Có một Hoàng Anh Tuấn đậm chất chèo quê hương
Nghe tên Hoàng Anh Tuấn đã lâu, cũng nhiều lần thấy tên anh gắn với những bài thơ, truyện ngắn được đăng tải trên các trang báo, nhất là được đọc truyện ngắn 'Tiếng trống chèo đêm Xuân', tôi cảm nhận được tình yêu sâu đậm của tác giả này dành cho quê hương và nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là chèo.
Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn, hiện công tác tại Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Lào Cai, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là một trong những tác giả nổi bật của thế hệ 8X. Anh bén duyên với nghiệp viết bằng những bài thơ học trò hồn nhiên, trong sáng được đăng đều đặn trên báo Thiếu niên Tiền phong vào đầu thập niên trước. Anh cũng từng có ý định thi vào Trường viết văn Nguyễn Du để thỏa niềm ao ước sống trọn với đam mê viết lách. Nhưng rồi, do định hướng gia đình nên sau rất nhiều đắn đo, cuối cùng, Hoàng Anh Tuấn đã chọn trở thành chiến sĩ công an. Môi trường kỷ luật, kỷ cương không khiến anh xa rời nghệ thuật, mà trái lại, tâm hồn nghệ sỹ Hoàng Anh Tuấn lại càng nồng đượm, xốn xang, da diết.
Thơ là niềm đam mê lớn, là tiếng lòng của tác giả trẻ, ngoài ra còn có truyện ngắn. Đặc biệt là nghệ thuật chèo của quê hương ẩn chứa trong những áng thơ, trang viết của anh đã tạo nên nét riêng của Hoàng Anh Tuấn.
Tôi đam mê những làn điệu chèo từ những ngày thơ bé. Khi Đoàn chèo Hà Nam Ninh, Đoàn chèo Thái Bình về quê diễn, tôi dành dụm những đồng bạc lẻ để mua vé hoặc cùng lắm thì… trốn vé để được xem chèo. Thường thì tôi say sưa nhập hồn vào các nhân vật trên sân khấu, thậm chí còn muốn bỏ đi theo đoàn chèo. Trong giấc mơ của tôi những ngày thơ bé luôn thấy có tiếng trống chèo vọng về đầy thúc giục, náo nức.
- Hoàng Anh Tuấn -
Hoàng Anh Tuấn sinh ra ở làng Hoành Nha - cửa ngõ của huyện Giao Thủy (Nam Định). Từ nhỏ, anh đã được nghe bà nội kể về gánh chèo nức tiếng một vùng của làng quê anh. Những nghệ sỹ chèo của làng không chỉ diễn quanh làng lúc hội hè, khi nông nhàn, mà còn có thể “ăn cơm thiên hạ”. Điều đó phần nào cho thấy sự chuyên nghiệp của những nghệ sỹ - nông dân làng chèo Hoành Nha. Nhờ sinh ra và lớn lên ở một làng quê như thế nên chèo đã ngấm vào máu thịt anh từ nhỏ. Hoàng Anh Tuấn từng viết trong bài thơ Chim xanh: “Tôi lớn lên bằng Truyện Kiều bà kể/Điệu đường trường bà đã hát ru tôi/Lời mẹ lời bà phù sa bên bồi/Cứ đắp mãi vào lòng tôi bên lở”.
Tình yêu chèo được anh đưa vào nhiều bài thơ, truyện ngắn, tiêu biểu như truyện “Tiếng trống chèo đêm Xuân” đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.
Bạn đọc Nguyễn Hồng Loan ở phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) tâm sự: Tôi đã đọc nhiều bài thơ và truyện ngắn của Hoàng Anh Tuấn, nhưng đọc “Tiếng trống chèo đêm Xuân”, tôi mới cảm nhận được một Hoàng Anh Tuấn đậm chất quê hương. Từng lời văn của anh ấy cho thấy sự am hiểu, tường tận về chèo, cũng như tình yêu anh ấy dành cho nghệ thuật chèo cổ.
Yêu những làn điệu chèo quê hương từ bé nên Hoàng Anh Tuấn luôn mong muốn có thể tự mình làm soạn giả và ca được những bài chèo tâm đắc. Anh từng thầm ước có ngày thơ của mình được hát lên. Thế rồi, khi bài hát văn: “Mật mía Đồng Trạ” được soạn giả Mai Văn Lạng chuyển thể từ bài thơ của anh và phát trên chương trình dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam thì Hoàng Anh Tuấn thực sự mãn nguyện. Thơ của anh còn được phổ thành các bài hát chèo, hát xẩm, cả hát bài chòi. Chính nhờ được nghe nhiều và hát theo rồi tự chuyển thể thơ mình theo các làn điệu chèo, hát văn khiến Hoàng Anh Tuấn như tìm được chính mình với đam mê chèo và nghệ thuật dân tộc.
Tôi không thực hiện được đam mê trở thành một nghệ sỹ chuyên nghiệp nhưng tôi yêu chèo và thể hiện tình yêu ấy theo cách của mình, đó là viết lời mới cho những làn điệu chèo. Tôi thường làm thơ rồi chuyển thể sang hát chèo, vì lời thơ vốn đã trau chuốt, mài giũa nên khi chuyển thể sang chèo rất thuận lời. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại yêu mến văn hóa truyền thống đến thế? Ngoài chèo, tôi cũng rất thích quan sát và tìm hiểu hát văn, hát xẩm, hát xoan, dân ca quan họ, ca trù, tuồng…
- Hoàng Anh Tuấn -
Hoàng Anh Tuấn từng thổ lộ, chính sự rời xa quê hương thuở ấu thơ khiến tâm tưởng anh luôn đau đáu hướng về nguồn cội, về nơi chôn nhau, cắt rốn bằng niềm thổn thức. Anh coi trọng sự giáo dục văn hóa truyền thống của gia đình từ khi sinh ra đến khi trưởng thành chính là dòng chảy để nghệ thuật truyền thống như một mạch nguồn trong trẻo và tươi mát tưới đẫm tâm hồn mình. Đó là bản sắc riêng để anh không bị trộn lẫn, hòa tan trong thế giới rộng lớn này.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/co-mot-hoang-anh-tuan-dam-chat-cheo-que-huong-post367675.html