Có một thế giới bền bỉ
Nhắc đến nhạc Việt trong hơn 20 năm qua, có lẽ khán giả sẽ chỉ nhớ nhiều đến những cái tên đình đám của nhạc nhẹ cùng các bảng xếp hạng từ thuở thang điểm còn được tính bằng lượt yêu cầu qua đài phát thanh cho tới ngày của những 'triệu lượt xem, nghe' của thời đại số này.
Và trong nhiều tên tuổi nổi tiếng ấy cũng có vô vàn câu chuyện, cả tích cực lẫn tiêu cực; cả xứng ngưỡng vọng cho tới đáng bị chỉ trích, phê phán. Nhưng âm nhạc đương đại Việt Nam không chỉ có thế, vẫn còn một thế giới khác, im lặng, bền bỉ và xứng đáng được trân trọng hơn nhiều: thế giới của những nghệ sĩ opera, cổ điển, thính phòng.
Trong danh sách trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT 2023 này, ngoài những cái tên lừng danh của showbiz, có những cái tên “khiêm tốn” trong đại chúng nhưng không hề bé nhỏ trong nghề. Phạm Khánh Ngọc là một ví dụ điển hình. Nữ nghệ sĩ opera hàng đầu Việt Nam này đã có cả một bề dày bền bỉ từ thuở còn chưa tới đôi mươi ở Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 cho đến hôm nay, ở cương vị một giảng viên thanh nhạc của nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Cô gái bé nhỏ khiêm tốn ấy sở hữu một nội lực ghê gớm mà chính nhận xét của các chuyên gia âm nhạc hàng đầu dành cho cô trong vai “Thầy bói” ở đêm diễn vở “Công nữ Anio” tại Nhật Bản ngày 4/11/2023 là minh chứng rõ ràng nhất. “Giọng hát cao vút, trong như nước đã khiến cả khán phòng Hitomi lặng người”, đó chính là một trong những dòng viết về Khánh Ngọc trên truyền thông Nhật mấy ngày qua.
Những nghệ sĩ opera như Khánh Ngọc, Đào Mác, Đào Tố Loan, Phúc Tiệp… vẫn thầm lặng cống hiến và cháy hết mình trong các đêm diễn họ góp mặt dù thù lao của họ chỉ là muối bỏ bể so với thù lao “vài cú lắc hông” của kha khá các ngôi sao giải trí showbiz. Có nhiều người đã đặt câu hỏi cho họ đại ý rằng “có cả thanh, cả sắc mà tại sao không chọn nhạc nhẹ cho dễ kiếm danh và tài chính hơn?”. Trước câu hỏi ấy, họ chỉ có một câu trả lời chung duy nhất “Vẻ đẹp của opera là không thể thay thế được trong lòng họ và họ không thể hy sinh đam mê ấy vì bất cứ món lợi nào”.
Nhưng dù chọn con đường khó khăn, vất vả, ít có lợi ích tài chính cũng như không thể trở thành nhân vật đình đám của văn hóa đại chúng, sự bền bỉ của họ luôn được đền đáp. Đó chính là các chương trình uy tín nhất, đẳng cấp nhất luôn trải thảm đỏ dành cho họ. Những chương trình ấy là nơi mà giới showbiz không thể nào đặt chân tới. Đơn giản, nó yêu cầu năng lực thực sự chứ không phải một kế hoạch lăng xê nào.
Năm 2023 vừa qua là năm mà Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao với nhiều đối tác quốc tế như Ý, Pháp, Nhật… Hoạt động văn hóa hướng tới năm kỷ niệm này cũng rất rộn ràng và đa số đều lựa chọn những chương trình âm nhạc hàn lâm thay vì những chương trình nhạc Pop thông thường. Và đó cũng là cơ hội mà những ngôi sao opera bền bỉ kia được tin tưởng giao trọng trách như những sứ giả văn hóa của Việt Nam.
Cái vinh dự ấy, đúng là không thể lợi ích cá nhân nào có thể đánh đổi được. Chỉ mong công chúng trong nước, truyền thông trong nước quan tâm tới họ nhiều hơn nữa để tưởng thưởng cho họ xứng đáng hơn. Đặc biệt, việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cho âm nhạc hàn lâm cũng là điều cấp thiết bởi nó là mong mỏi đã quá lâu của những nghệ sĩ hàn lâm rồi.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/co-mot-the-gioi-ben-bi-i714014/