Có một dòng gốm cổ Sài Gòn xưa
Sản phẩm gốm Cây Mai hầu hết được phủ men độc đáo, thoạt nhìn thô mộc nhưng sâu thẳm sau lớp men ấy ẩn chứa nét công phu trong chế tác, chuẩn trong tạo hình, hài hòa trong bố cục. Nhiều sản phẩm trở nên tuyệt tác, thu hút sự thèm khát của giới sưu tầm đồ gốm cổ, song không phải ai cũng có duyên diện kiến.
Vẻ đẹp chân phương dễ khiến người ta thích thú
Trong dòng gốm cổ Nam bộ, giới sưu tầm vẫn thích săn lùng sản phẩm gốm Cây Mai hơn cả gốm Biên Hòa hay Lái Thiêu. Gốm Cây Mai trông dáng vẻ bên ngoài thô mộc nhưng nhìn sâu bên trong ẩn chứa vẽ đẹp sang trọng. Dòng gốm này đa phần sản phẩm dùng thờ cúng, sản phẩm gia dụng không nhiều và cũng không thật sự nổi bật trên thị trường kể cả ngày trước cho đến bây giờ.
Điều này có thể thấy khá rõ tại ngôi nhà nhỏ của một nhà sưu tầm cổ vật ở phường Tân Thới Hiệp, Q.12, TP HCM.
Theo lời giới thiệu của chủ nhân, chúng tôi đếm được gần 300 món đồ gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa, mà trong đó hầu hết là sản phẩm dùng thờ cúng như tranh, tượng thờ, linh vật, lư hương, bài vị… Một người chơi sưu tập sở hữu chừng đó món đồ gốm kể ra không có gì "ghê gớm", nhưng với người chơi "độc" gốm Cây Mai như anh thì cũng dễ khiến nhiều người đam mê mơ ước.
Tuy vậy, trong câu chuyện dông dài nhà sưu tầm khiêm tốn chia sẻ "gia tài" đồ gốm mình có là do "cơ duyên", không phải tài năng hay tiền bạc mang lại. Anh nói gia đình ngày trước ở ngoài Bắc đã có truyền thống sưu tầm đồ vật cổ xưa. Đến lúc trưởng thành anh vào Sài Gòn những năm đầu 1990, làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài công việc quản lý các đội bay, anh dành phần nhiều thời gian còn lại cho tình yêu gốm sứ. Có nhiều buổi nghỉ trưa bạn bè bắt gặp anh rong ruổi đến những chợ đồ cổ ở Sài Gòn để chiêm ngưỡng, tìm hiểu và giao lưu với giới chơi cổ vật.
Trong một lần lân la ở chợ đồ cổ Lê Công Kiều (Q.1) anh choáng ngợp trong không gian "vàng thau lẫn lộn" mà trong đó rất nhiều món đồ sành sứ rất đẹp. Những chủ hàng ở đây đa số là những người lớn tuổi, tính tình cởi mở, mê thích và rất sành về đồ cổ. Ở đây không chỉ là chợ để buôn bán dịch vụ, mà còn là nơi để thư giãn, chia sẻ kinh nghiệm trong "cái thú đam mê" sưu tập những món đồ mình ưa thích. Từ đó anh nảy sinh ý định chơi đồ gốm sứ nghệ thuật chứ không có ý niệm kinh doanh nên bị nhiều người dè bỉu "cái thằng dở hơi".
Một thời gian khá dài sau đó anh phát hiện ra nhiều người Sài Gòn rất thích sưu tầm các món đồ gốm cổ Nam bộ. Từ đó anh bắt đầu đi sâu tìm hiểu dòng gốm sứ này, đặc biệt là đồ gốm Cây Mai. Càng đi sâu vào đồ gốm Cây Mai anh càng mê mẩn, thôi thúc anh dành nhiều thời gian cho nó bởi vẻ đẹp chân phương, bố cục hài hòa, gần gũi với đời sống người dân đất phương Nam. Nên khi nghe ở đâu có người lưu giữ đồ gốm Cây Mai dẫu xa xôi cách trở anh cũng không ngại tìm đến.
Năm 2007, lần đầu tiên qua giới thiệu của một người quen ở quận 5, anh xuống Cái Bè, Tiền Giang, mua được hai bức tượng Mẫu (tượng Bà) gốm Cây Mai, chiều cao 60cm, giá 30 triệu đồng. Ngay đêm đầu tiên rước hai bức trượng về nhà, hai đứa con 7 tuổi và 10 tuổi của anh bỏ nhà sang hàng xóm ngủ vì không dám ở nhà.
