Có một đội tuyển Olympic người tị nạn đặc biệt ở Paris 2024

Đội tuyển Olympic người tị nạn, biểu tượng hy vọng cho hàng triệu người di tản trên khắp thế giới, đang tham gia Thế vận hội lần thứ ba, lớn nhất từ trước đến nay kể từ lần ra mắt đầu tiên tại Rio 2016, với hy vọng làm nên lịch sử ở Olympic Paris 2024.

Olympic Paris 2024 chào đón một đội tuyển đặc biệt với 37 vận động viên từ 15 quốc gia khác nhau, tham gia thi đấu ở 12 môn thể thao tại Thủ đô nước Pháp với tư cách là thành viên của đội tuyển Olympic người tị nạn thuộc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).

Khởi nguồn của một đội tuyển đặc biệt

Thế vận hội Paris 2024 đánh dấu lần thứ ba đội tuyển Olympic người tị nạn tham gia những ngày hội thể thao lớn nhất thế giới, sau lần ra mắt đầu tiên tại Olympic Rio 2016. Chỉ có 10 vận động viên góp mặt trong đội tuyển hồi 8 năm trước, trong khi 29 vận động viên đã thi đấu tại Tokyo 2020, giúp đội tuyển người tị nạn năm 2024 có lực lượng đông đảo nhất từ trước đến nay.

Đội tuyển Olympic người tị nạn thi đấu dưới lá cờ có 5 vòng tròn Olympic và bài quốc ca của họ chính là Bài thánh ca Olympic. Đội đến Paris 2024 được dẫn dắt bởi Trưởng đoàn Masomah Ali Zada, người từng là thành viên của đội tuyển Olympic người tị nạn tại Tokyo.

 Đội tuyển Olympic đặc biệt trong lễ diễu hành khai mạc Thế vận hội Paris 2024 trên sông Seine. Ảnh: GETTY.

Đội tuyển Olympic đặc biệt trong lễ diễu hành khai mạc Thế vận hội Paris 2024 trên sông Seine. Ảnh: GETTY.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), ông Thomas Bach người Đức đã công bố việc thành lập đội tuyển Olympic người tị nạn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 10-2015 và chỉ chưa đầy một năm sau ra mắt tại Rio 2016.

IOC cho biết đội tuyển này được thành lập nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu khiến hàng triệu người trên thế giới phải di dời. Chủ tịch IOC Thomas Bach chia sẻ: “Đội tuyển Olympic người tị nạn của IOC đã gửi đi một thông điệp tuyệt vời về việc người tị nạn có thể mang lại lợi ích gì cho cộng đồng Olympic và cho toàn xã hội.

Xem các vận động viên này thi đấu là khoảnh khắc tuyệt vời cho tất cả chúng ta, và chúng tôi hy vọng mọi người sẽ nhiệt tình tham gia cổ vũ họ. Các vận động viên được chào đón trong cộng đồng Olympic của chúng tôi, giữa những đồng nghiệp của họ, cùng thi đấu với nhau, sống cùng nhau dưới một mái nhà.

 Chủ tịch IOC Thomas Bach chào đón các vận động viên EOR. Ảnh: GETTY.

Chủ tịch IOC Thomas Bach chào đón các vận động viên EOR. Ảnh: GETTY.

Đây là biểu tượng hy vọng cho tất cả người tị nạn trên thế giới, và sẽ khiến thế giới nhận thức rõ hơn về quy mô của cuộc khủng hoảng này. Nó cũng là tín hiệu gửi đến cộng đồng quốc tế rằng người tị nạn là đồng loại của chúng ta trong sự phong phú của xã hội”.

Những niềm hy vọng huy chương của đội tuyển đặc biệt

Đội tuyển Olympic người tị nạn xuất hiện ở chiếc thuyền thứ hai diễu hành trên sông Seine sau đội Hy Lạp tại buổi Lễ diễu hành khai mạc Thế vận hội Paris 2024. Họ mặc trang phục có chữ viết tắt EOR và lá cờ hình vòng tròn Olympic. Đội tuyển Olympic người tị nạn có một cái tên khác tại Paris so với Rio 2016 và Tokyo 2020: EOR (viết tắt Équipe olympique des réfugiés (Đội tuyển người tị nạn) của tiếng Pháp.

Các vận động viên nam và nữ EOR đại diện cho hơn 100 triệu người phải di dời trên khắp thế giới, sẽ tham gia 12 môn thể thao, bao gồm điền kinh, đạp xe và bơi lội, cùng một nhà vô địch chèo thuyền Olympic đến từ Cuba.

 Nữ võ sĩ taekwondo Dina Pouryounes Lanngeroudi là niềm hy vọng huy chương lịch sử cho EOR. Ảnh: GETTY.

Nữ võ sĩ taekwondo Dina Pouryounes Lanngeroudi là niềm hy vọng huy chương lịch sử cho EOR. Ảnh: GETTY.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach cho biết toàn thế giới sẽ cổ vũ cho đội tuyển Olympic người tị nạn ở Paris 2024. Trong ba năm qua, có 15 Ủy ban Olympic quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Bắc Ireland, Pháp và Mỹ, đã tiếp nhận các vận động viên và cung cấp các điều kiện đào tạo.

Trong số này có võ sĩ quyền Anh Cindy Ngamba, người rời Cameroon năm 11 tuổi để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Anh và kình ngư Alaa Maso, người chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria trước khi định cư tại Đức.

Đội tuyển Olympic người tị nạn vẫn chưa giành được huy chương nào trong hai lần tham dự Thế vận hội trước. Và mùa này, để hội đủ điều kiện tham gia đội tuyển do ban điều hành IOC lựa chọn, các vận động viên phải là người tị nạn từ quốc gia chủ nhà và là vận động viên ưu tú trong môn thể thao của mình.

 Kình ngư Alaa Maso mạnh mẽ trên đường đua xanh. Ảnh: GETTY.

Kình ngư Alaa Maso mạnh mẽ trên đường đua xanh. Ảnh: GETTY.

Nhiều vận động viên trong đội tuyển ở Paris 2024 hy vọng sẽ làm nên lịch sử và trở thành người đầu tiên giành huy chương dưới danh nghĩa đội tuyển Olympic người tị nạn. Có một số vận động viên góp mặt ở Thế vận hội lần thứ hai, bao gồm cả võ sĩ taekwondo Dina Pouryounes Lanngeroudi, người nằm trong tốp 10 thế giới ở hạng cân 46kg nữ.

Chân chạy marathon Tachlowini Gabriyesos hoàn thành đường đua với thời gian 2:14:02 tại Tokyo và về đích ở vị trí thứ 16 cũng mong mỏi cải thiện thành tích tại Paris. Vận động viên đua thuyền buồm nước rút Saeid Fazloula, đứng thứ tám tại giải vô địch thế giới, cũng có nhiều cơ hội tranh huy chương.

GIA HUY - ANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/co-mot-doi-tuyen-olympic-nguoi-ti-nan-dac-biet-o-paris-2024-post802702.html