Có một miền Tây trong lòng xứ Quảng

Từ Hội An, hướng về cầu Cửa Đại khoảng 10km, tôi tìm đến khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu nổi danh bậc nhất của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trên chiếc thúng nhỏ, được lái thuyền đưa đẩy một cách khéo léo cứ thế lướt trên mặt nước màu xanh lá trong veo, tôi được thả mình trong cảm giác bồng bềnh dưới tán dừa mát rượi. Để rồi được nghe kể về chuyện đời, chuyện người của mảnh đất xứ này, nơi có những cơn sóng ào ạt đổ về từ biển Cửa Đại.

“Đặc sản” múa thúng giữa dòng nước

Nghe kể về rừng dừa Bảy Mẫu đã lâu nhưng cũng phải qua 2 lần dừng xe hỏi thăm tôi mới tìm đến được nơi này. Đang loay hoay để tìm đến bến, nơi có chiếc thuyền thúng chênh vênh bên sóng thì tôi gặp Nguyễn Văn Hoàng. Hoàng bảo với tôi, anh là người gốc ở thôn Vạn Lăng (xã Cẩm Thanh), bởi vậy, dù cho có cơ hội để đến nhiều nơi khác lập nghiệp nhưng anh quyết tâm gắn chặt với mảnh đất này. Anh cùng những người thân trong gia đình mở dịch vụ tham quan rừng dừa bằng thuyền thúng, biểu diễn lắc thúng, câu cua và tổ chức ăn uống.

Khách du lịch hân hoan với trải nghiệm mới lạ độc đáo khi ngồi thuyền thúng. Ảnh: Đinh Luyện

Khách du lịch hân hoan với trải nghiệm mới lạ độc đáo khi ngồi thuyền thúng. Ảnh: Đinh Luyện

Với kinh nghiệm của mình, Hoàng chia sẻ, để trải nghiệm trọn vẹn Rừng Dừa Bảy Mẫu, có lẽ khoảng thời gian từ đầu hè đến thu (tức là khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm) sẽ là thời gian thích hợp. Lúc này thời tiết khô ráo, mát mẻ nên bất kỳ ai cũng có thể chiêm ngưỡng những hàng dừa bạt ngàn. Đây cũng là thời điểm thiên nhiên tràn đầy sức sống và xanh tươi nhất. Quả như lời giới thiệu của Hoàng, từ trên bờ, ngước nhìn xa xa, chạm vào tôi là rừng dừa bạt ngàn, nước sông rất trong và không khí cũng rất mát mẻ.

Bà Nhỡ hay thường gọi là Ba Nhỡ là người được lựa chọn để đưa chiếc thuyền thúng chở tôi khám phá rừng dừa. Ngoài 60 tuổi mà giọng nói của bà Ba Nhỡ vẫn sang sảng. Bà nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi từ mặc áo phao đến gợi ý những điểm có thể “tạo dáng” chụp ảnh. Bà bảo, bản thân chẳng qua một khóa đào tạo nào, chỉ có điều thấy nhiều khách họ bảo nơi nọ, nơi kia, cần tạo dáng như thế này… là bà “học mót” và hướng dẫn những vị khách “đuối” vì khoản tạo dáng chụp hình như tôi.

Bà Ba Nhỡ hóm hỉnh bảo, có lẽ cái tên “Nhỡ” cũng ít nhiều vận vào bản thân. Chẳng thế mà, bà cũng “nhỡ” tới 7 lần sinh nở. May thay, đám con cũng dễ nuôi, chúng lớn lên nhờ những sản vật bà kiếm tìm từ rừng dừa, sự chịu thương, chịu khó, không quản bất cứ công việc gì của ba chúng. Thời gian bẵng trôi, đến nay con cái bà Nhỡ đều đã phương trưởng, thành gia lập thất. Bà cũng có hơn 10 đứa cháu đủ nếp lẫn tẻ, tất thảy chúng đều được ăn học đàng hoàng.

