Có một ông Bụt giữa đời thường

Trẻ em mỗi khi khó khăn đều ao ước được gặp ông Bụt, dẫu biết rằng đó là suy nghĩ viển vông. Nhưng, ở đời mọi thứ đều có thể, đã có những đứa trẻ được gặp và lớn lên trong vòng tay của một ông Bụt giữa đời thường…

Ông Nguyễn Trung Chắt trong vòng tay của tình yêu thương và lòng biết ơn. (ảnh TTXVN)

Ông Nguyễn Trung Chắt trong vòng tay của tình yêu thương và lòng biết ơn. (ảnh TTXVN)

Người cha nuôi của những đứa trẻ mồ côi…

Chàng trai trẻ Ngô Quốc Hưng sinh năm 1991 ở thôn Nà Già, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn ngay từ nhỏ đã phải đối mặt với cảnh đời eo le. Bố mất sớm, mẹ thường xuyên đau ốm, bệnh tật, nhà lại có đông anh em, nên cuộc sống của em rất khó khăn. Thương con, thương cháu, gia đình gửi em vào Trung tâm Hy vọng Lộc Bình gần nhà, những mong ở đây em sẽ có điều kiện để khôn lớn, trưởng thành.

Với Hưng, từ ngày bước chân vào Trung tâm Hy vọng Lộc Bình, cuộc đời em đã sang một trang mới. Được chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình, Hưng đã quyết tâm theo đuổi con đường học hành. Em thi đỗ trường ĐH Sư phạm Hà Nội và sau đó tiếp tục bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ ngành công tác xã hội. Biết ơn những người đã có công nuôi nấng, dạy dỗ mình, Hưng quay trở lại quê hương xứ Lạng, làm việc ở Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn với ước mong sẽ tiếp tục nối dài vòng tay nhân ái mà em cũng đã từng được bao bọc, ấp ủ.

Chia sẻ với truyền thông, Ngô Quốc Hưng tâm sự: “Bản thân em luôn ghi nhớ công ơn, sự cưu mang, giúp đỡ của các bố, các mẹ tại Trung tâm để em có được như ngày hôm nay. Em luôn coi Trung tâm là mái nhà, gia đình của mình. Em luôn cố gắng phấn đấu hết mình để trở thành người có ích cho xã hội và có cơ hội giúp đỡ, sẻ chia khó khăn với những hoàn cảnh như em đã từng trải qua”.

Hai chữ “Trung tâm” mà chàng trai trẻ Ngô Quốc Hưng nhắc đến là các Trung tâm Hy Vọng Lộc Bình ở huyện Lộc Bình và Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn ở huyện Hữu Lũng đều ở tỉnh Lạng Sơn. Người sáng lập và quản lý các Trung tâm này là ông Nguyễn Trung Chắt – vẫn được những đứa trẻ gọi là ông Bụt giữa đời thường, ông Bụt đã thực sự hiện ra trong cuộc đời chúng, chứ không phải chỉ là giấc mơ viển vông của con trẻ nữa.

“Người cha nuôi gần 300 trẻ mồ côi” – cụm từ này khi được người dẫn chương trình nhắc đến tại buổi lễ tôn vinh 400 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng ngày 28/11 vừa qua do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức đã khiến cả hội trường xúc động. Và cảm động hơn nữa khi người cựu chiến binh già 75 tuổi Nguyễn Trung Chắt sinh ra tại Kim Động, Hưng Yên. Ông vốn là bộ đội xuất ngũ rồi sau đó tiếp tục công tác trong ngành công an. Năm 1992, ông tham gia các dự án dành cho trẻ mồ côi của UNESCO ở Việt Nam. Đây là khoảng thời gian ông được đi nhiều nơi, thăm nhiều trại trẻ mồ côi và cảm thông hơn với hoàn cảnh éo le, khổ cực với những mảnh đời bất hạnh.

Điều đó luôn thôi thúc ông phải làm điều gì đó để giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi để xóa đi mặc cảm, ký ức ám ảnh tuổi thơ của các em, xây dựng một cuộc đời mới tốt đẹp hơn. Năm 2002, ông Chắt có ý tưởng xây dựng Trung tâm Hy vọng cho trẻ mồ côi ngay trên chính quê hương mình. Năm 2013, từ Hưng Yên ông quyết tâm xây dựng Trung tâm Hy vọng ở tỉnh Lạng Sơn để tiếp nhận trẻ mồ côi.

Công việc “vác tù và hàng tổng” nên lúc đầu ông phải đối diện với không ít sự lo lắng, ngăn cản, cùng lời ông tiếng ve. Nhưng bản lĩnh, tinh thần của người lính Cụ Hồ đã giúp ông đứng vững. Sau nhiều năm thành lập, tới nay, tại các Trung tâm ông đã tiếp nhận nuôi dưỡng hơn 292 trẻ. Nhiều trẻ được ăn học thành nghề, học đại học, học nghề, trưởng thành và trở thành những người có ích cho xã hội. “Tất cả các cháu vào Trung tâm Hy vọng, tôi đều nuôi các cháu hết cấp 3, hoặc 18 tuổi, rồi tùy vào tư chất, điều kiện của từng trẻ để tiếp tục cho học nghề, hoặc học lên cao hơn nữa", ông cho biết.

