Có một 'Không gian văn hóa Bác Hồ' trong đôi mắt trẻ thơ
Từ ánh mắt trong veo, qua những câu chuyện sôi nổi, hồn nhiên của những đứa trẻ, hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật gần gũi và kính yêu biết mấy… Đã lâu rồi, ở góc sân trường Tiểu học Phú Hòa 3 (TP.Thủ Dầu Một) có một 'Không gian văn hóa Bác Hồ' trực quan sinh động như thế, nơi sự kính yêu, lòng biết ơn của thế hệ thiếu nhi dành cho Bác ngày càng nhiều hơn, nơi tình yêu quê hương đất nước và lý tưởng đẹp đẽ của các em đang được cô Lê Thị Kim Thúy, Hiệu trưởng nhà trường từng ngày vun đắp…
Các em học sinh trường Tiểu học Phú Hòa 3 tham quan, học tập và trải nghiệm tại “Không gian văn hóa Bác Hồ” của nhà trường
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng…”
Một buổi sáng đầu thu, chúng tôi bước vào sân trường Tiểu học Phú Hòa 3, rộn ràng bên tai là giai điệu một ca khúc thiếu nhi quen thuộc: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam…”. Đó chính là tiếng hát trong veo đầy tình cảm của các học sinh đang có mặt tại “không gian văn hóa Bác Hồ” trong khuôn viên trường Tiểu học Phú Hòa 3.
“Không gian văn hóa Bác Hồ” được bố trí trang trọng tại vị trí trung tâm ở sân trường, nơi mà các em học sinh và giáo viên đều có thể tiếp cận để tìm hiểu về Bác. Chỉ khoảng 30m2, “Không gian văn hóa Bác Hồ” được trang trí, xây dựng bằng vật liệu gần gũi với thiên nhiên như tre, gỗ vốn dĩ là những vật dụng thân thuộc trong sinh hoạt của Bác lúc sinh thời. Nối tiếp “Không gian văn hóa Bác Hồ” là khoảng không gian xanh để các em học sinh thực hành các tiết học mỹ thuật, vẽ tranh về Bác trong niềm yêu thương, kính trọng, biết ơn vô bờ bến.
Tại đây, các em học sinh được tận mắt quan sát, chạm vào những vật dụng thân quen, giản dị đã gắn bó với cuộc đời vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Đó là đôi dép râu, chiếc nón tai bèo, những tác phẩm do Bác sáng tác, những hình ảnh, bài viết, đặc biệt là những tư liệu về Bác có liên quan đến thiếu nhi… Một số hình ảnh trực quan sinh động được trang trí đẹp mắt như Bến cảng Nhà Rồng, Nhà sàn Bác Hồ, Lăng Bác, Hang Pác Pó - Suối Lênin… cùng các tác phẩm, bài viết, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác được trình bày sinh động, lôi cuốn để học sinh có thể nghiên cứu và học tập.
Sau khi đọc to lời căn dặn của Bác trong “5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi” và giới thiệu về bức tranh do chính em vẽ về Bác Hồ, em Nguyễn Thảo Nguyên, học sinh lớp 4/6 chia sẻ: “Từ khi trường em có “Không gian văn hóa Bác Hồ”, em đã có thói quen đến đây tìm hiểu những câu chuyện hay, ý nghĩa về Bác. Nhờ vậy mà giờ em đã hiểu hơn về tình cảm yêu thương mà Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng. Vào những ngày nghỉ hè, em cũng nhờ ba mẹ chở lên trường để tham gia các khóa trải nghiệm, tìm hiểu thêm về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Chúng em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.
Em Nguyễn Thảo Nguyên, học sinh lớp 4/6 trường Tiểu học Phú Hòa 3 giới thiệu bức tranh Bác Hồ do chính em vẽ
Tâm huyết của một cô giáo
Để có được một “Không gian văn hóa Bác Hồ” vừa trang trọng nhưng vẫn gần gũi, thân thương, từ cuối năm 2021 cô Lê Thị Kim Thúy, Hiệu trưởng nhà trường đã lên ý tưởng và thực hiện sáng kiến đầy ý nghĩa này. Nói về lý do thực hiện ý tưởng này, cô Thúy cho biết: “Ý tưởng có được bắt đầu khi chúng tôi đưa các em học sinh tham gia khóa trải nghiệm, tham quan các di tích lịch sử tại TP.Hồ Chí Minh. Thấy các em học sinh sôi nổi đặt những câu hỏi về Bác, tìm hiểu những mẩu chuyện liên quan đến Bác, tôi cảm động lắm. Tôi nghĩ phải làm gì đó để nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào dân tộc cũng như sự tôn kính dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tâm hồn các em. Chính vì vậy, tôi đã xây dựng “Không gian văn hóa Bác Hồ” ngay tại ngôi trường mà mình đang công tác với vai trò quản lý”.
