'Có nâng cấp chiến lược hay không, quan hệ Việt - Mỹ vẫn rất đặc biệt'
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhận định quan hệ Việt - Mỹ đang đi đúng hướng, và sẽ có đà phát triển mới trong những năm tới.
Chỉ chưa đầy một tháng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, một quan chức cấp cao khác của chính quyền Mỹ - Phó tổng thống Kamala Harris - tiếp tục chọn Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên tại Đông Nam Á.
Bình luận về chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một phó tổng thống Mỹ, ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2011-2014) - cho biết bản thân chuyến thăm này đã là thông điệp rằng chính quyền của Tổng thống Biden mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam.
Hai chuyến thăm nằm trong khuôn khổ chính sách được hoạch định của chính quyền Tổng thống Biden, với Việt Nam là một trong số các đối tác cần ưu tiên tăng cường quan hệ của chính quyền mới ở Mỹ.
"Đó là những tín hiệu tích cực để chúng ta tin rằng sẽ có đà phát triển mới cho quan hệ hai nước những năm sắp tới", ông Nguyễn Quốc Cường nói với Zing.
- Việc 2 quan chức cấp cao Mỹ chọn Việt Nam là điểm đến khá sớm trong nhiệm kỳ thể hiện điều gì về vị thế của Việt Nam trong chính sách đối ngoại chính quyền Tổng thống Joe Biden?
- Chuyến công du của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Singapore và Việt Nam trong tháng 8 này là chuyến thăm chính thức cấp cao nhất của quan chức chính phủ Mỹ tới khu vực kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức ngày 20/1 năm nay.
Đây cũng là lần đầu tiên một phó tổng thống Mỹ thăm chính thức Việt Nam. Bản thân những điều này đã nói lên tầm quan trọng của chuyến thăm, cả ở tầm song phương và đa phương.
Chuyến thăm trước hết là sự khẳng định cam kết mạnh mẽ và ưu tiên cao của Mỹ đối với khu vực. Và việc chọn Việt Nam là một trong 2 nước đi thăm lần này là có sự tính toán kỹ, cho thấy Mỹ coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam không chỉ ở khu vực Đông Nam Á, mà rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thông báo của Nhà trắng hôm 30/7 cũng nêu rõ rằng chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ nhằm củng cố quan hệ với “hai đối tác thiết yếu” của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
- Đây là lần đầu tiên một phó tổng thống Mỹ đến thăm chính thức Việt Nam. Theo ông, bà Harris - người cũng là nữ phó tổng thống đầu tiên của Mỹ - có khác biệt gì với những người tiền nhiệm hay không?
- Khi tôi còn làm Đại sứ của Việt Nam tại Mỹ (2011-2014), tôi có dịp tiếp xúc với ông Joe Biden, khi đó là phó tổng thống, cũng như nhiều lần trao đổi với một số quan chức cấp cao đang làm việc cho chính quyền hiện nay. Nhìn chung, họ đều có thái độ tích cực đối với quan hệ Việt - Mỹ. Tuy nhiên, tôi chưa có dịp gặp bà Harris.
Bà Kamala Harris, theo như dư luận Mỹ đánh giá là chưa có nhiều kinh nghiệm về đối ngoại. Vì thế, chuyến thăm sẽ là dịp quan trọng để lãnh đạo cấp cao hai nước trực tiếp gặp gỡ, làm quen và trao đổi về những định hướng lớn cho quan hệ hai nước những năm tới.
Đồng thời, đây cũng là dịp rất tốt để bà Kamala Harris hiểu biết thêm về đất nước và người dân Việt Nam. Tôi tin là qua chuyến thăm này, bà Harris sẽ có những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.
- Chương trình nghị sự của chuyến thăm lần này sẽ tập trung chủ yếu vào vấn đề hợp tác an ninh, kinh tế, an toàn hàng hải. Liệu chúng ta có thể kỳ vọng kết quả thực chất gì đối với những vấn đề này?
- Bản thân chuyến thăm này là một thông điệp mạnh mẽ rằng chính quyền của Tổng thống Biden mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực trên cơ sở những lợi ích chung.
Về chính trị - ngoại giao, tôi hy vọng hai nước sẽ có những thỏa thuận về việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao để tiếp tục tạo những xung lực mới cho quan hệ. Một thông điệp quan trọng tôi nghĩ là bà Harris sẽ tái khẳng định các nguyên tắc đã được xác định trong quan hệ hai nước, trong đó có nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau, và Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh mẽ, phồn vinh và độc lập.
