Pha đã chơi môn bóng cửa này được 3 năm. Lúc đầu theo lời giới thiệu của người quen, bà thử đến sân, cũng có chút tò mò, nhưng rồi khi làm quen với môn thể thao này, bà lại đâm mê và đánh rất tốt. Nhờ đánh tốt, bà được mời vào Đội tuyển Người cao tuổi (NCT) huyện Bảo Lâm để thi đấu tại Hội thao NCT cấp tỉnh.
“Không khó đánh lắm đâu”- bà Pha cười bảo tôi. Đúng là mới nhìn thì có vẻ rối mắt vì đánh bóng chạy qua chạy lại trên sân, nhưng khi tìm hiểu thì quả thật không khó lắm. Bóng cửa vừa giống “Bida - Billiards”, vừa giống Gôn, nghĩa là cũng có các quả bóng đánh số trên sân như Bida số và thay vì đánh bóng vào lỗ như Gôn thì lại đánh bóng chạy qua cửa nhỏ trên đất.
Một cách ngắn gọn, người chơi chia làm 2 đội, mỗi đội 5 người. Các tay gậy trên sân như bà Pha chẳng hạn, dùng một chiếc búa cán dài bằng gỗ (hay nhựa) để đánh các quả bóng trên sân, mỗi người một bóng theo số và theo màu của đội mình. Người chơi cứ đứng ngoài biên đợi sẵn, đến lượt mình sẽ vào sân đánh bóng, mục tiêu là đưa bóng lần lượt lọt vào 3 ô cửa nhỏ trên sân (nên gọi là bóng cửa) rồi kết thúc ván đấu bằng cách đánh trúng lá cờ nhỏ cắm giữa sân để ghi điểm.
Nhưng cũng giống như Bida, trên đường chơi nếu thấy có bóng đối phương thì người chơi được quyền đánh bóng của đối phương văng ra ngoài biên. Khi bóng văng ra biên, đối phương buộc phải chơi lại từ đầu. Chung cuộc, đội nào ghi nhiều điểm hơn sẽ thắng.
Cùng với bà Pha, trong đội tuyển bóng cửa, Bảo Lâm còn có những “tay gậy” nữ cũng chơi tốt không kém như bà Hoàng Thị Miên, 67 tuổi, người Thôn 4, xã Lộc An; hay như bà Ngọ Thị Nga, 73 tuổi, người Thôn 8 cũng xã Lộc An. Bà Miên chơi bóng cửa đã 7 năm, nhiều lần được “triệu tập” vào đội tuyển NCT huyện, từng giành được 3 Huy chương (HC) Vàng, 1 HC Bạc, 1 HC Đồng của cấp huyện và cấp tỉnh. Còn bà Nga dù lớn tuổi nhưng đã có đến 10 năm thi đấu, chơi rất hay, hầu như khi có giải tỉnh bà lại được chọn vào đội tuyển, đến nay bà đã có 3 HC Vàng, 2 HC Bạc giải tỉnh và giải huyện.
Niềm vui của thể thao
Lần ngược lịch sử, nếu muốn xem, chơi môn bóng cửa hay “Croquet” này phải sang tận châu Âu của những thế kỷ trước. Đây là môn chơi của những người đẳng cấp trong xã hội lúc đó, nhà phải có sân vườn với bãi cỏ đủ rộng để chơi. Những khi có dịp tiệc tùng, làm tiệc nướng ngoài trời họ tổ chức thi đấu môn này trong vườn như là một hoạt động vận động. Cho đến nay, môn thể thao này vẫn phổ biến tại rất nhiều nước ở châu Âu và Bắc Mỹ; mọi lứa tuổi đều có thể chơi, cả nam nữ có thể thi đấu riêng nhưng cũng có thể thi đấu chung với nhau được. Năm 1986, Liên đoàn Bóng cửa Thế giới (The World Croquet Federation -WCF) được thành lập nhằm mục tiêu quảng bá, khuyến khích phát triển bộ môn này trên thế giới. Cứ vài năm, WCF lại tổ chức các giải quốc tế với rất nhiều quốc gia tham gia.
