Có nên bỏ quy định bắt buộc CSGT nói lời cảm ơn sau khi kiểm soát?
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất CSGT không cảm ơn người tham gia giao thông sau khi kiểm soát là hợp lý.
Bỏ nội dung cảm ơn sau khi kiểm soát phương tiện
Bộ Công an đã hoàn tất dự thảo Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT và đang lấy ý kiến đóng góp.
Khác với Thông tư 65/2020/TT-BCA đang được áp dụng, ở dự thảo này, Bộ Công an đề xuất một số thay đổi quy trình kiểm soát người và phương tiện giao thông.
Theo đó, sau khi thông báo và đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định, CSGT thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát).
So với Thông tư 65 trước đây, thì quy định của dự thảo đã lược bỏ phần yêu cầu CSGT phải thực hiện chào bằng lời nói: "Chào ông, bà, anh, chị… Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông".
Dự thảo Thông tư cũng quy định, sau khi kiểm soát xong, cán bộ CSGT báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có), biện pháp xử lý.
Đây cũng là điểm khác Thông tư 65 bởi Thông tư 65 quy định, khi kiểm soát giao thông xong, CSGT phải nói thêm: "Cảm ơn ông, bà, anh, chị,… đã hợp tác với lực lượng CSGT để bảo đảm trật tự ATGT".
Bỏ quy định là cần thiết
Bày tỏ đồng tình với đề xuất này, anh Đồng Anh Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, bản thân tôi không quan tâm nhiều về hình thức chào của lực lượng CSGT sau khi làm việc, mà quan tâm đến cách thức làm việc của các chiến sĩ, cán bộ CSGT.
"Sự tôn trọng của lượng CSGT thể hiện trong cả quá trình làm việc với người dân, chứ không chỉ là cái chào. Tôi quan tâm đến việc CSGT có giải thích cặn kẽ cho người dân hiểu về lỗi mình vi phạm nhiều hơn chỉ là hình thức chào hỏi", anh Tú cho hay.
Anh Tú cũng cho biết, không ít người vi phạm giao thông, nhất là khi trong tình trạng say rượu đã vin vào những cơ "vì sao không chào, không hỏi" để hạch sách, gây ức chế đến lực lượng CSGT.
Một cán bộ CSGT cho biết, bỏ nội dung cảm ơn sau khi kiểm soát phương tiện giao thông là cần thiết.
"Công an nhân dân luôn sẵn sàng vì nhân dân phục vụ. Trong quá trình làm việc với nhân dân sự tôn trọng nhân dân thể hiện ở cách thức làm việc, chính vì thế, việc bỏ quy định lời chào cảm ơn khi làm việc không ảnh hưởng đến sự tôn trọng nhân dân", cán bộ CSGT này nói.
Cán bộ này cũng lể, trong quá trình làm việc, không ít những người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia, nếu CSGT quên không chào thì sẽ bị to tiếng hạch sách: "anh đã chào tôi chưa?".
"Nhiều khi đây là cái cớ để những người sử dụng bia rượu gây áp lực cho lực lượng CSGT", cán bộ này cho hay.
Luận bàn về nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng chào bằng lời nói và cảm ơn mang ý nghĩa về mặt lý thuyết và trên thực tế không cần thiết.
"Bản chất của quy định này là thể hiện sự tôn trọng, ứng xử có văn hóa của CSGT dành cho người dân. Tuy nhiên, sự tôn trọng có thể thể hiện qua những hành vi khác như động tác chào và cách thức giải quyết công việc với người dân. Ngược lại, đôi khi chính quy định phải nói lời chào và cảm ơn làm mất thời gian của cả CSGT và người dân", luật sư Bình nói.
Theo luật sư Bình, nếu đưa quy định này vào pháp luật, thì do tính chất công việc nên nhiều trường hợp CSGT phải tiếp rất nhiều người dân mà CSGT quên nói lời chào đối với người dân hoặc cảm ơn sau khi đã kiểm tra xong giấy tờ thì về mặt quy định của pháp luật, họ đã không hoàn thành nghĩa vụ và sâu xa hơn là vi phạm pháp luật.
"Thực tế, một số người dân lấy chính những thiếu sót không đáng có này của CSGT để gây cản trở trong quá trình làm việc và có những hành vi không đúng với quy định pháp luật như quay phim, chụp hình vì một mục đích nào đó. Do đó, theo tôi việc bỏ quy định chào bằng lời nói và cảm ơn là cần thiết với thực tiễn hiện nay", luật sư Bình cho hay.