Về kinh tế, chúng ta thấy là sau vài tháng của chính quyền mới ở Mỹ, quan hệ kinh tế hai nước liên tiếp có những động thái tích cực.
Bộ Tài chính Mỹ quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia bị coi là thao túng tiền tệ, đảo ngược lại quyết định điều tra trước đó của chính quyền ông Donald Trump. Tiếp đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận liên quan đến chính sách tỷ giá của Việt Nam, và Cơ quan đại diện thương mại Mỹ quyết định sẽ không áp dụng biện pháp điều chỉnh thương mại (áp thuế mới) đối với Việt Nam…
Với những tín hiệu tích cực đó, thương mại hai nước trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, vẫn có những bước phát triển rất ngoạn mục.
Theo số liệu của hải quan, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD trong nửa năm đầu 2021, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức tăng kỷ lục, so với mức tăng năm 27,3% năm 2019, và 25,7% năm 2020. Hai nước đang hướng tới con số 100 tỷ USD trao đổi hàng hóa trong năm nay và nếu đạt được, đó sẽ là con số kỷ lục. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta và Việt Nam cũng đã là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.
Về đầu tư, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến tháng 6 năm nay, Mỹ vẫn là quốc gia xếp thứ 11 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng số dự án là 1.100, tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD. Đây là lĩnh vực mà hai nước còn nhiều dư địa hợp tác phát triển hơn nữa.
Với ý nghĩa đó, tôi tin là trong chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai nước sẽ có các trao đổi có tính chất định hướng nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư, nhất là việc tăng cường phối hợp nhằm duy trì và mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay cũng như vào thời kỳ hậu Covid-19.
Hợp tác giải quyết những hậu quả chiến tranh cũng sẽ là một nội dung quan trọng, bao gồm việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ của cả hai phía, việc rà phá bom mìn và xử lý hậu quả chất độc da cam…
Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, an toàn hàng hải tiếp tục là một chủ đề được cả hai bên và dư luận quốc tế quan tâm. Vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thăm Việt Nam và hai bên cũng đã có nhiều trao đổi về lĩnh vực này. Lực lượng Tuần duyên Mỹ cũng mới chuyển giao 2 chiếc tàu lớp Hamilton cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam…
Tôi hy vọng là hai nước sẽ thỏa thuận sớm nối lại đối thoại về chính trị, an ninh và quốc phòng trong thời gian tới.
Về Biển Đông, hai nước chia sẻ khá nhiều quan tâm chung, đó là việc không đe dọa hay sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, không có các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982…
- Việt Nam nằm trong top 7 quốc gia nhận viện trợ nhiều vaccine Covid-19 nhất của Mỹ. Khoản viện trợ này cùng với các vật tư y tế khác để chống dịch Covid-19 có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ?
- Chúng ta đánh giá cao những hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân Mỹ trong công cuộc phòng chống Covid-19 ở Việt Nam. Cho đến nay, Mỹ là nước đã cung cấp số vaccine chống Covid lớn nhất cho Việt Nam với 5 triệu liều vaccine và khoảng 20 triệu USD các trang thiết bị y tế cần thiết… Và Việt Nam nằm trong top 7 quốc gia nhận viện trợ vaccine nhiều nhất của Mỹ.
Ngay tuần trước, lãnh đạo của 90 doanh nghiệp lớn ở Mỹ đã đồng ký tên vào thư chung gửi Tổng thống Joe Biden kiến nghị Mỹ hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam, vì Việt Nam hiện đã là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường Mỹ và quốc tế.
Chúng ta cũng ghi nhận việc các quan chức cấp cao của Mỹ liên tục khẳng định những viện trợ về vaccines và thiết bị y tế nêu trên là vô điều kiện, không có ràng buộc nào về chính trị, kinh tế…
Tôi nghĩ đó là những hỗ trợ rất quý giá và kịp thời trong thời điểm hiện nay, nhất là khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn rất khan hiếm, có tiền cũng chưa thể mua ngay được. Và tất nhiên điều đó cũng có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác hai nước, không chỉ trên lĩnh vực y tế thuần túy mà cả về kinh tế, giao lưu nhân dân, doanh nghiệp hai nước.
Đồng thời lãnh đạo Việt Nam cũng đã nêu với phía Mỹ là mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kể cả trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine…, trong công cuộc phòng chống đại dịch chung này của thế giới. Tôi nghĩ đây cũng sẽ là một nội dung quan trọng mà lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi trong chuyến thăm này.
- Theo ông, quan hệ Việt - Mỹ thay đổi như thế nào trong những năm qua? Với đà phát triển như vậy, ông dự đoán gì về quan hệ Việt - Mỹ dưới thời chính quyền Biden trong thời gian tới?