Cô Thúy chia sẻ sau khi có ý tưởng xây dựng “Không gian văn hóa Bác Hồ” tại trường mình, cô đã gặp lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một để trình bày ý tưởng, sau đó “xin” những vật liệu gồm tre, gỗ, giấy... từ các khu vực tạo hình đường hoa Bạch Đằng sau Tết Nguyên đán để tái sử dụng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa xây dựng không gian gần gũi với thiên nhiên. Cô Thúy cũng phân công giáo viên thành lập các tổ để thực hiện trang trí, cắt dán tư liệu, tác phẩm liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo từng chủ đề.
“Các em học sinh, nhất là lứa tuổi tiểu học rất khó tiếp nhận và lĩnh hội những kiến thức hàn lâm, trừu tượng. Tuy nhiên, với những hình ảnh, mẩu chuyện, tác phẩm sống động cùng những bài học đi kèm dễ hiểu, dễ nhớ sẽ giúp các em thấy say mê, thú vị hơn khi đọc và tìm hiểu về Bác. Đối với các tiết dạy, bài học có liên quan đến Bác Hồ, giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh đến “Không gian văn hóa Bác Hồ” để học tập, xem phim tư liệu về Bác. Bước vào “Không gian văn hóa Bác Hồ”, các em sẽ thêm yêu sử Việt, cảm nhận rõ hơn tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Không gian này rất có ý nghĩa với các em học sinh vì sẽ giúp các em hứng thú học tập, tiếp thu tốt hơn các tiết học”, cô Thúy chia sẻ thêm.
Cô Lê Thị Kim Thúy, người khởi xướng - tác giả của cách làm hay này là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Hòa 3, người đã hơn 15 năm nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở, nhiều năm liền nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, cán bộ quản lý giỏi cấp tỉnh, giải ba Giải thưởng Võ Minh Đức, đang được đề xuất Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Lan tỏa cách làm hay…
Điều đặc biệt ở đây là những kỷ vật, hình ảnh, tư liệu này đều “đậm” chất trực quan sinh động, rất gần gũi và thân thương với các em thiếu nhi. Không chỉ là xem phim tư liệu trên tivi mà các em còn được đọc, học và cảm nhận tình yêu thương bao la của Bác Hồ qua những tác phẩm, sáng tác và những lời căn dặn vừa súc tích, vừa mang tính giáo dục cao. Mỗi câu chuyện ngắn, đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu đều thấm đẫm tình yêu bao la của Bác Hồ kính yêu dành cho quê hương đất nước, dành cho các cháu thiếu nhi. Điều này còn giúp các em hình thành thói quen thích đọc sách, thích khám phá thế giới xung quanh qua trang sách. Từ những gì đã đọc, đã xem, đã cảm nhận, các em học sinh nhà trường cũng sôi nổi tham gia cuộc thi “Kể chuyện về Bác”, vẽ tranh về Bác Hồ do nhà trường tổ chức.
Bắt đầu từ ý tưởng của cô Lê Thị Kim Thúy, mô hình “Không gian văn hóa Bác Hồ” đầu tiên trong trường học đã được xây dựng tại trường Tiểu học Phú Hòa 3 vào cuối năm 2021. Sáng kiến này sau đó được đăng trên mạng xã hội của trường và nhận về lời khen, phản hồi tích cực từ tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và người dân trên địa bàn tỉnh. Mô hình này sau đó được nhân rộng ra các trường học trên địa bàn tỉnh.
Tại trường Tiểu học Phú Hòa 3, cô Lê Thị Kim Thúy còn xây dựng đồng thời nhiều sáng kiến, cách làm hay khác, như: “Một ngày của con”, “Điều em muốn nói”, mô hình xây dựng công viên xanh cho các hoạt động trải nghiệm, an toàn giao thông, phân loại rác thải… Bên cạnh đó, tập thể giáo viên nhà trường luôn quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy; áp dụng nhiều giải pháp giáo dục cho học sinh tạo sự gần gũi với học sinh, phụ huynh. Đây là một trong những nhân tố bảo đảm chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng cao.
Đánh giá về mô hình “Không gian văn hóa Bác Hồ” tại trường Tiểu học Phú Hòa 3, bà Trịnh Thị Ngọc Bích, Phó Bí thư Đảng ủy phường Phú Hòa, cho biết mô hình “Không gian văn hóa Bác Hồ” của trường Tiểu học Phú Hòa 3 góp phần lan tỏa sâu rộng, mang lại những giá trị thiết thực, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống, cách làm hay đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phường.