Nhưng điều lạ là không biết tại sao khi bóng cửa gia nhập vào Việt Nam gần đây lại biến thành một môn thể thao của NCT. Tại Lâm Đồng cũng vậy, bóng cửa được các Hội NCT các huyện, thành chọn phát triển trong hội viên của mình, phong trào mạnh nhất hiện nay là Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Cát Tiên và Bảo Lâm.
Theo ông Hồ Quốc Chí, 66 tuổi, Đội trưởng Đội bóng cửa NCT Bảo Lâm, phong trào chơi bóng cửa từ Bảo Lộc lan vào huyện đã trên 10 năm. Ông chính là một trong những người tiên phong và gắn bó với môn này từ những ngày đầu tại thị trấn Lộc Thắng. “Manh nhất trong bóng cửa tại Bảo Lâm hiện nay là Lộc An rồi đến Lộc Thắng, Lộc Ngãi. Nhiều thôn trong các xã này có các đội bóng cấp thôn, có sân bóng. Còn các xã khác trong huyện cũng đã thành lập đội gần đây” - ông Chí cho biết.
Dễ chơi, không mất nhiều sức nên theo ông Chí, bóng cửa rất phù hợp với NCT địa phương. Chỉ cần một bãi đất trống đủ rộng là chơi được, dụng cụ chơi thì khá đơn giản, chỉ cần mua bóng nhựa cho bóng cửa có đánh số trên thị trường; còn gậy thì mỗi người có thể mua gậy bán sẵn nhưng tốt nhất là nên tự làm. Hầu hết các thành viên trong đội tuyển của ông đều tự nhờ người nhà làm gậy, hầu hết làm bằng gỗ, tùy theo sức đánh của mình mà làm nặng hay nhẹ để dễ điều khiển bóng trên sân. Giá gậy hiện nay khoảng trên dưới 1 triệu đồng/ cây, có cả bao đeo.
Để chơi giỏi môn này, theo ông Chí, cần có sự ăn ý với nhau của các thành viên đội trong từng pha đánh. Tùy theo tình huống đánh để ghi điểm, để tạo điều kiện cho đồng đội mình ghi điểm hoặc để phá bóng đối thủ, ngăn chặn đối thủ ghi điểm.
Ông Chí cho biết, hằng tuần các đội bóng cửa NCT các thôn trong huyện thường tập trung thi đấu với nhau vào dịp cuối tuần. “Dù lớn tuổi, nhiều người con cái đều có gia đình nhưng sống trong vùng nông thôn nên ai ai cũng có việc nhà, chỉ gặp nhau vào cuối tuần, coi như một dịp để thư giãn” - ông Chí nói.
Trên nền phong trào này, Hội NCT Bảo Lâm những năm gần đây đã đưa nội dung bóng cửa vào thi đấu tại các hội thao NCT cấp huyện. Trong năm 2018, Đội tuyển bóng cửa NCT Bảo Lâm được thành lập với 8 thành viên (gồm 4 nam, 4 nữ) do ông Hồ Quốc Chí làm đội trưởng, tập trung tập luyện trong vòng 1 tháng rồi lên đường thi đấu, giành ngay Huy chương Vàng bộ môn này toàn tỉnh. Năm 2020 cũng vậy, họ đã xuất sắc vượt qua đội Bảo Lộc trong trận chung kết để giành Huy chương Vàng lần thứ 2.
Có dịp tiếp xúc với các thành viên trong đội tuyển mới thấy sự hân hoan của họ khi đội giành được huy chương. “Đó là công sức tập luyện chung của mọi người mà” - các thành viên trong đội chia sẻ. Nhưng niềm vui nhất với họ chính là nhờ chơi bóng cửa mà họ giữ được sức khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát, giảm bệnh tật, tự tin trong cuộc sống, được gặp nhau mỗi tuần, được tâm tình chia sẻ buồn vui với nhau. Thể thao thực sự đang mang lại niềm vui cho những người cao tuổi như bà Pha, bà Miên, bà Nga, ông Chí rất lớn.