Nhắc chuyện gắn bó với nghề chèo thuyền thúng, bà Nhỡ kể, khoảng năm 2015, rừng dừa Bảy Mẫu được xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An phục hồi và mở rộng để phát triển du lịch sinh thái ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn. Là dân sông nước nên chuyện chèo thuyền với bà chẳng hề khó. Bà và gần 2.000 người dân sống quanh vùng cứ thế trở thành nhân viên chèo thuyền thúng, một hướng dẫn viên bản địa cho du khách khi đến với Hội An.

Theo lời bà Nhỡ, rừng dừa đã có tuổi đời hơn 200 năm. Người miền Tây trong hành trình di cư đến các vùng đất mới đã mang theo giống dừa nước và trồng ở khu vực này. Là một loại cây đặc hữu vùng sông nước Nam Bộ nhưng nhờ hợp khí hậu và thổ nhưỡng, những cây dừa nước cứ ngày càng lớn lên, phát triển thành một khu rừng rộng lớn khoảng 7 mẫu. Có lẽ cái tên Bảy Mẫu có nguồn gốc từ đó. Hiện nay, rừng dừa đã có diện tích lên đến cả trăm hecta, phủ xanh một vùng sông nước nơi đây.

Đi thêm một đoạn ra quãng sông rộng hơn, tôi chợt thấy những chiếc thúng chở khách dần quây lại và chừa ra một khoảng rộng chính giữa. Cùng đó, trong tiếng nhạc và tiếng reo hò cổ vũ, một tay chèo chừng 40 tuổi tay thoăn thoắt khuấy nước. Bà Nhỡ mách nhỏ, người thanh niên nọ chuẩn bị biểu diễn tiết mục múa thúng - một trong những màn trình diễn sông nước ấn tượng nhất trong buổi khám phá rừng dừa.

Quả thực vậy, sau lời chào làm quen, tay chèo đưa vài đường chèo để thúng bắt đầu xoay. Khi mái chèo đưa nhanh hơn với góc rộng hơn, lực mạnh hơn, chiếc thúng xoay tròn với tốc độ chóng mặt, nghiêng qua nghiêng lại như sắp lật. Chẳng nao núng, người chèo nọ vừa đứng vững trên thúng, vừa tiếp tục làm cho thúng xoay nhanh hơn rồi dần dần chậm lại. Khi chiếc thúng ngừng xoay cũng là lúc những tràng pháo tay tán thưởng rộ lên giòn giã. Một vài du khách muốn được thử thách cảm giác ngồi trên chiếc thúng xoay cũng sẽ được người chèo nhiệt tình phục vụ.

Dư âm đọng lại

Ít ai biết, ở xã Cẩm Thanh nói riêng và khu vực lân cận rừng dừa nói chung, người ta trồng dừa với mục đích tạo vành đai xanh chắn gió, chắn sóng, đối phó với mực nước biển dâng cao. Ở đây, khoảng 40 năm về trước và thậm chí là ngay hiện tại nhiều người dân vẫn lấy tàu dừa khô để lợp nhà.

Ở Hội An nhiều năm qua người ta lùng sục mua lá dừa nước để lợp nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, làm đồ thủ công mỹ nghệ, tranh dừa... thì cũng là lúc tàu dừa nước đắt như tôm tươi. Việc bán lá dừa đem lại thu nhập tương đối khá. Nhưng chỉ có điều, theo những người hành nghề cắt tàu dừa ở Cẩm Thanh, họ cũng đối mặt với nhiều vất vả và sự cơ cực. Cả ngày phải dầm mình, ngụp đầu dưới nước lạnh ngắt, tay chân bị nước ăn da, lở loét, thân thể dễ bị nhiễm khuẩn, điều đặc biệt nguy hiểm đối với chị em. Nhiều người thường xuyên bị cọng hay lá dừa cứa rách mặt mũi, tay chân… Thứ nữa, những người làm nghề thu hái lá dừa cũng chú trọng đến việc bảo vệ rừng dừa. Họ không tùy tiện cắt gặt vô tội vạ, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Có một kinh nghiệm từ những người dân vùng sông nước ven rừng dừa là khi cắt tàu lá dừa nước thì phải để lại “một mẹ một con” thì cây dừa mới tiếp tục sinh sôi nảy nở. Nếu ai đó lỡ tay cắt hết tàu lá thì cây sẽ chết. Chính vì thế, người dân nơi đây thường không cắt hết các tàu lá, vài tháng sau khi cây tiếp tục mọc ra những tàu dừa mới thì họ mới cắt dần dần. Ai cũng phải theo “nguyên tắc” đó để giữ những cây dừa nước tiếp tục phủ màu xanh cho vùng sông nước này.

