Có một ngày 17-2
Sau Tết, đám bạn í ới rủ nhau đi du lịch Hà Giang. Du xuân là một phần, cái chính là đi thắp nhang cho người bạn nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Bạn nằm đó với hơn 1.700 đồng đội vẫn hàng ngũ chỉnh tề. Gia đình bạn trước đây có ý nguyện đưa bạn về nghĩa trang quê nhà để tiện hương khói nhưng đồng đội có nói, trước khi hy sinh, bạn có dặn cho bạn nằm lại với đồng đội, những người đã sống chết cùng nhau trên điểm tựa, cùng nhau đẩy lùi bao đợt tấn công biển người…
Nhớ những ngày sau Tết Kỷ Mùi 1979, đang những ngày của tháng Giêng là tháng ăn chơi, khi bọn nhóc vẫn hồn nhiên đi lượm đốt những quả pháo xịt thì người lớn luôn có gương mặt trầm mặc, thấp thỏm. Những thông tin không chính thức về tình hình căng thẳng trên biên giới lặng lẽ về theo chân những người bà con làm ăn ở caác tỉnh biên giới về quê đón Tết. Mọi người thì thào, bàn tán. Một không khí im lặng nhưng ngột ngạt, hệt như khoảng lặng trước một cơn bão.
Rồi những thấp thỏm, lo âu cuối cùng cũng thành sự thật. Đài phát thanh sáng 17-2 liên tục cập nhật tình hình biên giới, về những cuộc chiến đấu anh dũng của bộ đội biên phòng, của quân và dân các tỉnh biên giới… Cuộc sống thanh bình ngắn ngủi từ sau ngày 30-4-1975 chấm dứt. Mấy ngày sau, những người bà con của gia đình tôi làm ở mỏ Appatit Lào Cai bơ phờ về nhà, mang theo lỉnh kỉnh những xoong nồi, hòm xiểng, chăn màn… May là thời bao cấp gia tài của nhà nào cũng chỉ có vậy. Thêm những chuyện thật, người thật của vùng biên giới khiến cho ai cũng thấy chiến tranh thật gần. Mẹ tôi sai mấy chị em khơi lại hầm trú ẩn thời chiến tranh chống Mỹ, đêm đêm trù liệu nếu phải tản cư thì mang những cái gì, đến ở trọ vùng nào. Có lẽ mẹ đã quen với cách sắp xếp cuộc sống trong những ngày chiến tranh.
Tụi nhóc bọn tôi mặc dù là năm cuối cấp, chuẩn bị thi tốt nghiệp nhưng tối tối cũng bỏ chả học bài, đến lớp thấy các thầy cô cũng hầu như không dò bài. Có bị kêu lên bảng, không trả lời được thì cũng không bị ăn điểm kém, thầy cô chỉ lắc đầu cho nợ. Trường bọn tôi nằm ngay ven Quốc lộ 2, chạy từ Hà Nội lên thẳng Hà Giang. Cả bọn hết giờ học lại ra đường xem xe bộ đội. Đêm ngày những đoàn xe quân sự phủ bạt kín mít, những cỗ đại xa chở xe tăng ầm ì chạy ngược lên biên giới. Cả bọn nắm tay nhau hẹn hò thi tốt nghiệp xong, chờ đủ 18 tuổi thì đăng ký đi bộ đội, lên biên giới đánh bọn bành trướng.
Tôi còn nhớ khoảng 3 tuần sau, trên loa phát thanh vừa công bố lệnh tổng động viên toàn quốc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng thì trưa cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh”, “chiến thắng” và bắt đầu rút quân. Nhưng tình hình chiến sự biên giới vẫn còn căng thẳng lâu lắm, tới cả chục năm sau. Nhờ có khoảng dừng này mà tôi năm đó thi vào đại học, trúng tuyển nên nhập học chứ không chờ đủ tuổi đi bộ đội như hẹn hò với đám bạn.
Về Hà Nội nhập học, đám sinh viên năm nhất còn lơ ngơ thì đã được nghe các anh chị khóa trên hào hứng kể lại những ngày hào hùng đi xây dựng phòng tuyến Sông Cầu, sẵn sàng ngăn quân giặc đánh về thủ đô. Phòng tuyến này chính là được xây dựng trên địa hình cũ của phòng tuyến sông Như Nguyệt thời danh tướng Lý Thường Kiệt chiến thắng quân Tống. Rồi những đêm thơ với những vần thơ rực lửa, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Buổi chiều cơm nước xong, cả bọn tụ tập ngoài ban công hát vang những bài hát về biên giới: Hoa sim biên giới của Minh Quang, Chiều biên giới của Trần Chung, thơ Lò Ngân Sủn… Hào hứng nhất là bài Gửi lại em của Vũ Hoàng: “Cùng nhau ra nơi biên thùy. Căm thù giục bước quân đi. Hàng me xôn xao vẫy chào. Tạm biệt nhé người thương... Gửi lại em ước mơ bên giảng đường. Gửi lại em phố vui qua từng chiều…”. Tất cả khi ấy đều coi việc ngày mai tạm nghỉ học để lên biên giới bảo vệ Tổ quốc như một việc đương nhiên.
Hơn 40 năm đã trôi qua. Biên giới giờ đây yên bình thu hút bao bạn du khách và tấp nập giao thương giữa hai bên. Quá khứ đã được khép lại để hướng tới tương lai. Cuộc sống luôn là vậy, nhưng không một ai được phép quên đi quá khứ.
Thủy Ngân
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202302/co-mot-ngay-17-2-8276225/