Có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cấm kinh doanh bóng cười, shisha...?

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Có nên cấm ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”?

Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6 dự thảo Luật) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, đây là hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thực tế cho thấy, nhiều người cho vay không đòi được nợ dẫn đến truy sát cả gia đình người thân, bạn bè, hàng xóm, bởi nếu kiện ra tòa sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí kiện tụng không phải là nhỏ. Nếu như người đi vay bị xử đi tù, món nợ cũng không đòi được.

“Quy định này có ngăn chặn được đòi nợ thuê xảy ra khi hàng loạt công ty tài chính mọc lên như nấm với chức năng là cho vay nặng lãi sau đó là đòi nợ thuê? Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải vào cuộc và có chế tài quản lý chặt chẽ, truy tố hình sự đối với những người đòi nợ thuê có hành vi côn đồ chứ không phải quản lý không được rồi ngăn chặn hoặc cấm”, đại biểu nhấn mạnh.

 Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu ý kiến.

Không đồng tình quan điểm trên, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho rằng, thực tế, dịch vụ này đã phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực: Bên đòi nợ tìm mọi cách thu giữ, hủy hoại tài sản trái pháp luật, đe dọa, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi lợi dụng đăng ký dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Một số đối tượng đòi nợ thuê đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người; phổ biến là hành vi đe dọa người thân, cha mẹ con nợ...

Cùng với đó, gần đây, đối tượng đòi nợ thuê có hành vi nguy hiểm, phức tạp hơn mà nhiều người không ngờ tới, gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng rất xấu tới an ninh, trật tự địa phương nhưng lực lượng công an rất khó xác định đối tượng và phát hiện xử lý theo quy định của pháp luật. “Nếu Luật Đầu tư sửa đổi lần này đưa ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý”, đại biểu nhấn mạnh.

Bổ sung ngành sản xuất kinh doanh cung cấp nước sạch

Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) đề nghị bổ sung ngành sản xuất kinh doanh cấp nước sạch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đại biểu phân tích, nước sạch là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp nước sạch phải chịu sự kiểm soát của nhà nước nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong cung cấp nước sạch cho người dân cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đơn vị kinh doanh đầu tư, cung cấp nước sạch. Đại biểu nhấn mạnh, điều này càng cần thiết hơn trong điều kiện thời gian qua, nước sạch sông Đà bị “đầu độc”, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân ở các quận, huyện TP Hà Nội, gây chi phí tốn kém cho việc mua nước sạch...

Nhấn mạnh “điều này cho thấy đây là lĩnh vực Nhà nước cần quản lý chặt chẽ, phải đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, đại biểu đề nghị giữ nguyên ngành nghề này trong Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này. Nếu bỏ ngành nghề này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp nước sạch tự do đăng ký kinh doanh, gây khó khăn cho nhà nước trong quản lý, gây rủi ro về sức khỏe cho người tiêu dùng; nhất là trong điều kiện hiện nay, ngành cấp nước chưa được ban hành các quy định ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các đơn vị cấp nước, việc giải quyết sự cố còn hạn chế....

Đề nghị cấm đầu tư kinh doanh bóng cười, shisha

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) thì đề cập đến tình trạng mua bán bào thai, sử dụng bóng cười, shisha (thuốc lào Ả Rập) diễn ra ở nhiều nơi nhưng việc xử lý vẫn còn hạn chế. Theo đại biểu, bào thai, bóng cười, shisha chưa được pháp luật về đầu tư quy định danh mục ngành nghề cấm kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện. Hoạt động mua bán, sản xuất những thứ trên gây nguy hiểm cho xã hội nhưng cơ quan chức năng hiện còn lúng túng trong xử lý; mà nguyên nhân chủ yếu là do khoảng trống trong quy định của pháp luật, còn có lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước và do thiếu vắng các chế tài xử phạt.

 Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu ý kiến.

Cụ thể, về tình trạng mua bán bào thai, trong quá trình điều tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng, bào thai không phải là một bộ phận của cơ thể người mẹ và cũng chưa phải là trẻ em. Vì vậy không thể áp dụng điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi, Điều 154 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người theo Bộ luật hình sự năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhấn mạnh "khoảng trống pháp luật trên chính là nguyên nhân làm cho hành vi mua bán bào thai diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng", đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung vào Luật Đầu tư về việc cấm các hoạt động kinh doanh bào thai.

Về hành vi sử dụng bóng cười, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, thực trạng hiện nay, trong các vũ trường, nhà hàng, quán bar, việc hít bóng cười như một trào lưu giải trí, một thú vui tiêu khiển của một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng như ngạt thở, tê liệt chân tay, trầm cảm, thậm chí có nguy cơ tử vong. Tác hại của việc sử dụng bóng cười là rất lớn, song việc sản xuất sử dụng bóng cười lại quá dễ dàng và nếu không ngăn chặn sẽ gây hậu quả khó lường- đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Từ đó, ngoài đề nghị cấm kinh doanh bào thai, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu còn đề nghị cấm đầu tư kinh doanh bóng cười, shisha trong Luật Đầu tư sửa đổi lần này vì đây là việc hết sức cấp bách và cần thiết, vừa bảo vệ tính mạng sức khỏe cho con người, vừa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm ở nước ta hiện nay.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/co-nen-cam-kinh-doanh-dich-vu-doi-no-cam-kinh-doanh-bong-cuoi-shisha-603013