Có nên bảo hộ cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý hay không?
Có bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý là một trong những vấn đề có ý kiến khác nhau khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự sáng qua. Nếu đồng ý bỏ quy định này, cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể chủ động khởi tố vụ án liên quan, góp phần bảo vệ hiệu quả hơn tài sản quốc gia, thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp, địa phương, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Nhưng, cũng có ý kiến lo ngại, sẽ có nguy cơ hình sự hóa quan hệ dân sự, ảnh hưởng đến quyền của người bị hại, nên cần nghiên cứu cẩn trọng.
Có cần thiết quy định rộng hơn CPTPP?
Tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Điểm g, khoản 6, Điều 18.77 Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu. Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý để tương tự với cơ chế bảo vệ bằng thủ tục tố tụng hình sự đối với nhãn hiệu, qua đó, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý.
Không tán thành với đề xuất này, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phân tích: Pháp luật hiện hành ghi nhận quyền khởi kiện chính thức của người bị hại trước hết là để bảo vệ lợi ích của họ, cho quyền lựa chọn hoặc thương lượng, hòa giải, yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu khởi tố vụ án. Vì thế, "nếu bỏ quy định này sẽ không có lợi cho người bị hại", đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ.
Một khía cạnh khác của vấn đề được nhiều ĐBQH chỉ ra, đó là chỉ dẫn địa lý thuộc sở hữu Nhà nước; Nhà nước trao quyền sở hữu cho UBND cấp tỉnh và cho một số tổ chức, hiệp hội quyền quản lý, trao cho các doanh nghiệp sản xuất quyền sử dụng. Nói cách khác, khi có hành vi xâm phạm thì tất cả các chủ thể này đều có quyền yêu cầu khởi tố, đặc biệt UBND cấp tỉnh là cơ quan hoàn toàn có điều kiện và có khả năng để thực hiện yêu cầu khởi tố. Trong khi đó, qua đối chiếu với quy trình, thủ tục khởi tố vụ án hình sự hiện hành, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường lưu ý, yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đơn giản hơn rất nhiều so với việc tham gia tố tụng hành chính hay khởi kiện dân sự. Việc yêu cầu người bị hại khởi tố vì vậy hoàn toàn khả thi và thuận lợi.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được đề xuất xem xét, thông qua trong một kỳ họp theo quy trình rút gọn. Nhấn mạnh điều này, các ĐBQH Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa), Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề nghị, chỉ bỏ nội dung khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Bởi, CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Trong khi đó, việc thực hiện các quy định xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý như quy định hiện hành cũng không có vướng mắc. Hơn nữa, đây không phải là vấn đề cấp bách, không thuộc trường hợp phải sửa đổi để thực hiện điều ước quốc tế, hay vì thiên tai, dịch bệnh, và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định tại khoản 3, Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên không thuộc trường hợp được sửa đổi theo thủ tục rút gọn. Đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng lo ngại, việc quy định mở hơn so với phạm vi cam kết của CPTPP là việc chúng ta tự quy định mới và nếu được thông qua, phải chăng đây sẽ là quy định hình sự hóa phạm vi mà trước đây chúng ta xác định có tính chất dân sự (?). Với lý lẽ này, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị, không nên bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý. "Nếu có bỏ thì cần nghiên cứu kỹ, đánh giá theo trình tự xây dựng luật thông thường theo quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không thể ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn".
Ảnh: T. Huyền
Nhưng sẽ tăng cường bảo vệ sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý
Thừa nhận nếu quy định không có yêu cầu khởi tố các bị hại không được xác định là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm quy định tại khoản 1, Điều 226 của Bộ luật Hình sự đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là mở rộng hơn so với yêu cầu của CPTPP, song, ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) bày tỏ đồng tình với phương án được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề xuất. Bởi, thông qua quy định cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền chủ động khởi tố vụ án liên quan sẽ góp phần bảo vệ hiệu quả hơn tài sản quốc gia, thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp, địa phương, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, phát huy những tác động tích cực khác đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ số liệu tổng kết thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đại biểu Tạ Minh Tâm cũng chỉ ra thực tế: Hiện chỉ có vụ án về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không có vụ án về chỉ dẫn địa lý. Sở dĩ có thực tế này, theo đại biểu Tạ Minh Tâm, có thể do các chủ thể thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó nên tính chủ động trong việc đưa ra yêu cầu khởi tố vụ án để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý là không cao. Trong khi đó, nếu thực hiện như đề xuất của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, góp phần bảo vệ sớm, triệt để quyền sở hữu công nghiệp, tạo môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân mà trực tiếp là tổ chức, cá nhân là chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp.
Cùng quan điểm, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) chỉ rõ, việc bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với xâm hại quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý không có nghĩa là làm mất đi quyền này của người bị hại. Trong khi đó, với quy định như đề xuất của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, người bị hại yêu cầu hay không yêu cầu thì chúng ta vẫn được khởi tố. Nói cách khác, các quyền của người bị hại được bảo vệ một cách cao hơn.
Giải trình về vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm này, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý không chỉ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Việc giao quyền chủ động yêu cầu khởi tố vụ án cho chủ sở hữu quyền, mặc dù ở khía cạnh nhất định có thể bảo vệ được chủ sở hữu quyền, nhưng lại làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Và, nếu chủ sở hữu quyền không yêu cầu khởi tố và lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của chủ sở hữu quyền, tức là "anh có quyền đó nhưng anh không thực hiện".
Viện trưởng Lê Minh Trí cũng nhấn mạnh, nếu chỉ bảo hộ nhãn hiệu thì khi cần bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trong hiện tại và tương lai sẽ không chủ động, vì việc sửa đổi luật không phải lúc nào cũng làm được ngay. Và, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chung, không vì một lợi ích nào khác, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao một lần nữa đề nghị, các ĐBQH cân nhắc ủng hộ phương án sửa đổi luật lần này có bảo hộ cả hai nội dung nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý như đề xuất ban đầu.