Có một 'ngọn lửa' vẫn cháy trong tim đồng đội
Đất nước thanh bình mấy chục năm, nhưng chiến tranh vẫn còn hằn dấu ở những gia đình có người thân hy sinh. Có một 'ngọn lửa' đang cháy từ trái tim, tấm lòng của những hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bắc Giang hằng tháng, hằng năm.
Nhiều lần tiếp xúc với Đại tá Nguyễn Ngọc Lượng, Chủ tịch Hội, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần Quân đoàn 2, tôi nhận thấy ở ông một sự trăn trở. Ở tuổi 75, Đại tá Lượng vẫn rất mạnh khỏe, đi phăm phăm. Ông nói với tôi: “Tiếp xúc với gia đình các liệt sĩ, nghe những câu chuyện về sự anh dũng hy sinh, những người lính thấy mình thật may mắn khi được lành lặn trở về, hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay. Nhưng ai trong chúng tôi cũng thật day dứt khi chứng kiến người thân của các liệt sĩ vẫn đang phải chịu thiệt thòi”.
Từ những suy nghĩ đó, ông cùng với 149 người là những cán bộ trong và ngoài quân đội (đại đa số đã nghỉ hưu) đang sinh sống trên địa bàn 10 huyện, TP đã tự nguyện tham gia vào Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh. Hội có chức năng hỗ trợ kết nối, thu thập thông tin, nhắn tìm đồng đội, chắp nối với các nguồn tin, manh mối về mộ và hài cốt liệt sĩ, hỗ trợ giám định ADN, giúp đỡ những gia đình liệt sĩ còn khó khăn; hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Dù mới thành lập được 5 năm nhưng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, làm dịu bớt nỗi đau mất mát do chiến tranh. Cũng đau đáu với những mất mát, hy sinh của thân nhân các liệt sĩ, Đại tá Đỗ Đức Chỉnh, Chánh Văn phòng Hội cho biết: “Đa số những người vợ liệt sĩ khi chồng hy sinh còn rất trẻ, nhưng họ đều không tái giá, gắng gượng ở vậy nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Vì vậy họ càng được trân trọng”.
Dù mới thành lập được 5 năm nhưng Hội đã hỗ trợ kinh phí cho 5 thân nhân gia đình liệt sĩ xây nhà tình nghĩa; tặng 32 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng); gần 1.000 gói quà gồm tiền, thuốc bổ trị giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng cho thương, bệnh binh, gia đình chính sách.
Men theo nhiều đoạn đường ngoằn ngoèo, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Nở ở thôn Yên Tập Bắc, xã Yên Lư (Yên Dũng). Ngôi nhà 2 tầng mà bà đang ở cùng người con trai được khánh thành năm 2020 có sự hỗ trợ 60 triệu đồng của Hội.
Bà Nở có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Cõn ở cùng làng. Ngồi bên cạnh, nghe câu chuyện về người chồng đã hy sinh hơn 50 năm trước, bà không giấu được sự xót thương, đau đáu nhớ chồng.
Đó là khoảng thời gian bà dành trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho chồng yên tâm làm nhiệm vụ, chiến đấu ở chiến trường: “Ông nhà tôi hy sinh năm 1970 khi mới 30 tuổi. Khi ấy tôi cũng còn trẻ lắm, mới ngoài 20 thôi. Tôi còn nhớ ngày ông ấy đi bộ đội có nhắn nhủ tôi, đại ý rằng vợ yên tâm ở nhà lo ruộng đồng, chăm con, tôi đi chiến đấu vì đất nước, đừng lo nghĩ gì cả. Và rồi ông ấy bỏ tôi khi con mới 7 tuổi”.
Rồi bà chỉ sang người con trai Nguyễn Văn Tý (SN 1963)- giọt máu duy nhất ông Cõn để lại. Nhắc đến bố, anh Tý không khỏi ngậm ngùi: “Bố tôi vào chiến trường, làm nhiệm vụ của người trinh sát, hy sinh trong cánh rừng già ở Campuchia. Bố đang nằm ở đâu, gia đình hiện giờ cũng chưa biết, hài cốt vẫn chưa tìm được.
Thông qua Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, mẹ con tôi được động viên rất nhiều. Mong có manh mối, chắp nối từ các bác, các chú để gia đình có thêm thông tin, tìm kiếm được hài cốt cha. Cũng biết là khó như mò kim đáy biển, nhưng gia đình vẫn hy vọng”.
Cùng với bà Nở, 4 thân nhân gia đình liệt sĩ khác ở các huyện: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Việt Yên cũng được Hội hỗ trợ mỗi gia đình 50 triệu đồng xây nhà tình nghĩa. Cùng đó là tặng 32 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng); gần 1.000 gói quà gồm tiền, thuốc bổ trị giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng mỗi gói cho thương, bệnh binh, gia đình chính sách... do Hội vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ.
Phòng khám Đa khoa Anh Quất ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) là một điển hình. Đơn vị đã tổ chức nhiều chuyến xe ô tô đưa đón 2.225 lượt thân nhân liệt sĩ đi khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tư vấn bệnh thường gặp ở người cao tuổi. “Xe mình, xăng mình, công mình”- đó là phương châm hoạt động của Hội. Tất cả hội viên tham gia hoàn toàn tự nguyện, tự túc phương tiện, không hề có một đồng phụ cấp nào. Được biết, đa số hội viên đều từng khoác áo lính, thấu hiểu những mất mát hy sinh của chiến tranh.
Đại tá Nguyễn Ngọc Lượng, Chủ tịch Hội cho biết thêm: “Như ngọn lửa cháy trong tim, chúng tôi làm việc này bằng cái tâm, bằng tấm lòng của mình để bày tỏ sự tri ân đối với công lao to lớn, sự hy sinh của các liệt sĩ”. Được biết, trong các cuộc kháng chiến, Bắc Giang có gần 21 nghìn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh. Dù chưa thể hỗ trợ được rộng khắp, nhưng trên hành trình hoạt động của Hội, tin chắc rằng thân nhân các anh hùng liệt sĩ sẽ được động viên, an ủi phần nào”.
Bài, ảnh: Thu Phong