- Với chính quyền của Tổng thống Biden, tôi lạc quan cho rằng quan hệ hai nước Việt - Mỹ sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích của cả hai nước và sự lạc quan đó là hoàn toàn có cơ sở.
Trước hết, chính sách phát triển quan hệ với Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận khá cao trong nội bộ Mỹ, của lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa, của giới doanh nghiệp, học giả…
Thực tế là trong những năm qua, dù chính quyền ở Mỹ có thay đổi khác nhau nhưng quan hệ hai nước vẫn giữ được đà phát triển mạnh mẽ và thực chất, nhất là từ khi hai nước xác lập mối quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.
Tôi cũng chú ý đến việc trong “Chỉ dẫn Chiến lược an ninh đối ngoại tạm thời” được chính quyền mới của Tổng thống Biden công bố ngay đầu tháng 3 năm nay, Việt Nam là một trong số ít các đối tác đã được đề cập đến như là những ưu tiên tăng cường quan hệ của chính quyền mới ở Mỹ.
Chuyến thăm Việt Nam của phó tổng thống Mỹ, cũng như chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin trong tháng 7, là nằm trong khuôn khổ chính sách được hoạch định nêu trên.
Rồi một loạt các sự kiện, các bước phát triển mới của quan hệ hai nước trong hơn 7 tháng qua như tôi đã điểm qua ở trên trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh và nhất là kinh tế - thương mại… Đó là những tín hiệu tích cực để chúng ta tin rằng sẽ có đà phát triển mới cho quan hệ hai nước những năm sắp tới.
- Đã có nhiều tiếng nói ủng hộ việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên tầm chiến lược. Thông điệp này cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nêu trong chuyến thăm vừa qua. Xin hỏi quan điểm của ông về vấn đề này?
- Đúng là đã có những tiếng nói đề nghị nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ từ đối tác toàn diện như hiện nay lên thành đối tác chiến lược. Chắc rằng các nhà hoạch định chính sách của cả hai nước sẽ phải có những tính toán, xem xét kỹ lưỡng những thuận lợi và thách thức đặt ra, cả về đối nội và đối ngoại.
Với tư cách cá nhân là một cựu đại sứ ở Mỹ, tôi ủng hộ việc nâng cấp quan hệ. Chúng ta đã có quan hệ đối tác chiến lược với hầu hết nước lớn, các đối tác quan trọng của chúng ta rồi.
Trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thì 4 nước là Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp đã là đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta.
Hơn nữa, chúng ta cũng đã nhiều lần tuyên bố công khai là Việt Nam thi hành một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không đi với nước này để chống nước kia. Tôi nghĩ các nước đều hiểu rõ điều này.
Dù sao đi nữa, quan hệ Việt - Mỹ vẫn là một mối quan hệ khá đặc biệt. Từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện như hiện nay thực sự là một chặng đường dài, phải vượt qua nhiều trở ngại rồi. Nhiều người gọi đó đã là một kỳ tích.
Và nếu xét trên nhiều khía cạnh, các nội dung hợp tác, trao đổi hiện nay giữa hai nước thì tôi cho rằng quan hệ Việt - Mỹ hiện đã mang tầm chiến lược rồi, chỉ còn thiếu cái tên gọi mà thôi. Nói tóm lại là dù có nâng cấp hay chưa nâng cấp thì quan hệ Việt - Mỹ vẫn đang đi đúng hướng.
- Một số ý kiến cho rằng đối với việc chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền Biden đề cập nhiều, nhưng hành động cụ thể còn hạn chế. Ông có cùng chung nhận định này không?
- Tôi không nghĩ như vậy. Ngay từ khi vận động tranh cử cũng như sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Biden và các trợ lý chính của ông đã nhiều lần đề cập đến tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên pháp luật.
Cùng với những tuyên bố về chính sách, trên thực tế chúng ta thấy chính quyền mới ở Mỹ cũng đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng với khu vực.
Với Trung Quốc chẳng hạn, chính quyền mới xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chủ yếu và lâu dài nên cũng đã có nhiều biện pháp về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, kinh tế…, cả song phương và đa phương để đối phó với thách thức Trung Quốc.
Mặt khác, hai nước cũng đã tổ chức được cuộc đối thoại chiến lược cấp cao đầu tiên. Tức là vừa có cạnh tranh, vừa có đối thoại để tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác.
