Có một ông Tây yêu Việt Nam
Khoảng thời gian từ năm 1967 - 1975, trong khi những nhà nhiếp ảnh Việt Nam phần nhiều hướng ống kính của mình tới góc nhìn mang tính anh hùng ca của cuộc kháng chiến chống Mỹ, có một nhà nhiếp ảnh nước ngoài - Thomas Billhardt - lại cần mẫn ghi lại cuộc chiến ở một góc khác để rồi đa phần bức ảnh ấy nay đã trở thành một phần ký ức khó quên với nhiều người Việt Nam.
Đó là giai đoạn khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng lên đến đỉnh điểm với những trận bom không thể nào ác liệt hơn. Người Việt Nam ngạo nghễ gọi đây là thời kỳ Giôn - xơn và Ních - xơn, tên của hai tổng thống Mỹ thời kỳ đó (Johnson và Nixon).
Với Thomas Billhardt, trước lần đặt chân đến Việt Nam, cuộc sống của ông dường như ở một thế giới khác. Sinh năm 1937 và có người mẹ là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, lớn lên sau khi đại chiến thế giới thứ hai chia nước Đức làm đôi, chàng trai CHDC Đức Thomas Billhardt đã nuôi lòng ham mê cái đẹp từ việc thừa hưởng nghề nghiệp của mẹ khi theo đuổi những gì thuộc về tình yêu và những thứ mà bất cứ một chàng trai nào khao khát những năm tuổi trẻ. Đó là những chuyến đi ra bên ngoài nước Đức xã hội chủ nghĩa, tới các quốc gia mà anh hằng ao ước. Dường như anh đã chọn đúng được một nghề nghiệp để theo đuổi cho cả cuộc đời.
Nhưng có vẻ như mọi sự đã thay đổi khi Thomas Billhardt cùng đoàn làm phim tới một đất nước hoàn toàn xa lạ với anh - nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhiếp ảnh gia nhìn thấy sự tàn khốc của chiến tranh qua những hố bom, tòa nhà đổ nát, tiếng còi báo động liên tục vang lên... Bấy giờ, Hà Nội phải hứng chịu những cuộc đánh phá từ máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất mà người dân Hà Nội gọi là thời kỳ Giôn-xơn.

Hà Nội một thời đạn bom
Giờ đã ở tuổi U90, nhưng ông lão Thomas Billhardt vẫn nhớ như in thời khắc đó, máy bay của ông sau khi vào không phận Hà Nội và đáp xuống sân bay tối om, không một ánh đèn, rồi vượt qua màn đêm đặc quánh, xe đưa ông và các đồng nghiệp tới khách sạn Thống Nhất trên phố Ngô Quyền (nay là khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội). Khi còi báo động hú lên, theo lời dặn từ trước, ông chỉ kịp chụp chiếc mũ sắt lên đầu khi đang trong buồng tắm. Một lúc sau, điện sáng, ông thảng thốt nhìn mình trong gương trong một thể dạng không thể kịch tính hơn: Một thân hình Adam với chiếc mũ sắt thời chiến. Quanh ông, chuột còn nhiều hơn khách và trong nước máy có những con giun nhỏ xíu ngoe nguẩy. Giờ đây, Thomas Billhardt hiểu rằng, thay vì ông chọn nghề thì nghề nghiệp mới là thứ chọn ông, ngay tại đây, tại nước Việt Nam, nước anh em của quốc gia ông.
Đến Việt Nam vào thời chiến, bập ngay vào không khí “một mất, một còn” của con người và cái chết, Thomas Billhardt đã tạo cho bản thân một ý thức rằng, đây không phải là chuyến đi chỉ để chụp ảnh, để lấy tài liệu mà ông còn đứng về phía lẽ phải. Thomas Billhardt tự đặt ra cho mình nhiệm vụ, ông đem trở về nước Đức không chỉ những bức ảnh mà còn là những thứ thuộc về trái tim ông đã tiếp nhận được ở Việt Nam.
Chiến tranh dù khốc liệt vô cùng nhưng cuối cùng cũng phải chấm dứt. Đất nước Việt Nam lại dang rộng vòng tay đón người nghệ sĩ. Tới nay, cả thảy, Thomas Billhardt đã tới Việt Nam ngót hai chục lần, tới những mảnh đất mà trước kia ông chưa từng đến. Mỗi lần tới Việt Nam là một lần cảm xúc thời chiến lại dâng trào trong ông xen lẫn háo hức. Có lẽ, không gì hạnh phúc hơn với một nhiếp ảnh gia khi gặp lại cảnh vật, những gương mặt đã được thu vào ống kính.

Hà Nội một thời hòa bình
Riêng trong giai đoạn 1967 - 1975, Thomas Billhardt đã 6 lần đến Việt Nam và những gì ông thu vào ống kính của chiếc máy ảnh ông còn giữ được đến tận bây giờ đã khiến cho tên tuổi nhiếp ảnh gia này nổi tiếng khắp thế giới. Hà Nội bộn bề gian khó trong những năm tháng ấy nhưng đong đầy yêu thương. Trước ống kính của Thomas Billhardt là niềm vui đón đứa trẻ chào đời trong thời chiến, những hầm trú bom chằng chịt trên hè phố, phố xá vắng bóng người, là những dáng người lầm lụi trong mưa, hình ảnh những phi công Mỹ nhận thư nhà trong trại giam, gương mặt trẻ thơ trong sáng, niềm vui và nỗi buồn nhỏ bé của người dân Hà Nội suốt dọc dài cuộc chiến...
Đó cũng là những khoảnh khắc không thể tái hiện, hình ảnh xác thực và chân thành, như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt, một nụ cười lạc quan trong bối cảnh khắc nghiệt và hăm dọa, cảnh nên thơ thường nhật khiến ta quên đi nỗi sợ và chiến tranh, đem đến cho ta hy vọng vào trạng thái bình thường hòa bình…
Khi những bức ảnh này xuất hiện tại một triển lãm cuối năm 2020 ở Hà Nội, Thomas Billhardt rất khát khao trở lại thành phố nay đã là một phần của cuộc đời ông. Con virus Corona đã ngăn lại khát khao đó, nhưng trên màn hình “chat”, ông vẫn có thể nói chuyện được với những người dân Hà Nội, những người hôm ấy đến triển lãm của ông để hồi tưởng, thấy lại được mình.
“Tôi không bao giờ quên, những giây phút bên bờ cái chết, người Việt Nam bao dung, kỷ luật và đoàn kết biết bao”- người nghệ sĩ già giọng run run chia sẻ.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-mot-ong-tay-yeu-viet-nam-152025.html