Liên tiếp mấy đêm sau đó cũng vậy, anh sợ quá nên đem hai bức tượng tặng cho một bảo tàng ở TP HCM. Sau đó anh mới tìm hiểu sâu gốc gác của hai bức tượng mới biết được người bán cho anh trước đó họ mua lại từ một người chài lưới trên sông Tiền. Người ngư phủ vớt tượng đem về nhà hương khói nhiều năm mới sang tay cho người khác. Hóa ra chơi cổ vật có những cấm phạm của nó, không phải ai mới chơi cũng biết hết được.
Sau bài học đầu đời có giá 30 triệu đồng, đến giờ anh có trong tay bộ sưu tập khoảng 300 món, toàn gốm Cây Mai, trong đó có nhiều món rất độc đáo.
Chẳng hạn như bức tượng Thúy Hoa Lầu và bức tượng Long Lân Qui Phụng, anh "theo" hai món này hơn 10 năm mới mua được với giá gần 1 tỷ đồng. Hay như bộ tranh Phù Dung Chỉ đi kèm 2 bình gốm, anh nài nỉ phải mất mấy năm thầy giáo Thanh Long ở Bình Dương mới chịu nhượng lại, vì thuộc hàng "độc nhất vô nhị".
Nhưng có lẽ "đỉnh" nhất trong bộ sưu tập của anh đó là bộ tranh bằng sành gồm 3 tấm ghép lại, cũng thuộc dòng gốm Cây Mai. Cách đây mấy năm anh mua được hai tấm lưu lạc tận ngoài Nam Định và một tấm mua ở Sài Gòn. Nguồn gốc bộ tranh theo người bán nói lại là của ngôi đình ở Nam Bộ bị sập, giới thợ xây sửa đình không biết giá trị của chúng nên bán ve chai, từ đó bị lưu lạc.
Theo nhà sưu tập tư nhân, dòng gốm Cây Mai ban đầu do của các nghệ nhân người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn sản xuất, tiêu biểu có các lò Việt Lợi, Hưng Lợi Diêu, Kim Lợi. Đa phần sản phẩm dùng trang trí, thờ cúng như tranh, tượng thờ, phù điêu… còn lại một số ít đồ gia dụng như đôn, chậu cảnh, lu, hũ, bình... nên ngày nay rất dễ nhận thấy chúng còn hiện diện tại các đình, chùa của người Hoa ở Nam bộ.
Thường thì gốm Cây Mai trưng bày kèm với phù điêu mới thật sự nổi bật. Tuy nhiên, đôi khi cũng còn tùy thuộc vào sở thích, giá trị và cách nhìn của người chơi đồ gốm sứ cổ nói chung, gốm Cây Mai nói riêng không ai giống ai.
Mục tiêu săn lùng của giới sưu tầm
Theo TS. Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM, quá trình khai phá vùng đất Nam bộ vào khoảng thế kỷ 17, 18, tạo ra một dòng gốm mới ở vùng đất này, khác với gốm Chu Đậu, Bát Tràng ở vùng Bắc Bộ hay gốm Gò Sành ở Trung Bộ. Dòng gốm Sài Gòn xưa, tức dòng gốm Cây Mai nổi lên như một hiện tượng của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn vào đầu thế kỷ 19.
Đây là dòng gốm thiên về mỹ thuật do nghệ nhân người Hoa ở Chợ Lớn chế tác. Gốm Cây Mai có hai dòng sản phẩm phổ biến: gốm gia dụng (lu, hũ, chậu, nồi, bát, đĩa, ấm…) và gốm mỹ thuật (đôn, tranh tượng thờ, linh vật, lư hương, bài vị…) dùng trang trí đình chùa. Những sản phẩm này vào đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 rất phổ biến trong đời sống cư dân Sài Gòn và cả Nam Bộ. Mỗi năm cho ra lò khoảng 250.000 sản phẩm đủ loại.
Hiện nay loại gốm này vẫn còn lưu dụng tại các cơ sở tôn giáo người Hoa ở khắp Nam Bộ nhưng, nhiều và dễ thấy nhất là tại các chùa và hội quán người Hoa ở TP HCM. Căn cứ vào cội nguồn giới sưu tập, nghiên cứu gốm khu vực Đông Nam bộ còn gọi đây là gốm Sài Gòn nhằm phân biệt với gốm Lái Thiêu và gốm Biên Hòa. Các sản phẩm gốm Cây Mai hầu hết được phủ men độc đáo, thoạt nhìn thô mộc, nhưng ẩn chứa nét công phu trong chế tác, chuẩn trong tạo hình, hài hòa trong bố cục.
Có thể nói nhiều sản phẩm trở nên tuyệt tác, thu hút sự thèm khát của giới sưu tầm đồ cổ. Trong số rất ít những tuyệt tác mà ngày nay nhiều người còn có thể chiêm ngưỡng được là bộ sản phẩm đặc biệt và độc bản của gốm Cây Mai còn nguyên vẹn là tấm Chiếu Bích Cửu Long nằm chính diện nơi Chùa Bà trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM. Tác phẩm này gồm 25 miếng ghép lại, thể hiện 9 con rồng ẩn hiện trong mây rất sinh động và ấn tượng.
