Có một Hà Nội mới trên cao nguyên Lâm Đồng
Qua 41 năm người Hà Nội vào xây dựng vùng kinh tế mới, huyện Lâm Hà hôm nay đã tạo cho mình những bước đi và thế đứng vững chắc.
Sau gần 41 năm, những người con Hà Nội mở đất, định cư ở tỉnh Lâm Đồng, vùng đất Lâm-Hà, cái tên nối tình đoàn kết Lâm Đồng - Hà Nội, đã trở thành một huyện trù phú hàng đầu trên cao nguyên Lang Biang. Mỗi dịp kỷ niệm Quốc khánh, kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô, các thế hệ người Hà Nội nơi đây lại ôn chuyện những ngày khai hoang, mở đất gian khó nhưng cũng rất thắm tình, cổ vũ nhau vươn tới trong phát triển kinh tế, xây dựng truyền thống, phong cách Người Hà Nội trên quê mới.
Là 1 trong hàng ngàn thanh niên rời quê hương Thủ đô Hà Nội đến Lâm Đồng để khai hoang vùng đất mới theo chủ trương của Đảng, đã 40 năm qua đi, nhưng với bà Nguyễn Thị Nga, ở thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) hồi ức về ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất hoang vắng này vẫn còn tươi rói.
Lâm Hà ngày nay.
Đó là những chuỗi ngày đầy gian khổ, đối mặt với ruồi vàng, vắt xanh, sốt rét và tàn quân Fulro… nhưng đã không làm nản lòng những người con của Thủ đô. Để rồi giờ đây, đời sống của người dân trên vùng đất đỏ bazan này đã giàu có và sung túc.
“Sau 41 năm, những người Hà Nội vào đây có đầu óc làm ăn, chịu thương chịu khó đã có đời sống ổn định. Không khí, thời tiết, đất đai trong này thuận lợi hơn so với ngoài Bắc nên dễ phát triển kinh tế”, bà Nga cho biết.
Qua 41 năm xây dựng vùng kinh tế mới, 30 năm hình thành và phát triển, huyện Lâm Hà hôm nay đã tạo cho mình những bước đi và thế đứng vững chắc trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài 3 cây trồng chủ lực là cà phê, chè và dâu tằm, rau-hoa sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao cũng từng bước mở rộng diện tích và phát triển, nâng giá trị bình quân trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp đạt hơn 200 triệu đồng/năm.
Nếu năm 2007, tổng thu nhập bình quân đầu người của huyện Lâm Hà chỉ đạt 10 triệu đồng, thì đến nay đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện chỉ còn 1,5% hộ nghèo, các chính sách an sinh xã hội luôn thực hiện tốt, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, ở Khu phố Đông Anh 2, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, kết quả này là cả một quá trình vượt qua nhiều khó khăn của cán bộ và nhân dân trên vùng kinh tế mới. Trong đó, có sự đoàn kết, gắn bó hài hòa và mật thiết của những người con Thủ đô với cộng đồng dân tộc bản địa Tây Nguyên. Đây là minh chứng cụ thể khẳng định những quyết sách đúng đắn của Trung ương trong việc đưa dân đi xây dựng kinh tế mới trên vùng đất đỏ bazan này.
“Chủ trương của Đảng và Nhà nước đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở khu vực Lâm Hà là hoàn toàn phù hợp. Người dân ở đây hầu như các gia đình đều có thu nhập cao và ổn định, đó chính là minh chứng rõ nét nhất”, ông Hùng nói.
Còn bà Nguyễn Thị Mão, Phó Bí thư Đoàn vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng những năm 1976-1978 cho rằng, vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Đồng hôm nay đã trở thành một vùng đất giàu tiềm năng, trù phú và phát triển. Nó như một Thủ đô trên cao nguyên bởi có các địa danh Ba Đình, Đống Đa, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Hoàn Kiếm… được đặt cho những tên làng, tên xã. Ngay cả cái tên Lâm Hà cũng là sự kết hợp khăng khít giữa hai địa phương Lâm Đồng và Hà Nội trên vùng cao nguyên đất đỏ bazan này.
“Sau 41 năm huyện Lâm Hà phát triển quá nhanh và mang dáng vóc của Thủ đô Hà Nội, từ quang cảnh cho đến nhà cửa và con người. Những người Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới nơi đây thật đáng khâm phục”, bà Mão chia sẻ.
Huyện Lâm Hà phát triển nhanh và mang dáng vóc của Thủ đô Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), tiềm năng và thế mạnh của địa phương hiện vẫn còn nhiều, huyện sẽ còn phát triển giàu mạnh hơn. Hiện địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng hoàn thiện hạ tầng cơ sở, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, ưu tiên trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ để đưa huyện Lâm Hà phát triển theo hướng bền vững.
“Trong thời gian tới, huyện Lâm Hà tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chiến lược từ khâu quy hoạch phát triển sản xuất cho đến hạ tầng kinh tế xã hội, kể cả công tác cán bộ để tạo mọi điều kiện thông thoáng, thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện, có khả năng đầu tư vào sản xuất, đời sống tại huyện Lâm Hà”, ông Tài nêu rõ.
Nhân kỷ niệm 72 năm ngày Quốc khánh, 63 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2017), những người con Hà Nội trên vùng đất đỏ bazan Lâm Hà – Lâm Đồng đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó để răn dạy con cháu mãi luôn ghi nhớ đến cái tình, cái nghĩa và sự tri ân của lớp người đi trước nhằm phấn đấu xây dựng quê hương mới này ngày càng giàu đẹp hơn./.
Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên
Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/co-mot-ha-noi-tren-cao-nguyen-lam-dong-665924.vov