Có một nghề âm thầm như thế!
Chọn nghề công tác xã hội (CTXH), ngày ngày, họ vẫn lặng thầm chăm sóc cho những người yếu thế. Khó khăn, vất vả nhiều khi không cân đo đong đếm được nhưng họ luôn tự hào về công việc đang làm, góp phần nhân lên những điều tử tế trong cuộc sống.
Cần có một tấm lòng
Một ngày giữa tháng 3, hơn 11 giờ 30 phút, anh Huỳnh Minh Thiện (công chức Văn hóa - Xã hội, UBND xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vẫn nhiệt tình hướng dẫn người dân đến làm các hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ người khuyết tật nặng. Chốc chốc, điện thoại di động vang lên, anh cười, chia sẻ: “Đa số người dân xã Mỹ Yên đều làm công nhân nên không có thời gian đến làm các hồ sơ, thủ tục vào giờ hành chính. Thông thường, họ tranh thủ buổi trưa xin nghỉ vài tiếng đồng hồ để đi làm hồ sơ. Trước khi đến, họ điện thoại hỏi cần chuẩn bị các loại giấy tờ liên quan nào để đến làm cho thật nhanh, sau đó quay về làm việc”.
Nghe chúng tôi tìm hiểu về công việc của anh Thiện, bà Nguyễn Thị Kim Liên (ấp 2, xã Mỹ Yên) nói: “Cháu Thiện nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và người dân lắm! Tôi là chủ nhà trọ, thường làm các thủ tục liên quan đến người ở trọ nên chỗ nào chưa hiểu là Thiện hướng dẫn ngay, chưa bao giờ thấy Thiện khó chịu hay nặng nhẹ với người dân”.
Trước đây, anh Thiện công tác trong ngành Công an nhưng đến năm 2020 chuyển sang làm công chức Văn hóa - Xã hội. Khi nhận nhiệm vụ mới, anh rất áp lực bởi đây là công việc liên quan đến các chế độ, chính sách của rất nhiều đối tượng, làm không tốt sẽ có lỗi với người dân. Do đó, anh vừa tích cực làm việc, vừa tìm hiểu các nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực phụ trách, nhất là sẵn sàng tham khảo ý kiến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện khi gặp các vấn đề chưa rõ. Anh Thiện cho biết: “Công chức Văn hóa - Xã hội phụ trách nhiều mảng như người có công, trẻ em, giảm nghèo, bình đẳng giới, đối tượng bảo trợ xã hội,... Do đó với tôi, người làm CTXH chỉ có kiến thức thôi chưa đủ mà cần phải có cái tâm với cộng đồng mới có thể công hiến hết mình. Dù khó khăn, vất vả nhưng khi giúp được một người dân, hoàn thành được một bộ hồ sơ, nhìn thấy nụ cười, niềm vui của họ là tất cả mệt nhọc, vất vả của tôi như tan biến, càng có thêm động lực để gắn bó lâu dài với công việc”.
Bằng sự nỗ lực, tận tâm, trách nhiệm với công việc, anh Thiện không chỉ là người bạn đồng hành với các hoàn cảnh yếu thế trong xã hội mà còn giúp xã đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực người có công - lao động, việc làm và xã hội như xã đầu tiên xóa trắng hộ nghèo trên địa bàn huyện, 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc dưới nhiều hình thức; xã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa;...
Làm bạn với người... tâm thần
Nhắc đến người bị bệnh tâm thần, chắc chắn nhiều người sẽ ngán ngại khi tiếp xúc, vậy mà hàng ngày chị Nguyễn Thị Nga (nhân viên Trung tâm CTXH tỉnh) vẫn âm thầm làm bạn với họ. Chị Nga bộc bạch: “Ban đầu, khi tiếp xúc với những bệnh nhân (BN) tâm thần, tôi cũng lo lắm nhưng sau đó quen dần, tôi cảm nhận họ rất đáng thương, cần sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người”.
Công việc tại Trung tâm CTXH tỉnh rất đặc thù, nhân viên không chỉ chăm lo cho BN về việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân mà còn phải học cách yêu thương, chia sẻ với họ. Ngoài mắc bệnh tâm thần, các đối tượng này còn mắc các bệnh khác như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, cơ - xương - khớp,... Theo đó, nhân viên chăm sóc phải nhớ rõ tình trạng bệnh của BN để có chế độ chăm sóc phù hợp. Trong trường hợp BN tâm thần nhập viện, các nhân viên phải thay nhau vào bệnh viện nuôi. Với những BN tâm thần nặng, khi lên cơn bệnh còn có thể gây nguy hiểm cho người đối diện.
Chị Nga kể: “Thời gian đầu chưa hiểu được tính nết, biểu hiện lên cơn của các đối tượng, tôi thường bị các BN tâm thần nặng lên cơn rượt đánh khắp nơi nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời của đồng nghiệp nên không có chuyện gì xảy ra. Tất cả BN tâm thần tại đây đều rất đáng thương, có người vô gia cư, có người còn người thân nhưng bị xa lánh, ghẻ lạnh, không ai quan tâm,... Càng tiếp xúc, gần gũi, chăm sóc họ, tôi càng cảm thông, chia sẻ và học được cách làm bạn với người bị bệnh tâm thần”.
Nghề CTXH là một nghề rất đáng được trân quý bởi đó là những người luôn biết chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Anh Thiện, chị Nga là minh chứng cụ thể cho những người đầy tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Và chính những người này góp phần làm đẹp cho đời, để những điều tử tế tiếp tục được lan tỏa./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/co-mot-nghe-am-tham-nhu-the--a152028.html