Cũng theo TS. Hậu, trong một lần khảo sát cách đây mấy năm, Hội Sử học phát hiện trụ sở của các lò gốm Cây Mai ngày trước gọi là "Đào Lư Hội quán" ở đình Phú Hòa, P.12, Q.6, TP.HCM. Tấm biển này ghi được làm vào năm Giáp Thân (1884), chữ viết do "Bổn hội Mạch Chiếu Minh Thư".
Phát hiện này là bằng chứng cho thấy tính chất phường hội của giới chủ lò và trung tâm sản xuất của gốm Cây Mai. Ngày nay dấu tích còn lại rõ nét nhất của khu vực lò gốm Cây Mai nằm phía sau chùa Cây Mai ở góc đường Hùng Vương - Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11.
Sau khi Pháp chiếm trọn vùng đất Sài Gòn - Gia Định, chùa Cây Mai bị san bằng để xây cất đồn bót và trại lính, khi xây dựng xong chúng vẫn đặt tên đồn Cây Mai. Vào thời kháng Pháp nơi đây từng có những cuộc thư hùng máu đổ thịt rơi giữa nghĩa quân và Pháp.
Người ta bảo, hồn tử sĩ còn uất hận, nên về đêm hồn ma bóng quế hiển lộng quấy phá, người Việt hồi ấy đã đến chùa Giác Viên thỉnh vị trụ trì và 3 nhà sư khác đến lập đàn chay tụng kinh vãng sanh, từ đó các vong hồn tử sĩ mới siêu thoát và không còn quấy phá nữa.
Theo một vị sư ở chùa cổ Giác Viên, quận 11 - nơi đây hiện còn một cây bạch mai cổ thụ được trồng từ thời chùa Giác Viên còn gọi là Viện Quan Âm, đến nay khoảng 300 năm. Cây bạch mai này là một trong số 3 cây bạch mai ngày trước Mạc Cửu đem từ Trung Quốc về tặng cho chùa. Cũng theo vị sư ở chùa cổ Giác Viên, cây bạch mai thứ 2 Mạc Cửu tặng cho một ngôi chùa ở khu vực Chợ Lớn có tên Thiếu Lãnh Tự. Chùa Thiếu Lãnh Tự lúc đó mới xây cất trên nền chùa cũ của người Khmer, chung quanh có hào nước sâu, rộng.
Đến thời Minh Mạng, chùa được trùng tu khang trang. Lúc bấy giờ nơi đây được danh thần Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản dựng một nhà thủy tạ, trên có lầu vọng nguyệt làm nơi đọc sách, ngâm thơ. Chùa Thiếu Lãnh Tự có cây bạch mai, nên về sau dân chúng gọi chùa Cây Mai. Mỗi độ xuân về bạch mai nở rộ, đồng bào quanh vùng đến chùa thưởng mai.
Người dân đất Gia Định khi đó còn gọi nơi đây là thắng cảnh Gò Cây Mai. Tên gọi gốm Cây Mai bắt nguồn từ địa danh này. Ngày trước nơi đây còn có con rạch nhỏ đổ ra rạch Lò Gốm ngày nay, đây được cho là con đường thủy lộ dùng vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm gốm Cây Mai.
Cây bạch mai còn lại Mạc Cửu đem về Hà Tiên (Kiên Giang). Hiện nay cổ thụ bạch mai này vẫn còn tươi tốt, sừng sững trong khu lăng mộ của ông.
Nhân đây cũng xin nói thêm, Cây Mai trong gốm Cây Mai không phải là mai vàng hay mai chiếu thủy mà là cây bạch mai. Khác với nhị độ mai, hay mai trắng ở miền Bắc, bạch mai chỉ nở rộ hoa một lần vào mùa xuân. Hoa có 4 cánh dày, dáng hoa gần giống như hoa cây mù u ở Nam bộ nên còn gọi là mai mù u.
Từng chùm hoa trắng tinh, nhụy vàng, có mùi thơm dễ chịu. Khi trổ hoa cây tự rụng lá. Trong những ngày hoa nở, tán cây bao phủ một màu trắng tinh, mang vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên. Đêm về gió thoảng đưa hương ngào ngạt, lan tỏa cả vùng. Hoa nở chừng hai tuần thì mãn khai nhưng cánh hoa vẫn còn trắng muốt.
Ở Nam bộ ngoài hai cây bạch mai nói trên, còn có một cây bạch mai khác cũng hơn 300 tuổi ở đình Phú Tự, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre. Cây bạch mai này đã được Hội đồng cây Di sản Việt Nam công nhận vào năm 2014.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/co-mot-dong-gom-sai-gon-xua-594690/