Biểu diễn múa thúng. Ảnh: Đinh Luyện

Biểu diễn múa thúng. Ảnh: Đinh Luyện

Có đến mới thấy, ngoài việc duy trì sinh kế cho những người dân lân cận, rừng dừa Bảy Mẫu còn là một di tích lịch sử ghi dấu nhiều chiến công vang dội của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trong những năm kháng chiến, lực lượng du kích địa phương đã lợi dụng địa hình kín đáo của rừng dừa Bảy Mẫu, tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ, đánh bại những trận càn của địch với qui mô hiện đại, có cả pháo binh, không quân yểm trợ. Nhiều lúc, trong thế không tương xứng về lực lượng, nhưng du kích địa phương đã dựa vào rừng dừa đánh bại nhiều trận càn của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Do đó, xét trên nhiều góc cạnh, điểm tham quan này vừa có giá trị cảnh quan, vừa mang giá trị văn hóa và lịch sử đậm nét.

Nhìn rặng dừa nước xanh ngát và ngút tầm mắt, nhìn những đoàn thuyền nối nhau tham quan, tôi thầm nghĩ, phải chăng điều khiến rừng dừa thu hút du khách vì nơi đây có cảnh sông nước hữu tình, những rặng dừa tươi xanh, không khí trong lành như một miền Tây thu nhỏ?

Có lẽ suy nghĩ của tôi là đúng bởi khu vực rừng dừa Bảy Mẫu khá sạch sẽ, trên bờ dưới nước đều không có tình trạng đọng rác thải sinh hoạt. Ngồi trên con thuyền nhỏ, vành vạnh như trăng rằm, đi dưới những tán lá cao vút của rặng dừa xanh tốt, mỡ màng, cảm giác như đang trôi giữa cao xanh vời vợi, rồi lại len lỏi trong những kênh rạch để vãi chài, câu cua.

Đâu đó, trong không gian thanh bình ngập tràn nắng gió, thỉnh thoảng lại văng vẳng một câu hò miền sông nước ngọt lịm. Cũng đặc biệt thú vị khi triều rút, trơ ra những gốc dừa nâu, xù xì, gai góc, nom thật kỳ vĩ. Quanh các gốc dừa, những con cua lao xao bò ngang dọc trên các lạch nhỏ, nước nông, chỉ cần quơ tay là bắt được dễ dàng.

Nhưng có lẽ, điều làm du khách như tôi hài lòng là tình cảm người dân nơi đây không phải là sự chuyên nghiệp, mà là sự chân tình. Chính những cảm xúc nồng ấm neo khắp nơi trên mảnh đất này đã gieo thiện cảm trong những khách du lịch như tôi.

Trong tầm mắt bát ngát những rặng dừa nước, tôi thấy Hội An với vẻ đẹp rêu phong, cổ kính, có phần tấp nập như bị để lại đâu đó ngoài kia. Cái nắng bỏng rát dường như cũng dịu lại bởi làn gió mát từ sông thổi lên. Đứng giữa đất trời miền Trung mà thưởng ngoạn một cảnh sắc miền Tây có lẽ là điều thi vị mà bất cứ ai cũng nên một lần nếm trải.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/co-mot-mien-tay-trong-long-xu-quang-171992.html