'Có một ngôi nhà chung lớn với tôi...'

Trong cuộc sống, lúc gặp khó khăn, thử thách, chúng ta thường tìm đến những điểm tựa tinh thần với cái tên thân thương: Gia đình. Với tôi, một điểm tựa đó chính là mái nhà PL&XH.

Giá trị thiêng liêng

Tình cảm gia đình với mỗi người được biểu hiện bằng những cách không ai giống ai. Có người thể hiện bằng lời nói, có người chỉ lặng câm, âm thầm quan tâm bằng hành động. Nhưng dù bằng cách nào, đó vẫn xuất phát từ sự yêu quý những người thân trong gia đình của mình. Ngay cả ở những bất đồng trong mối quan hệ gia đình. Dù biết rằng “gương vỡ” thì cũng “lại lành”. Bởi trên con đường các thành viên đi tìm hiểu nhau thì những cãi vã, bất đồng sẽ không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những bất đồng chỉ được giải quyết khi mọi người biết cách chia sẻ và lắng nghe.

Có những gia đình không mấy hạnh phúc, đề cao giá trị vật chất, lòng tự tôn của bản thân đặt cao giá trị gia đình, có thể khiến những thành viên đang rơi vào con đường khốn cùng lại càng tuyệt vọng hơn. Không ít người từ bỏ cuộc đời hoặc cướp đi sinh mạng của những người trong gia đình chỉ bởi không được quan tâm, bởi lời đay nghiến, chỉ trích, không chịu lắng nghe và thấu hiểu… Đó là “thứ độc dược” giết chết tình cảm gia đình cũng như nhân cách của một con người. Nhưng nếu biết trân quý thì tình cảm gia đình là “liều thuốc bổ” cứu rỗi những tâm hồn con người, rèn luyện, định hướng nhân cách cho các thành viên trong gia đình. Ví như ông bà, cha mẹ lúc ốm đau, bệnh tật. Không cần cao lương mĩ vị, không cần liều thuốc bổ nào, nhưng sự quây quần của con, cháu và nhìn thấy con, cháu yêu thương lẫn nhau, đã trở thành nguồn động viên khiến ông bà, cha mẹ cảm thấy khỏe mạnh và an lòng hơn. Tình cảm gia đình vốn thiêng liêng và cũng vô cùng giản dị như thế.

Con người thiếu đi gia đình như thiếu đi một điểm tựa của cuộc đời. Đối với các em nhỏ thiếu đi tình yêu thương của gia đình, các em luôn cộc cằn, không cảm nhận được tình cảm từ bố mẹ. Các em luôn phải đi kiếm tìm những người có thể hiểu các em, đem đến niềm vui cho các em mà không biết điều đó đúng hay sai. Còn những em nhỏ có được sự quan tâm săn sóc của gia đình thì lại nhìn vào những tấm gương sáng là ba, là mẹ, là bà, là ông, anh em ruột rà,… để noi theo, trở thành những nhân cách tốt trong gia đình và xã hội.

13 năm qua, các thành viên trong gia đình PL&XH lại càng gần nhau hơn, gắn bó nhau hơn…

13 năm qua, các thành viên trong gia đình PL&XH lại càng gần nhau hơn, gắn bó nhau hơn…

Gia đình không chỉ là máu mủ

Trong xã hội hiện đại ngày hôm nay, tình cảm gia đình không chỉ xuất hiện trong những người cùng chung huyết thống mà còn được tạo dựng từ mối quan hệ xã hội không vì lợi ích kinh tế hay cá nhân… mà hướng tới cộng đồng. Chẳng hạn việc chúng ta quan tâm đến những mảnh đời kém may mắn trong xã hội như: Những em bé mồ côi, những con người chịu khiếm khuyết về cơ thể, người già neo đơn… Đối với những con người này, sự quan tâm và tình cảm của chúng ta dành cho họ cũng được gọi tên như tình cảm gia đình đáng được trân quý.

Hoặc trong một tập thể, một cơ quan, tổ chức cũng vậy. Khi sự gắn kết giữa những con người không cùng huyết thống, nhưng mối quan hệ ấy được thiết lập bởi những người cùng chung chí hướng, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng và phát triển, không cá nhân, không vụ lợi… Chúng ta đã ca ngợi mối quan hệ ấy như là một “đại gia đình”. Có thể thấy rõ rệt kết quả mà tình cảm “gia đình” ấy đạt được. Một cơ quan, tổ chức luôn tràn ngập niềm vui, luôn theo đuổi mục tiêu “một người vì mọi người, mọi người vì một người”, thì tổ chức ấy ngày càng lớn mạnh. Ngược lại, một tổ chức luôn có sự ganh đua, tranh giành quyền thế, lấy tiền bạc, công danh làm mục tiêu, đặt quyền lợi cá nhân lên trên tập thể, sẵn sàng giẫm đạp lên người khác để đạt được vinh hoa, phú quý,… tổ chức ấy luôn đối mặt với sự bất đồng không thể giải quyết và hậu quả là mục tiêu phát triển không bao giờ đạt được. Bởi vậy, thứ tình cảm “gia đình” này cũng nên trân quý và đề cao.

Với chính bản thân tôi, suốt 3 năm làm việc tại báo PL&XH, tôi đã có được những người anh, người chị, đồng nghiệp, những người đồng đội luôn vui vẻ, giúp đỡ tôi như những người thân. Mỗi một chuyến đi, mỗi cuộc hành trình trong nghề báo hay mỗi trận đấu bóng giao hữu cùng nhau lại truyền thêm động lực và niềm đam mê gắn bó với nghề, với những người đồng nghiệp – những người tôi đã gọi là “anh em”, với báo PL&XH - nơi tôi coi là “nhà”. Và tôi luôn mong mỏi, nơi đây mãi là “mái nhà” chung, nơi chúng tôi được sống với nghề bất chấp khó khăn, thử thách.

Thế Vinh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-mot-ngoi-nha-chung-lon-voi-toi-155798.html