Và mối chân tình “chúng con chưa lần nào dám nói”

Nỗ lực đó của ông có thể thấy được ở Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn, khi 5 nhân viên quản lý phụ trách các công việc như: tiếp nhận hồ sơ, hành chính, quản lý tài sản, trông nom, chăm sóc, hậu cần… đều là các cháu mồ côi được nhận nuôi dưỡng và trưởng thành từ Trung tâm Hy vọng Lộc Bình. Trong số 5 quản lý đó có em Ngô Quốc Hưng nói tới ở trên.

Trung tâm Hy vọng Lộc Bình hiện đang nhận nuôi dưỡng 30 trẻ độ tuổi từ 5 đến 16 tuổi. Trẻ được nhận vào nuôi dưỡng là trẻ mồ côi hoặc bố, mẹ vẫn còn nhưng ốm đau, bệnh tật, tâm thần…Hai anh em Trần Văn Kiên (15 tuổi) và Trần Văn Cường (11 tuổi), thôn Trãng, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng. Bố mất sớm khi Cường mới sinh được vài tháng, còn mẹ sau đó không lâu cũng rời bỏ hai anh em Kiên, Cường để xây dựng gia đình mới. Từ đó đến nay, hai anh em Kiên, Cường sống với ông bà nội đã gần 80 tuổi. Kiên đã bỏ học hơn năm nay để ở nhà phụ giúp công việc cho ông bà và chăm sóc em trai. Ngày hai anh em Kiên, Cường được Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn nhận vào nuôi dưỡng, ông Trần Văn Vượng 77 tuổi là ông nội của Kiên, Cường mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn trực tiếp đưa các cháu đến trung tâm, xem chỗ ăn, chỗ ở của cháu mình. Ông Vượng rất yên tâm khi thấy cháu có chỗ ăn, chỗ ở sinh hoạt tiện nghi, rộng rãi và tiếp tục được đi học. Cũng như Kiên, Cường, tất cả các trẻ sau khi vào Trung tâm sẽ được đi học tại các trường phổ thông trên địa bàn thị trấn Hữu Lũng.

Quay lại với buổi lễ tôn vinh những tấm gương vì cộng đồng, Ban tổ chức đã mang đến cho ông Nguyễn Trung Chắt một điều bất ngờ khi yêu cầu ông nhắm mắt lại và nghĩ về gương mặt của các con sống trong Trung tâm, lúc mở mắt ra, ông đã rất bất ngờ khi được gặp lại nhiều gương mặt đã trưởng thành từ mái ấm Hy vọng.

Bao năm qua đi, những người con của ông đã nên người, trưởng thành bay nhảy khắp bốn phương trời, nhưng ông Chắt vẫn không quên, đọc rõ tên tuổi từng đứa con. Nhìn các con gái, trai xinh đẹp trong bộ áo dài, sơ mi trắng, ông Chắt nói đôi lời ngậm ngùi chia sẻ khiến cả người dẫn chương trình lẫn cả khán phòng đều lặng đi xúc động: “Tôi đã cố gắng nuôi các con đủ ăn, đủ mặc. Hôm nay, tôi thực sự bất ngờ, cảm động vì thấy các con mặc áo dài. Tôi tiếc vì chưa từng may được cho các con những tấm áo dài trắng đẹp như vậy”.

Và khi món quà và mối chân tình “chúng con chưa lần nào dám nói” của lũ trẻ ngày nào gửi tới người cha của chúng thì đã khiến cảm xúc trong khán phòng như vỡ òa, nhiều người lau nước mắt: “Bác Chắt kính yêu! Chúng con, những đứa trẻ ở Trung tâm Hy vọng, nhớ như in hình ảnh năm xưa bác đã mua cho chúng con từng đôi tất, đôi giày, tấm áo. Những lúc đó, các con rất vui sướng, nhưng chưa một lần ngoảnh lại nhìn bác. Lúc đó, chúng con chỉ nghĩ tới niềm vui thích của mình, mà quên mất bác. Quên mất bác đang mặc chiếc áo sơ mi sờn vai, đôi giày cũ. Vậy mà bác chỉ nghĩ cho chúng con, sợ chúng con chưa có giày ấm để đi, chưa có chăn ấm để đắp, chưa ăn no ngủ kỹ. Nay gặp lại bác ở đây, chúng con có tấm áo này để cảm ơn bác…”.

Cuộc đời không bao giờ vắng bóng những người tốt – chân lý đó đã được khẳng định ở câu chuyện của người cựu chiến binh già Nguyễn Trung Chắt khi mỗi sự kiện, mỗi chi tiết trong câu chuyện đó đều là một nghĩa cử cao đẹp dành cho cộng đồng, xã hội, góp phần làm nên cuộc đời đầy hương sắc.

Như chính lời tâm sự của ông: “Trẻ em khi không có sự quan tâm của người sinh thành thường hay mặc cảm về bản thân. Nhiều em không có chỗ nương thân. Trung tâm thay trách nhiệm của đấng sinh thành nhận nuôi các em, lo cho các em từ việc ăn mặc, học tập cho đến khi trưởng thành chỉ giản đơn với mong muốn để giúp các em trưởng thành, thành người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương và giúp đỡ những mảnh đời dang dở…

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/co-mot-ong-but-giua-doi-thuong-561586.html