Mỹ cũng đã có những động thái để củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác chủ chốt của Mỹ ở khu vực như với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, với khu vực Đông Nam Á…
Ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia, bộ trưởng Quốc phòng, và bà Phó tổng thống Harris lần lượt tới thăm các nước trong khu vực. Mỹ cũng đã đón lãnh đạo một số nước trong khu vực như thủ tướng Nhật Bản, tổng thống Hàn Quốc tới thăm…
Tổng thống Biden cũng có các cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo một số nước trong khu vực. Trên thực địa Mỹ và cả những đồng minh của Mỹ cũng đã có những điều chuyển lực lượng đáng chú ý.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rõ Mỹ là một siêu cường. Mỹ có những lợi ích và quan tâm khác nhau trên phạm vi toàn cầu. Tổng thống Biden cũng đã tuyên bố rõ một trong những ưu tiên hàng đầu của ông về đối ngoại là hàn gắn lại quan hệ với các đồng minh, các đối tác chủ chốt xuyên Đại Tây Dương như NATO, EU.
Vì vậy cũng là điều dễ hiểu khi chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông là để tham dự hội nghị cấp cao G7 ở London và cấp cao NATO ở Bỉ… Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ “xao lãng” khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
- Có ý kiến cho rằng chuyến đi của bà Harris là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đã trở lại với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông có đồng ý với quan điểm này? Liệu chính quyền Tổng thống Biden có nhanh chóng thúc đẩy việc tái gia nhập CPTPP trong thời gian tới?
- Nếu nói với chính quyền Biden, Mỹ đang trở lại với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì cũng chưa hẳn là chính xác. Chúng ta nhớ lại là chính quyền của Tổng thống Obama đã đưa ra chính sách xoay trục hay còn gọi là tái cân bằng với châu Á, tức là chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đến thời của Tổng thống Trump thì khái niệm đó được mở rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nay chính quyền của Tổng thống Biden có kế thừa và nhấn mạnh tới chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên pháp luật.
Tuy nhiên, đúng là cách thức và các biện pháp triển khai ở mỗi thời tổng thống là có khác nhau.
Về khả năng Mỹ gia nhập CPTPP trong thời gian tới, cá nhân tôi cho rằng tình hình chính trị nội bộ Mỹ hiện tại chưa cho phép chính quyền của ông Biden sớm thúc đẩy quá trình này.
Hơn nữa, nếu có xem xét việc gia nhập CPTPP thì chắc là Mỹ sẽ không đơn thuần chấp nhận mọi điều khoản hiện hành của CPTPP mà sẽ đòi thương lượng bổ sung theo những mối quan tâm và lợi ích của Mỹ nữa.
- Giới quan sát và nghiên cứu Mỹ từng nhiều lần đề cập đến việc thể chế hóa khuôn khổ Bộ Tứ (Quad) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này? Việt Nam có thể tham gia vào quá trình này hay không?
- Ý tưởng về Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đầu tiên được Thủ tướng Nhật bản Abe Shinzo nêu ra khi các nước chung tay hỗ trợ Nhật Bản ứng phó với đại thảm họa sóng thần năm 2004.
Dần dần, ý tưởng trên đã trở thành một cơ chế đối thoại không chính thức giữa 4 nước nêu trên về các vấn đề an ninh khu vực, và bản thân 4 nước cũng rất thận trọng với ý tưởng này. Đơn cử là trong 4 năm của Tổng thống Trump, Bộ Tứ kim cương này chỉ tổ chức được 2 cuộc gặp “không chính thức” ở cấp ngoại trưởng.
Điểm mới và đáng chú ý là việc chính quyền mới của ông Biden tỏ rất coi trọng cơ chế Bộ Tứ này. Như lời của Cố vấn an ninh Quốc gia Jake Sullivan, đây sẽ là “nền tảng cho chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Vì vậy ngay sau khi ông Biden nhậm chức, Mỹ đã tổ chức gặp ngoại trưởng (28/2) và lần đầu tiên họp trực tuyến cấp cao của Bộ Tứ (12/3). Các bên cũng đã thỏa thuận sẽ họp cấp ngoại trưởng hàng năm và họp cấp cao trực tiếp vào cuối năm nay, đẩy nhanh tiến trình thể chế hóa khuôn khổ Bộ Tứ trong cấu trúc an ninh khu vực.
Mặt khác, các nhà phân tích cũng lưu ý là ngay mỗi nước tham gia Bộ Tứ lại có những mục tiêu và lợi ích riêng, nên tiến trình thể chế hóa Bộ Tứ sẽ còn gặp nhiều thách thức. Đây là vấn đề mà chúng ta cần tiếp tục theo dõi và nghiên cứu một cách thấu đáo.